Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗ lực vì bình yên sông nước
Thứ ba: 23:58 ngày 26/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhờ sự nỗ lực trong công tác tuần tra, kiểm soát và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, ý thức chấp hành của chủ phương tiện, người dân được nâng cao. Kết quả trong 7 năm qua (từ năm 2012 - 2018) trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ.

Hướng dẫn người dân cách mặc áo phao đúng quy định.

Với 2 tuyến sông chính là sông Vàm Cỏ Đông (dài 113km), sông Sài Gòn (dài 38km); cùng với các tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 400km, tỉnh Tây Ninh có nhiều lợi thế phát triển hoạt động kinh doanh vận tải, du lịch đường thuỷ. Bên cạnh đường bộ, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thuỷ nội địa cũng được ngành chức năng quan tâm, chú trọng.          

7 NĂM KHÔNG TAI NẠN

Ông Vương Hoàng Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ, Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh cho biết, việc lưu thông của các phương tiện đường thuỷ tương đối ổn định. Phương tiện loại lớn lưu thông ít, chủ yếu vận chuyển hàng hoá từ miền Tây lên, hoạt động theo mùa, chủ yếu là ghe xuồng.

Đơn vị kịp thời tham mưu lãnh đạo xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch công tác, bảo đảm trật tự ATGT trên đường thuỷ nội địa. Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh và Ban ATGT tỉnh rất quan tâm đến cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”. Hằng năm, trang bị áo phao, dụng cụ nổi, cặp nổi cấp phát cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đi học bằng phương tiện thuỷ, hộ dân nghèo sống dọc hai bên bờ sông, kể cả chủ bến đò cấp phát cho khách mặc khi đi lại trên sông.  

Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu Ban ATGT tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh kế hoạch phát động thi đua thực hiện cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”; tổ chức xây dựng các mô hình “Văn hoá giao thông đường thuỷ” được Ban ATGT tỉnh chứng nhận mô hình đạt chuẩn tuyến sông và bến phà “An toàn, văn minh, văn hoá”.  

Những năm qua, lực lượng chức năng thường xuyên bám sát địa bàn để kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra trên sông, bảo đảm ATGT đường thuỷ. Theo Ban ATGT tỉnh, trong năm 2018, Cảnh sát đường thuỷ xử phạt hơn 430 trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Qua công tác tuần tra, phát hiện, bắt giữ 1 vụ vận chuyển hàng lậu gần 5.000 gói thuốc lá, 14 vụ đánh bắt thuỷ sản trái phép…

Đoàn kiểm tra liên ngành đường thuỷ nội địa kiểm tra 4 cảng, 150 bến thuỷ nội địa và 250 phương tiện thuỷ; kết quả lập biên bản xử phạt 17 trường hợp. Riêng tháng 2.2019, Cảnh sát đường thuỷ tổ chức 140 ca tuần tra, lập biên bản 8 trường hợp; phát hiện, bắt giữ 1 vụ sử dụng ghe nhủi đánh bắt thuỷ sản trái phép.    

Nhờ sự nỗ lực trong công tác tuần tra, kiểm soát và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, ý thức chấp hành của chủ phương tiện, người dân được nâng cao. Kết quả trong 7 năm qua (từ năm 2012 - 2018) trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ.

XÂY DỰNG THÓI QUEN MẶC ÁO PHAO KHI QUA SÔNG

Theo thống kê của ngành Giao thông Vận tải, hiện có 425 phương tiện thuỷ đăng ký hoạt động. Có 9 bến phà đón khách được ngành chức năng cấp phép và đang hoạt động trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông. 

Tại bến khách ngang sông Lái Mai - Cầu Hàn (huyện Trảng Bàng), mỗi lượt khách lên phà đều được cấp áo phao, hướng dẫn cách sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hăng, ngụ ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng cho biết: “Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành đúng luật khi qua phà, đò hay ghe máy. Lâu dần, bà con cũng quen, tự động chấp hành!”.     

Bà Cao Hồng Hiệp, chủ bến khách ngang sông Lái Mai - Cầu Hàn cho biết, mỗi ngày bến hoạt động từ 5 giờ - 20 giờ 30, chạy từ 50 - 70 lượt, vận chuyển khoảng 700 đến 1.000 khách. Đơn vị phục vụ cả ngày lễ, tết. Giá vé theo quy định là 4.000 đồng/xe máy, 3.000 đồng/người. Đặc biệt, với mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho mọi người, đơn vị miễn phí vé cho học sinh, sinh viên, người già...

Bà Hiệp cho biết thêm, đơn vị luôn chú trọng an toàn của hành khách chấp hành đúng quy định pháp luật, kiểm tra phương tiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo đảm có giấy chứng chứng chỉ hành nghề. Mỗi ngày, bà Hiệp bố trí nhân viên phục vụ kiểm tra áo phao, thiết bị cứu hộ, cứu sinh, nhắc nhở hành khách mặc áo phao đầy đủ mới cho phà rời bến.

Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ Vương Hoàng Nam cho biết thêm, tại các bến đò, bến phà, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tuyên truyền bằng cách xây dựng biển nội quy, quy tắc, trong đó bắt buộc mọi hành khách khi đi đò, đi phà phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi theo quy định, để kịp thời ứng phó khi sự cố xảy ra. Đội cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người quản lý, nhân viên phục vụ phà và người dân về việc chấp hành quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. 

“Điều quan trọng là người dân phải chủ động xây dựng ý thức văn hoá khi tham gia giao thông. Hy vọng, sắp tới, cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người nắm bắt thêm kiến thức về luật, chấp hành quy định tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Châu, ngụ xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng chia sẻ.

TIẾP TỤC QUẢN LÝ CHẶT

Theo Đội Cảnh sát đường thuỷ, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, thời gian qua, công tác bảo đảm ATGT đường thuỷ còn gặp một số khó khăn. Một số người dân ý thức còn hạn chế, việc tuyên truyền gặp trở ngại. Nhiều người có tâm lý chủ quan, ỷ lại bản thân biết bơi, không mặc áo phao.

Theo quy định phải đăng ký, đăng kiểm nhưng đa số các phương tiện hoạt động lại không đăng ký, đăng kiểm; người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Ngoài ra, hằng năm, vào khoảng tháng 11, còn có nạn lục bình dày đặc, che kín cả mặt sông, cản trở các phương tiện lưu thông. Ngành chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý lục bình, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.  

Thời gian tới, sẽ điều tra, nắm chắc tình hình các tuyến, đối tượng và yếu tố liên quan, xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp, xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên đường thuỷ nội địa.

Lực lượng cũng sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn như chở quá vạch dấu mớn nước, xếp hàng hoá che khuất tầm nhìn, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, đánh bắt thuỷ sản trái phép; vận chuyển hàng lậu, hàng cấm… 

Mới đây, Ban ATGT tỉnh phát động phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông về cuộc vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. Đồng thời nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá giao thông với bình yên sông nước, xây dựng chuyên đề văn hoá giao thông với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, khắc phục kịp thời tồn tại, bất cập trong công tác quản lý.

PHƯƠNG THẢO

Theo Điều 27, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25.12.2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện. Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi mang hành lý thuộc loại hàng hoá mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách; gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.
Tin cùng chuyên mục