Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn
Thứ sáu: 19:43 ngày 16/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) nhằm quản lý, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, tới nay tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn tồn tại khiến người dân chưa hết lo lắng cho chất lượng bữa ăn.

Cần kiểm soát chặt về ATVSTP các loại thực phẩm chế biến sẵn tại chợ tự phát.

Ngày 28-5, gần 5.000 kg thịt, nội tạng không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Trước đó, lực lượng chức năng huyện Bình Chánh cũng phát hiện năm kho lạnh chứa gần 40 tấn thịt heo không có giấy tờ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. Trong đó, có khoảng 15 tấn thịt đã chuyển mầu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối và khoảng 27 tấn thịt heo khác được lưu trữ trong kho lạnh cũng đang bị chuyển mầu. Toàn bộ số thịt heo trong kho được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó phân phối ra thị trường để cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, nếu không được phát hiện, ngăn chặn…

Tình trạng thực phẩm không an toàn đã đến lúc báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân thành phố. Thống kê cho thấy, hiện nay sản xuất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khoảng 20 đến 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh và qua nhiều đường khác nhau. Do vậy, thành phố gặp khó khăn trong việc quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP nông, lâm, thủy sản.

Trước thực trạng này, ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố cho biết: Còn nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động không phép, không kiểm soát được về điều kiện chế biến, nguyên liệu, phụ gia sử dụng. Việc bảo đảm ATTP tại các chợ truyền thống, điểm kinh doanh tự phát, điểm giết mổ trái phép... cũng hạn chế.

Nhìn nhận từ công tác quản lý nguồn nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối, theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Ðức: Do nguồn hàng chủ yếu từ các địa phương khác đến, cho nên ban quản lý chợ chỉ làm được việc là truy xuất nguồn gốc đến từ tỉnh nào, còn trước đó việc nuôi trồng như thế nào, có sử dụng chất kích thích, tăng trưởng hay không thì không thể kiểm soát được.

Lý giải về việc kiểm soát thực phẩm bẩn chưa đạt hiệu quả cao, ông Lê Minh Hải cho rằng, Ban Quản lý ATTP còn nhiều cái khó, nhất là thiếu nhân sự, thiếu cả dụng cụ kiểm tra nhanh và kinh phí để lấy mẫu thực phẩm. Hiện nay mỗi quận, huyện chỉ có một đến hai người phụ trách công tác này, còn ở cấp phường, xã là kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian, nghiệp vụ. Trong khi đó, số lượng các cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm, ăn uống rất lớn...

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Vĩnh Tuyến-Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nếu khó kiểm tra tất cả các mẫu thực phẩm, thì đơn vị nên chọn lọc những nơi trọng tâm để kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt thật nặng, từ đó làm gương cho những cơ sở khác. Còn việc 468 nhân sự hiện tại của Ban Quản lý ATTP chỉ duy nhất làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ATTP trên địa bàn thành phố hiện nay thì không thể nói là thiếu.

Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: Mục tiêu của thành phố là chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc. Thành phố đã bước đầu truy xuất được nguồn gốc thịt heo và rau củ. Thế nhưng, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm này còn nhiều bất cập. Thí dụ như truy xuất thịt heo, nhiều con heo được đeo vòng nhận diện còn theo kiểu đối phó. Heo có vòng nhận diện nhưng không có thông tin truy xuất. Dù vậy, về lâu dài, thành phố phải đạt được mục tiêu tất cả thực phẩm lưu hành đều phải truy xuất được nguồn gốc.

Trước mắt, từ tháng 7 tới, các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh sẽ không được bày bán thịt heo không rõ nguồn gốc. Tiến tới, các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm, siêu thị đều phải có nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Tiếp đó, đến ngày 15-7, 24 quận, huyện phải trình UBND thành phố kế hoạch cụ thể về việc chấm dứt hoạt động của các chợ tự phát, các điểm buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn.

Ðể bảo đảm nhu cầu mua sắm của người lao động, công nhân khi dẹp chợ tự phát, Sở Công thương sẽ tăng cường các chuyến hàng lưu động, các điểm bán hàng bình ổn giá tại khu tập trung đông dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. Ðồng thời, khẳng định quyết tâm ngăn chặn bằng được thực phẩm không bảo đảm an toàn vào thành phố. Chỗ nào vi phạm thì Trưởng ban Quản lý ATTP, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm!

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh