Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngành chế biến, sản xuất tinh bột khoai mì:
Nỗ lực vượt qua mùa dịch
Chủ nhật: 23:53 ngày 07/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời; khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.

Cây khoai mì phát triển ổn định (ảnh minh hoạ)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước 9 tháng năm 2021, khối lượng khoai mì đưa vào chế biến khoảng 2.589.732 tấn - tăng 3,9% so với cùng kỳ, sản xuất được 647.433 tấn bột (trong đó, sản xuất công nghiệp là 2.201.273 tấn khoai với 550.318 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 388.460 tấn khoai với 97.115 tấn bột). Giá thu mua khoai mì tươi dao động từ 2.900 đồng/kg đến 3.200 đồng/kg, tuỳ theo khu vực.

Kết quả trên cho thấy nỗ lực của ngành chế biến, sản xuất tinh bột khoai mì khi mà dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua. Đây cũng là thời điểm mà nông dân thu hoạch. Việc các doanh nghiệp chế biến tinh bột cố gắng duy trì sản xuất giúp tiêu thụ khoai mì, không để nông dân rơi vào cảnh loay hoay tìm đường “giải cứu”.

Theo Công ty nông sản quốc tế Hiệp Phát (huyện Dương Minh Châu), công ty đã triển khai mô hình “3 tại chỗ”, chấp nhận tăng chi phí sản xuất lên 30%, trong đó khó khăn nhất là vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất, tiêu thụ khoai mì cho người dân. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất tăng nên vụ mì này, doanh nghiệp không có lãi.

Đại diện công ty cho biết thêm, may mắn phần lớn doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong thị trường nội địa, chỉ có một số đơn hàng xuất khẩu nên cũng không gặp khó khăn nhiều trong vấn đề tiêu thụ tinh bột.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến có đơn hàng xuất khẩu nhiều rất chật vật vì chi phí vận chuyển tăng, thiếu tàu chở hàng, thủ tục kiểm dịch gắt gao… Do đó, doanh nghiệp hy vọng tỉnh có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu tinh bột khoai mì.

Từ khi tỉnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất chế biến tinh bột khoai mì đã chuyển sang thực hiện sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, nỗ lực tiêu thụ mì đang thu hoạch của người dân.

Đại diện một công ty cho biết, khoảng 20 ngày nữa là kết thúc vụ thu hoạch, các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất khoai mì nhập từ Campuchia và duy trì các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, việc tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ xuất khẩu sẽ giúp cho doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thách thức này.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện nới lỏng và từng bước mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Campuchia…), tỉnh trao đổi với các địa phương giáp biên về việc thông quan cho xuất khẩu nông sản; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trong tỉnh; tạo điều kiện về lưu thông, thủ tục thông quan đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Nắm tình hình xuất, nhập khẩu nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời tháo gỡ các rào cản; bảo đảm thông quan xuất nhập khẩu.

Tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, trong đó ưu tiên hình thức kết nối trực tuyến cung cầu, các hội thảo giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của tỉnh (sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực).

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các hội, hiệp hội ngành hàng nông nghiệp trong việc tham gia đàm phán thương mại xuất khẩu để mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản về kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản- nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở NN&PTTN có trách nhiệm triển khai thực hiện giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản theo các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; thực hiện có hiệu quả việc hướng dẫn sản xuất cho người dân ở các vùng xanh, vàng, cam, đỏ theo Quyết định số 2104/QĐ-UBND và Kế hoạch số 3676/KH-UBND của UBND tỉnh.

Duy trì hoạt động của Tổ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh để tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp và người sản xuất vừa duy trì, đẩy mạnh sản xuất vừa thực hiện các quy định về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, góp phần khôi phục sản xuất, tăng trưởng của ngành và tăng trưởng chung của tỉnh.

Phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh, kế hoạch chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả; tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, khuyến cáo chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo định hướng của tỉnh.

Khuyến khích các hộ sản xuất rau các loại, cây ăn quả tự thực hiện số hoá trong nông nghiệp, sản xuất theo chuẩn nông nghiệp tốt, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng KIPUS trên cây ăn quả, đăng ký thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói sản phẩm đối với những vùng trồng cây ăn quả có diện tích sản xuất lớn, nhu cầu xuất khẩu.

Khử trùng phương tiện chở khoai mì về nhà máy chế biến nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (ảnh minh hoạ)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hại trên cây trồng và vật nuôi- nhất là bệnh khảm lá cây khoai mì, bệnh viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; rà soát lại quy mô đàn vật nuôi, thuỷ sản và xây dựng kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các loài vật nuôi có thế mạnh gắn với thị trường tiêu thụ của tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản, để hoàn thành kế hoạch sản xuất.

Rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời; khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.

Duy trì công nghiệp chế biến các mặt hàng chủ lực của tỉnh (mía, mì, cao su…), tăng cường phát triển chế biến rau, củ, quả, cây ăn quả đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Hỗ trợ việc kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng trong tỉnh; hỗ trợ người sản xuất đưa một số sản phẩm nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử “Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn” (https://sannongsan.tayninh.gov.vn), ứng dụng Tây Ninh Smart và các sàn khác.

Tuỳ vào tình hình dịch Covid-19 linh hoạt tổ chức tham gia chương trình xúc tiến thương mại về các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh tại hội chợ triển lãm, hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP, hội chợ quảng bá sản phẩm đặc trưng... tổ chức hội nghị công bố và giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh…

Hy vọng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, ngành chế biến tinh bột khoai mì vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tấn Hưng

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh