Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Tây Ninh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị, du lịch Tây Ninh đang có những bước “chạy đà” đầu tiên sau những tháng ngày ngưng hoạt động.
Khu du lịch núi Bà Tây Ninh. Ảnh: Dương Đức Kiên
Dấu hiệu khởi sắc của ngành du lịch
Những ngày cuối năm, tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã có du khách đến tham quan, viếng chùa và cúng bái tạ lễ. Anh Phạm Thanh Phương, quê Bến Tre cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Tây Ninh sau thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Anh Phương nói: “Tôi lên núi cầu Bà phù hộ cho công việc làm ăn được thuận lợi. Đến đây thấy khung cảnh đẹp, không gian rộng lớn được thiết kế hài hoà, thân thiện với thiên nhiên, cảm giác mát dịu; các dịch vụ rất tốt”.
Năm nào chị Cao Thị Thê, quê ở Đức Hoà, Long An cũng đến tham quan núi và viếng chùa Bà Đen. Đây là chuyến du lịch đầu tiên của chị sau thời gian giãn cách xã hội. Chị Thê cho biết: “Đến tham quan núi Bà, tôi thấy tâm trạng vui vẻ, thoải mái hơn”. Để bảo đảm phòng, chống dịch, nhóm của chị thuê xe riêng để di chuyển đến khu du lịch, trong chuyến đi, mọi người đều mang khẩu trang nghiêm túc, hạn chế tập trung ở chỗ đông người.
Còn với chị Nguyễn Thị Khánh Vy (TP. Hồ Chí Minh), chuyến viếng chùa Bà Đen này là chuyến đi thứ 3 của chị sau giãn cách. “Ngưng giãn cách là tôi sắp xếp đi trả lễ các nơi. Tôi vừa đi Côn Đảo về, sau chuyến đi núi Bà Đen, tôi sẽ ra thăm mẹ Nam Hải. Tôi bị nhiễm Covid trước đó và đã tiêm 2 mũi vaccine nên tâm trạng cũng khá thoải mái, không quá lo lắng khi di chuyển các nơi”- chị Khánh Vy cho biết.
Tại khu vực Toà thánh Tây Ninh, gia đình chị Trần Thị Xuân (TP. Hồ Chí Minh) đang tham quan. Chị Xuân từng lên Tây Ninh, nhưng đây là lần đầu chị đưa gia đình đi cùng. Cả gia đình dùng xe riêng, vừa thuận tiện lại bảo đảm an toàn.
Chị Xuân chia sẻ: “Cả nhà tôi vãng cảnh Toà thánh rồi đến chợ Long Hoa tham quan, mua sắm. Chủ yếu mua bánh tráng cho con cháu ở nhà, tụi nhỏ mê bánh tráng Tây Ninh lắm”. Về phòng, chống dịch, chị Xuân cho biết cả nhà đã nhiễm bệnh hồi tháng 12 nên không còn tâm trạng lo lắng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, mọi người vẫn mang khẩu trang ở khu vực tham quan, giữ khoảng cách nếu có đông người và sát khuẩn tay thường xuyên.
Theo ông Trần Hải Sơn- Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, hằng năm đến tháng Giêng, lượng du khách từ khắp nơi đến núi Bà Đen tham quan, vãng chùa rất đông.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, khu du lịch đóng cửa trong thời gian dài. Tháng 10.2021, Ban Quản lý tổ chức thí điểm tour du lịch khép kín giữa Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh nhưng sau đó dịch lại bùng phát nên tạm dừng. Lượng khách đến núi Bà Đen năm 2021 so với năm 2020 chỉ đạt 1,4 triệu khách, giảm 36%. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án, mời gọi đầu tư tại khu du lịch. Các hộ kinh doanh, nhà đầu tư phải dừng hoạt động, người lao động không có việc làm.
Dịch bệnh được kiểm soát, Ban Quản lý khu du lịch đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ngành mở cửa đón du khách nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách.
Du khách đến tham quan tại khu du lịch Núi Bà Đen được miễn vé vào cổng và phải bảo đảm các điều kiện: tiêm đủ 2 mũi vaccine, quét mã QR. Còn về phía các doanh nghiệp kinh doanh trong khu du lịch, Ban Quản lý đề nghị thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch.
Tuyến cáp treo phục vụ du khách lên chùa Bà Đen.
Định hướng và giải pháp
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có những chia sẻ về định hướng phát triển ngành trong thời gian tới.
Theo đó, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và các tài nguyên thiên nhiên, văn hoá hiện có, tỉnh xác định du lịch là 1 trong 4 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chương trình hành động số 68-Ctr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Hướng đến các mục tiêu trên, tỉnh thực hiện các chiến lược, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác du lịch, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, có sức cạnh tranh cao. Tập trung hỗ trợ về pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối, lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ.
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối du lịch nhanh, đồng bộ giữa du lịch Tây Ninh và các tỉnh, thành phụ cận. Hiện nay, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Dự kiến, dự án sẽ khởi động trong năm 2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Lộ trình đến năm 2030, tỉnh trình Chính phủ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đầu tư các tuyến đường giao thông đường bộ nội tỉnh và kết nối du lịch Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh cũng hướng đến phát triển các loại hình mới như du lịch đường sông, du lịch sinh thái (hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn), về nguồn, phát huy giá trị Vườn di sản ASEAN- Vườn quốc gia Lò Gò -Xa Mát trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Tổ chức các lễ hội, sự kiện thể thao, văn hoá, du lịch và hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ, học hỏi và tìm hướng đi mới cho nền du lịch tỉnh nhà. Triển khai thực hiện các hoạt động, nội dung đã ký kết, hợp tác về du lịch giữa tỉnh Tây Ninh, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh/thành khác, các cơ quan truyền thông.
Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết tour, tuyến du lịch giữa các tỉnh. Thực hiện “mục tiêu kép” vừa khôi phục phát triển du lịch, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở bảo đảm hoạt động và phòng, chống dịch theo quy định của UBND tỉnh, nhằm đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn trong tình hình mới.
Du khách tham quan chùa Bà Đen.
Trước mắt, trong năm 2022, một số giải pháp phát triển du lịch đang được hướng tới. Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Sở tham mưu cho UBND tỉnh và chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ về pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về chủ trương phát triển du lịch sinh thái đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng; đồng thời mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch khác của tỉnh. Rà soát các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn, thông tin rộng rãi các dự án mời gọi đầu tư, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Đặc biệt, hướng dẫn các thủ tục, tháo gỡ khó khăn khi thành lập homestay, farmstay để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức lễ công nhận di sản văn hoá phi vật thể “Nghệ thuật chế biến món ăn chay” trong chương trình lễ hội quảng bá nghệ thuật ẩm thực chay tỉnh Tây Ninh lần I.2022.
Tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”, bảo đảm vừa phát triển du lịch vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh đúng thời điểm, đến nhiều đối tượng hơn thông qua mạng xã hội, tỉnh sẽ có các hoạt động đón các đoàn Fantrip, Presstrip, các blogger... nổi tiếng đến Tây Ninh để quảng bá các điểm, cơ sở du lịch, cảnh đẹp của Tây Ninh trên mạng xã hội, ứng dụng công nghệ 4.0.
Ngọc Diêu - Vi Xuân
Năm 2021, khách du lịch đến Tây Ninh đạt trên 2,6 triệu lượt, trong đó có 1,5 triệu lượt khách tham quan khu, điểm du lịch, giảm 43,6% so với năm 2020; doanh thu du lịch đạt 600 tỷ đồng, giảm 18,2% so với năm 2020.