Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong suốt 30 năm chống thực dân và đế quốc, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả” chứ “nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Tây Ninh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh, lập nên nhiều chiến công oai hùng, xứng đáng với truyền thống quê hương trung dũng kiên cường.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà.
Tây Ninh trung dũng kiên cường
Sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng và Mặt trận các cấp trong tỉnh được thành lập, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Nhưng hưởng niềm vui hoà bình chưa được bao lâu, nhân dân Tây Ninh cùng đồng bào cả nước phải tiếp tục bước vào một cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập vừa giành được, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ tiếng súng đầu tiên ở Suối Sâu (ngày 8.11.1945) đến kết thúc cuộc kháng chiến tháng 7.1954, chiến trường Tây Ninh là một trong những nơi khó khăn nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Kẻ thù đã dùng đủ mọi âm mưu thủ đoạn xảo quyệt từ “chia để trị”, dùng người Khmer giết người Việt, áp dụng chính sách “tam quang”: giết sạch, đốt sạch, phá sạch... đến các loại vũ khí tối tân lúc bấy giờ nhằm triệt phá vùng căn cứ kháng chiến.
Với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ra sức tổ chức, chăm lo cuộc sống cho nhân dân; củng cố các tổ chức Đảng thành hệ thống lãnh đạo vững mạnh; từng bước thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương và du kích lớn mạnh; giáo dục lập trường, quan điểm quần chúng và luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, vừa đánh địch tại địa phương, vừa bảo vệ căn cứ địa kháng chiến, lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành thắng lợi, chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, dân và quân Tây Ninh phải đương đầu một cuộc chiến khó khăn, ác liệt hơn. Ở từng giai đoạn của cuộc chiến tranh, Tây Ninh luôn là địa bàn đánh phá ác liệt của địch, hòng huỷ diệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến và lực lượng bộ đội chủ lực cách mạng miền Nam. Tuy chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng Đảng bộ, dân và quân Tây Ninh vẫn vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, hy sinh, kiên cường bám trụ để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ quê hương.
Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1.1959), phong trào cách mạng ở miền Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Bằng chiến thắng Tua Hai (26.1.1960) vang dội, mở đầu cho cao trào Đồng Khởi ở Nam Bộ, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó. Quân và dân Tây Ninh cùng với toàn miền Nam lần lượt đập tan các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, ký kết Hiệp định Paris (1.1973), chấp nhận thua trận, rút quân về nước. Thừa thắng xông lên, quân dân Tây Ninh và quân dân miền Nam đã đánh cho nguỵ nhào, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xứng đáng với lòng tin của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày 30.4.1975, trong khi cả nước được độc lập, bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội thì Tây Ninh phải tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, ta còn giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn phản động Pôn-pốt gây ra; chi viện sức người, sức của kiến thiết tỉnh KamPong Cham (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong suốt 10 năm (1979-1989).
Nhiều thành tựu từ xuất phát điểm “gần như bằng không”
Sau năm 1975, tỉnh nhà được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ một xuất phát điểm rất thấp. Cơ sở hạ tầng bị phá huỷ nặng nề, 60/73 xã trong tỉnh bị tàn phá hoàn toàn, hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Toàn tỉnh không có một công trình thuỷ nông quan trọng nào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hoạt động công nghiệp gần như không có. Đại bộ phận nhân dân sống trong nghèo khó, hàng vạn đối tượng chính sách cần được chăm lo.
Trong 10 năm 1975-1985, Tây Ninh tập trung cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời.
Từ chỗ không có mặt hàng nào xuất khẩu, trong giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đạt 19 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 26.219 tỷ đồng, tăng 5,25 so với cùng kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Trung ương và tỉnh đầu tư. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn trước...
Nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc gia đã có dự án đầu tư tại Tây Ninh. Tỉnh cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ, tạo tiền đề vững chắc để Tây Ninh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030. Thị xã Hoà Thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; thành phố Tây Ninh hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; ban hành quyết định công nhận 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật. Các chính sách xã hội, chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 còn 1.612 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,5% (giảm 0,29% so với năm 2020). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 86,8% so với dân số toàn tỉnh.
Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Cấp uỷ các cấp tập trung thực hiện hai nhiệm vụ “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Song song đó, Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vừa triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát thích ứng, an toàn với dịch Covid-19, vừa thực hiện các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Đình Chung
(Lược trích từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)