Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng nông thôn mới:
Nỗ lực thực hiện tiêu chí giao thông
Thứ hai: 11:18 ngày 23/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền xã Phước Đông tiếp tục vận động người dân củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông.

Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42/80 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 206km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cứng hoá. Các tuyến đường từ huyện đến xã, xóm, ấp thông thoáng, lưu thông thuận tiện, tạo điều kiện cho việc đi lại, học tập, vận chuyển hàng hoá, nông sản góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.  

Bình Thạnh là xã biên giới đầu tiên của huyện Trảng Bàng đạt chuẩn nông thôn mới. Xã có 5 ấp với tổng diện tích 2.143,94 ha, trước đây nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, thường xuyên xuống cấp vào mùa mưa. Khi được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, 53 tuyến đường của xã được nâng cấp, trong đó có tuyến đường ĐT 786 đi qua khoảng 6,5km nối từ đường Xuyên Á với tỉnh Long An và tuyến đường huyện số 8 đi qua khoảng 1,7km, đường trục xã liên xã 5 tuyến tổng chiều dài 5,6km, đường trục ấp, liên ấp với tổng chiều dài 1,76km, đường ngõ xóm 28 tuyến tổng chiều 6,83km, đường nội đồng 14 tuyến tổng chiều dài 24,26km.       

Ông Nguyễn Văn Sáu- ngụ ấp Bình Hoà chia sẻ: “Trước đây, trên địa bàn xã, hệ thống giao thông rất yếu, mương đọng nước, rác thải ùn ứ. Có nhiều con đường lầy lội, khiến việc đi lại vất vả. Khi địa phương vận động, tôi thấy việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông không những mang lợi ích cho người khác mà còn cho chính gia đình, người thân mình”.

Với suy nghĩ đó, ông nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp tiền, vật tư để sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường nông thôn, góp phần cùng với người dân xã xây dựng thành công NTM. Hiện nay, hệ thống thoát nước đã hoàn chỉnh, đường sá thông thoáng, bà con vô cùng phấn khởi.

Với sự đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương, đến nay, xã Bình Thạnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, tổng số km đường giao thông được nhựa hoá, cứng hoá trên địa bàn xã là 39,959km. Hệ thống giao thông trên địa bàn xã bảo đảm thông suốt với tuyến đường trục xã dài 5,7km; tuyến đường trục ấp dài 1,73km, tuyến đường ngõ xóm 6,95km; tuyến đường trục chính nội đồng dài 25,5km được cứng hoá, bảo đảm đi lại, vận chuyển hàng hoá.        

Theo ông Võ Công Nhân- Phó Chủ tịch UBND xã, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nhờ sự tích cực vận động, thuyết phục của cấp uỷ Đảng, tổ chức đoàn thể, sau khi thực hiện nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn, UBND xã phân định các tuyến đường cụ thể cho từng ấp quản lý và sử dụng, phân loại những tuyến không cho xe có tải trọng nặng lưu thông tránh tình trạng đường bị xuống cấp nhanh chóng. Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị, phản ánh tình hình đường hư hỏng, xuống cấp của người dân để kịp thời duy tu, bảo dưỡng.

Đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông, hằng năm, xã tổ chức điều tra khảo sát các tuyến đường đã nâng cấp để kịp thời huy động vốn nhân dân sửa chữa hoặc trình cấp trên (đối với những tuyến đường do cấp trên quản lý). Bên cạnh đó, tiếp tục vận động nhân dân đóng góp thực hiện thêm những tuyến đường còn lại và nâng cấp những tuyến trọng yếu của các ấp.     

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Phước Đông (huyện Gò Dầu) đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện tiêu chí giao thông. Đại diện UBND xã cho biết, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, nhất là việc thực hiện tiêu chí giao thông, người dân hưởng ứng nhiệt tình, có những hộ đóng góp khoản tiền lớn để làm đường giao thông. 

Điển hình như con đường số 11, ấp Phước Đức B, thông thoáng, tráng bê tông xi măng sạch đẹp. Được biết, con đường này dài 270m, người dân đã đóng góp tiền xây dựng khoảng 215 triệu đồng. Ông N.V.T sinh sống ở khu vực này cho biết: “Trước đây, con đường này khó đi, không cẩn thận dễ té ngã. Khi địa phương vận động đóng góp làm đường, mọi người ủng hộ ngay, không đắn đo suy nghĩ”.            

Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền xã tiếp tục vận động người dân củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông. Năm 2019, địa phương thực hiện cứng hoá 10 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 1.500m, trong đó làm nền hạ, trải đá xanh, bê tông xi măng với tổng số tiền hơn 711 triệu đồng (nhân dân đóng góp hơn 645 triệu đồng, ngân sách xã trích trên 65 triệu đồng).

Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động người dân đóng góp và cùng nguồn vốn từ ngân sách, địa phương đã giặm vá 3 tuyến đường, với chiều dài gần 500m, tổng kinh phí hơn 52 triệu đồng.

Tại Châu Thành, năm 2019, xã Ninh Điền nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 31 công trình, tổng vốn đầu tư trên 230 tỷ đồng. Gồm 23 công trình đường giao thông; 8 công trình xây dựng trường học và nhà văn hoá. Hiện các công trình cơ bản hoàn thiện, nhiều tuyến đường được thảm nhựa, các tuyến đường liên ấp, đường giao thông nội đồng được cứng hoá, bảo đảm thuận tiện cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Ông Châu Quốc Tuấn- Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Điền cho biết, trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 2 là một trong những tiêu chí khó, do vậy để hoàn thành, Đảng uỷ tích cực chỉ đạo UBND xã và các tổ chức đoàn thể quyết liệt thực hiện công tác vận động quần chúng cùng tham gia, chung tay góp sức.

Là một trong những xã đầu tiên của huyện Bến Cầu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Long Khánh cơ bản được hoàn thiện hệ thống giao thông. Tuy vậy, theo đại diện UBND xã, sau nhiều năm được nâng cấp, hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã có dấu hiện xuống cấp, xuất hiệu ổ gà, ổ voi gây nguy hiểm cho người dân lưu thông, nguồn vốn duy tu, sửa chữa hằng năm của địa phương rất ít nên chỉ có thể thực hiện giặm vá một số tuyến đường quan trọng, phần lớn phải vận động các mạnh thường quân và nhân dân đóng góp để sửa chữa. 

Còn theo ông Võ Công Nhân- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, các tuyến đường trên địa bàn xã mới hoàn thành trong năm 2018, còn trong thời gian bảo hành, nếu có hư hỏng, xã cũng không phải bỏ kinh phí để giặm vá. Tuy nhiên, sắp tới, xã sẽ giao về cho các ấp, các tổ dân cư tự quản quản lý, đường của tổ nào, ấp nào hư thì ấp, tổ đó phải vận động nhân dân đóng góp sửa chữa.

Tuy nhiên, để thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao thì việc đầu tư các tuyến còn lại sẽ rất khó khăn, do xã không còn là xã điểm, nên nguồn vốn Nhà nước sẽ hạn chế, trong khi vận động nhân dân cũng không phải dễ.

Tuyến đường số 11, ấp Phước Đức B được bê tông hoá.

Tại xã Ninh Điền, ông Châu Quốc Tuấn cho hay, nguồn vốn để thực hiện tiêu chí giao thông lớn, trong khi việc vận động người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách đề thực hiện các công trình giao thông nông thôn, công tác phân khai nguồn vốn ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai thi công. 

Còn theo một người dân tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, ông rất lo vì các tuyến đường trong xã hiện nay chưa bảo đảm. Nhiều tuyến đường bị xe tải, xe ben chở đất, chở mía và xe chở nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Ninh Điền sẽ nhanh chóng xuống cấp nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng.

Phương Thảo - Minh Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh