Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nợ những mùa trăng
Thứ sáu: 14:17 ngày 06/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Người Tây Ninh đã chọn cho mình những đêm trăng tròn cực kỳ ý nghĩa. Nhưng e rằng người lớn vẫn còn mắc nợ trẻ em những mùa trăng tuổi thơ ngào ngọt.

Đã qua rằm, cái đêm có trăng to và sáng nhất trong năm. Nhưng mùa vẫn còn. Trăng muộn. Thì dân gian đã có ca dao tục ngữ để lại kìa.

Qua rằm vẫn còn những: “Mười sáu trăng treo/ Mười bảy sảy giường chiếu/ Mười tám rám trấu/ Mười chín đụn dịn/ Hai mươi giấc tốt/ Hai mốt nửa đêm…”.

Dẫu chưa hiểu hết do còn có từ cổ (đã thất truyền) nhưng vẫn hiểu đấy là thời điểm xuất hiện của trăng trong một mùa trăng. Người thành phố nay thường thức khuya. Nên dẫu có là nửa đêm vẫn còn có thể vươn vai, ngắm tí trăng vơi rồi mới vào giấc ngủ.

Mà có đêm, đã ngủ một giấc rồi chợt thức vì thấy mảnh trăng treo ngay trên ô cửa sổ phía Tây. Lúc ấy lại ước giá được làm nhà thơ nhỉ! Để có thể tự hào ngâm nga câu thơ Nhật ký trong tù: “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Giờ ở phố, phần thì nhà cao cây xanh che khuất, phần vì mải coi tivi hay facebook nên cả mùa có khi cũng chẳng thấy trăng đâu. Nên thỉnh thoảng giữa mùa lại nhớ đến trăng trong thơ vậy. Từ: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu” của Hàn Mặc Tử đến “trăng cười dưới suối” của Chế Lan Viên; đấy là một đêm rừng, đi dọc suối, nhà thơ đi tới đâu cũng thấy bóng vầng trăng lẽo đẽo bên mình. Vậy mới có hai câu: “Tình em chạy cho lòng anh theo đuổi/ Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng theo”.

Tết Trung thu đã qua! Nhưng dư âm, dư ảnh mỗi mùa còn đọng lại. Này nhé, trống múa lân vang khắp phố phường.

Âm vang những bài ca rộn ràng từ các cửa hàng đồ chơi thiếu nhi. Nhiều nơi còn tổ chức đêm hội trăng rằm cho các em vốn là khách hàng quen. Số này thường là con em nhà khá giả. Còn trẻ con nhà nghèo? Thì mọi địa phương đều có đại diện chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… đến tặng quà trung thu cho các em.

Trường tiểu học nào cũng có ngày hội trung thu cho học sinh, thường là vào buổi chiều. Có quà, có cỗ rồi đấy nhưng còn thiếu trăng. Dường như người lớn vẫn còn mắc nợ các em những mùa trăng sáng.

Nợ những mùa trăng, vì đa số người lớn hôm nay đều đã từng có những mùa trăng phá cỗ đêm rằm; trước đó mấy ngày đã hì hục đi xin tre, chẻ nan, vót nan làm những cây đèn ông sao 5 cánh.

Đứa nào cẩn thận thì đã tích góp những hạt gấc, hạt bưởi để thắp cho đèn sáng. Ôi chà, giữa sân kho hợp tác đúng lúc trăng lên, các anh chị phụ trách đội mới phát lệnh cho lễ rước đèn. Đi mấy vòng sân, hoặc đi dọc xóm. Rồi hát, rồi múa xong mới về phá cỗ liên hoan dưới ánh trăng vàng ngây ngất.

Đấy là những kỷ niệm đẹp chẳng bao giờ tàn phai dù người ta đã lớn lâu rồi. Nhưng có cả những đêm trăng thời vất vả gian lao cũng khiến người ta phải nhớ. Nhớ những đêm trăng đầu mùa đông, làng xóm rủ nhau đi “đổ ải đêm trăng”.

Nghe lãng mạn thế nhưng quả là cơ cực. Đất sét cày ra, phải xếp thành luống lên phơi, cứng và nhọn như đá tảng. Chân dầm nước lạnh buốt, phải co lên đạp cho từng luống đất đã khô nỏ đổ xuống. Có người vừa làm, vừa thon thót buốt bàn chân.

Hỏi chuyện một bác cựu chiến binh Trường Sơn về mùa trăng nào nhớ nhất? Bác bảo: là khi đoàn quân cúi gằm mặt xuống đất lựa tìm hốc đá đặt chân leo núi. Chỉ đến khi lên đến đỉnh núi rồi tất cả mới ồ lên: ô kìa trăng Trường Sơn! Đẹp và mênh mông quá. Trăng mơn man làm dịu cả những vết thương của rừng núi bị bom B52 làm cho tan hoang, lở loét.

Tôi thì nhớ gần hơn, ở núi Bà đây thôi, những đêm hội động Kim Quang 14 tháng Giêng. Trăng cũng luênh loang chan chảy khắp rừng dương. Quân, dân, chính… trải chiếu ôn lại chuyện xưa và nói chuyện nay trong bầu ánh sáng như thần thoại ấy.

Một vài sử liệu cũ ở Tây Ninh cho thấy văn đàn của cụ Quốc Biểu cũng từng lên núi đàm đạo chuyện văn chương, lịch sử Tây Ninh ở am ông Nhất Thiện vào đêm Trung thu những năm đầu thập niên 30 thế kỷ XX. Một trong các chuyện kể là tiểu sử Quan Lớn Trà Vong- một anh hùng xưa chống giặc cướp bảo vệ dân lành trên vùng đất mới.

Người Tây Ninh đã chọn cho mình những đêm trăng tròn cực kỳ ý nghĩa. Nhưng e rằng người lớn vẫn còn mắc nợ trẻ em những mùa trăng tuổi thơ ngào ngọt. Vì suy cho cùng, Trung thu vẫn là ngày tết của thiếu nhi.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục