Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thực hiện Nghị quyết 68:
Nỗ lực hỗ trợ người lao động tự do
Thứ ba: 09:14 ngày 28/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều đối tượng lao động bị ảnh hưởng dẫn đến khó khăn, trong đó có người lao động tự do. Ngày 1.7.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động tự do và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tại Tây Ninh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện.

Công chức Văn hoá – Xã hội phường Long Thành Bắc hướng dẫn người lao động tự do làm hồ sơ nhận hỗ trợ từ chính sách.

Niềm vui khi nhận hỗ trợ

Bà Võ Thị Xuyên, 57 tuổi, ngụ ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu làm nghề giúp việc nhà nhiều năm. Bà cho biết, từ khi thực hiện giãn cách xã hội, nhà bà có 4 người thì 3 người thất nghiệp, mọi chi phí sinh hoạt dựa vào lương tháng của con trai. Đã hai tháng qua bà Xuyên không có việc làm, vì vậy bà rất mong tình hình có thể sớm ổn định để đi làm, gia đình đỡ khó khăn.

Bà Xuyên chia sẻ: “Bình thường, gia đình tôi cũng không quá chật vật, nhưng thời gian qua, gần như cả nhà thất nghiệp nên cuộc sống không thoải mái”. Vừa qua, bà Xuyên được nhận tiền hỗ trợ cho đối tượng lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Bà nói: “Tôi được Trưởng ấp hướng dẫn làm hồ sơ nhận hỗ trợ, khoảng 1 tháng thì được giải quyết, tôi rất vui”. 

Bà Trần Thị Minh Dung, ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu làm nghề bán vé số hơn 3 năm. Mấy tháng qua, từ khi tỉnh yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cuộc sống của bà Dung vốn khó, nay càng khó hơn.

Không có việc làm, mất thu nhập khiến bà rất lo lắng, cũng may được địa phương thường xuyên tặng quà, nhu yếu phẩm, giúp bà có cái ăn qua ngày, thêm niềm tin vượt qua đại dịch. Bà Dung phấn khởi nói, cách đây nửa tháng bà nhận được số tiền 1,5 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. “Đối với tôi, số tiền này rất đáng quý trong thời điểm hiện tại, giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống những ngày qua. Tôi chỉ mong dịch bệnh mau ổn định, người bán vé số được hoạt động trở lại, để tôi có việc làm”.

Địa phương nỗ lực thực hiện hỗ trợ

Nhận thấy khó khăn của người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, các địa phương nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và chi hỗ trợ cho người dân. Thực hiện chính sách theo Nghị quyết 68, tính đến ngày 27.9, toàn tỉnh đã chi hỗ trợ cho 44.039 người với tổng tiền trên 66,5 tỷ đồng. 

Ngày 30.8.2021 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND mở rộng thêm nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ so với Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ban hành trước đó. Qua đó, có thêm rất nhiều người lao động được nhận tiền hỗ trợ.

Bà Hà Thị Huệ- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết: Địa bàn xã có đông người lao động tự do, làm thuê, làm mướn, khi thực hiện theo Quyết định số 17 nới rộng đối tượng thụ hưởng, số người đăng ký hỗ trợ tăng lên rất nhiều, với trên 1.000 hồ sơ. Tính đến ngày 16.9, tại xã có 441 hồ sơ được xét duyệt và còn trên 1.000 hồ sơ chờ. 

Theo ông Phạm Tấn Lợi- Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Châu, khi thực hiện Quyết định 17, đối tượng được xét nhận hỗ trợ tăng gấp 3 lần so với trước. Chủ trương mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ là đúng và hợp tình. Hiện người dân đăng ký thông tin qua cổng thông tin điện tử hoặc đăng ký trực tiếp tại địa phương.

Đến ngày 21.9, huyện Tân Châu được UBND tỉnh phê duyệt 4.667 hồ sơ với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng; huyện đã thực hiện chi trả được 3.786 hồ sơ với tổng tiền trên 5,6 tỷ đồng; trong đó lao động tự do được chi hỗ trợ là 3.573 hồ sơ. Số còn lại chưa thực hiện chi trả do mới có quyết định.  

Cán bộ Thương binh và Xã Hội  xã Tân Hưng kiểm tra hồ sơ của người lao động tự do.

Tại phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành, ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND phường Long Thành Bắc cho biết: Tính đến ngày 22.9, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 438 hồ sơ cho lao động tự do và bán vé số với tổng số tiền là 657 triệu đồng. Ngay sau khi nhận kinh phí, phường nhanh chóng triển khai chi trả cho nhóm đối tượng trong danh sách được phê duyệt để kịp thời hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Theo ông Huỳnh Văn Út- Chủ tịch UBND phường Long Thành Bắc, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin như hệ thống loa, Tổ Covid cộng đồng, trang thông tin của phường để người dân biết, nắm thông tin về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, thủ tục hưởng chính sách theo quy định.

Phường cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc của người dân về chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch. Qua đó người dân trên địa bàn phường nắm bắt, tiếp cận được gói chính sách hỗ trợ, chủ động làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ.

Tại phường Long Thành Trung, trên tinh thần không bỏ sót ai, người lao động khó khăn nộp đơn đề nghị hưởng chính sách, địa phương nhận hết, sau đó Hội đồng sẽ xét từng trường hợp cụ thể xem có thoả các điều kiện theo quy định. UBND phường chỉ đạo cán bộ phụ trách, các ấp, khu phố tiếp nhận, hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục đúng quy định, tránh sai sót, tránh bị trả hồ sơ khi gửi lên trên để người lao động sớm được hưởng tiền hỗ trợ. Tính đến ngày 22.9, phường chuyển lên trên 2.000 hồ sơ của lao động tự do, người bán vé số và đang chờ phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, để đảm bảo thực hiện tốt Nghị quyết 68 của Chính Phủ, UBND thị xã Hoà Thành chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện trợ cấp đối với các xã, phường; Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị tham gia giám sát việc rà soát, thẩm định và cấp phát tiền, đảm bảo xét đúng đối tượng.

Tính đến ngày 22.9, thị xã Hoà Thành tổng hợp, thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét giải quyết hỗ trợ 11.606 người theo các nhóm được hỗ trợ theo quy định, trong đó mới có 3.179 người được chi trả hỗ trợ, số còn lại chờ UBND tỉnh phê duyệt. Nên khi  có được tiền hỗ trợ, địa phương sẽ nhanh chóng trao đến tay đối tượng thụ hưởng.

Tại huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Mục tiêu của địa phương là, nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải được nhận hỗ trợ đầy đủ, kịp thời.

Việc tiếp nhận hồ sơ đến đâu, phòng thẩm định trình phê duyệt đến đó, không để tồn đọng hồ sơ; khi nhận kinh phí, tổ chức cấp phát kịp thời đến tay người hưởng thụ. Đến ngày 22.9, huyện chi trả cho 4.704 người gồm người bán vé số, lao động tự do, trường hợp F0, F1, với số tiền trên 7 tỷ đồng; có 3.637 lao động tự do đang chờ tỉnh phê duyệt.

Mong ngóng tiền hỗ trợ

 Với những nỗ lực của các địa phương, đã có nhiều người lao động được nhận hỗ trợ nhưng vẫn còn nhiều người chưa nhận được tiền hay hồ sơ đã gửi đăng kí nhưng chưa được giải quyết. Có thể nói, trong lúc khó khăn này những người lao động tự do vẫn rất cần những hỗ trợ khi cần thiết.

Bà Tống Thị Bạch Tuyết, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành chia sẻ, bà làm nghề giúp việc nhà. Khi thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch, bà phải tạm ngưng công việc của mình hơn 2 tháng qua. Một thời gian dài ở nhà, không có thu nhập, cuộc sống của bà Tuyết gặp nhiều khó khăn vì phải nuôi con đang học đại học.

Lúc khó khăn, nghe nói có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do- trong đó có người làm nghề giúp việc nhà, bà Tuyết liền làm hồ sơ, đến nay, đã gần một tháng bà vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Bà Tuyết lo lắng nói: “Tôi có gọi đến địa phương hỏi, họ nói hồ sơ của tôi đã được chuyển lên trên, đang chờ tỉnh phê duyệt nên phải chờ. Cũng vì khó khăn tôi mới đăng ký nhận hỗ trợ, giờ chỉ mong sớm có tiền để trang trải sinh hoạt trong những ngày chờ việc làm”.

Còn chị Nguyễn Thị Kiều Chinh, ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành làm nghề phụ quán cơm. Từ khi dịch bùng phát và toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, chị nghỉ việc, quanh quẩn trong nhà và không có thu nhập lo cuộc sống. Chị Chinh đã làm hồ sơ gửi phường, mong được nhận hỗ trợ nhưng gần một tháng nay, chị chưa được địa phương thông báo nhận tiền. 

Anh Nguyễn Quốc Tiến, ngụ ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết đã đăng ký nhận hỗ trợ qua cổng thông tin điện tử hơn một tháng, và vừa nộp phiếu trực tiếp cho Trưởng ấp hơn mười ngày nay, hy vọng sớm được nhận hỗ trợ.

Anh Tiến là lao động tự do, nghề chính (làm MC đám tiệc, hội chợ) phải dừng hoạt động hơn 4 tháng nay; công việc bán hàng online cũng phải dừng, do thực hiện các biện pháp phòng dịch và địa phương bị phong toả. Anh Tiến nói: “Bình thường cũng ổn, nhưng thời gian qua, cả nhà không có thu nhập nên cuộc sống gặp khó khăn, tôi rất mong nhận được tiền hỗ trợ, bao nhiêu mừng bấy nhiêu”.

Ông Huỳnh Văn Út- Chủ tịch UBND phường Long Thành Bắc cho biết quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ ở phường gặp một số khó khăn. Các ấp, khu phố là nơi đầu tiên tiếp nhận hồ sơ của người dân, nhưng do không có chuyên môn nên việc hướng dẫn người dân làm hồ sơ có nhiều sai sót; bên cạnh đó, người lao động chưa cung cấp đủ giấy tờ theo quy định như thiếu giấy xác nhận của chủ lao động, phải mất thời gian bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính chính xác.

Tính đến ngày 22.9.2021, phường có 1.513 hồ sơ được gửi về trên thẩm định, chờ phê duyệt, trong đó có hơn 500 hồ sơ gửi đi đã 20 ngày, số còn lại gần 10 ngày. Do đó, người lao động đã nộp hồ sơ mà chưa nhận được chi trả là do còn chờ cấp trên thẩm định, phê duyệt. Ngoài thực hiện đúng quy trình, quy định, số lượng hồ sơ gửi về trên rất nhiều, nên việc thẩm định, phê duyệt có thể mất nhiều thời gian hơn, mong người dân thông cảm và chờ đợi.

Để đảm bảo việc người lao động đủ tiêu chuẩn được tiếp cận với chính sách hỗ trợ kịp thời, đầy đủ, không bỏ sót hồ sơ, theo ông Dương Quốc Sinh- Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, Sở đã xây dựng nhóm zalo cùng các huyện để khi có phản ánh, vướng mắc, Phó Giám đốc Sở sẽ kịp thời chỉ đạo các phòng Lao động địa phương giải quyết.

Ngoài ra, người lao động nên đăng ký theo dõi danh sách qua cổng thông tin Tây Ninh Smart. Ông Dương Quốc Sinh cho biết thêm, các địa phương không có khống chế về số lượng đơn xin hỗ trợ của người lao động. Người lao động thường trú, tạm trú đều được nhận hỗ trợ nếu thuộc đối tượng hỗ trợ; nếu tại các địa phương có sự phân biệt với người tạm trú thì cần được phản ánh để Sở chấn chỉnh. 

Thế Anh-Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục