Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗi đau chứng kiến bệnh nhân qua đời đơn độc
Thứ bảy: 20:05 ngày 21/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Điều khó khăn nhất đối với bác sĩ Romano Paolucci là chứng kiến những bệnh nhân Covid-19 trải qua giây phút cuối đời mà không có ai bên cạnh.

Romano Paolucci là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông tình nguyện tới hỗ trợ tại bệnh viện Oglio Po, nằm trong tâm dịch Covid-19 ở Italy. Điều trị cho nhiều người bệnh Covid-19, điều khó khăn nhất với ông không phải chứng kiến bệnh nhân qua đời, mà là thấy họ đơn độc trong những giờ phút cuối cùng, chẳng có người thân bên cạnh.

Oglio Po là một bệnh viện nhỏ, một tháng trước đây vẫn chữa trị cho các ca bệnh từ amidan đến ung thư. Giờ đây nó được chuyển hoàn toàn thành nơi điều trị người nhiễm nCoV. Bác sĩ Paolucci cùng 70 nhân viên y tế khác phải làm quen với những ca trực dài và mệt mỏi.

"Chúng tôi đã cạn kiệt sức lực. Đây là một bệnh viện nhỏ và phải tiếp nhận quá nhiều người", ông trả lời phỏng vấn trong hành lang chật hẹp, giữa tiếng máy thở oxy, âm thanh của các thiết bị y tế và bước chân vội vã của đồng nghiệp.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Oglio Po ngày 19/3. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi không đủ nguồn lực, đặc biệt là nhân viên vì họ cũng bắt đầu bị ốm", ông nói thêm.

Các y bác sĩ phải làm việc cật lực hơn 12 tiếng mỗi ngày, giành giật sự sống cho các bệnh nhân từ tay tử thần. Họ cũng đối mặt với cảm giác đau lòng khi chứng kiến nhiều người qua đời mà không có gia đình bên cạnh do tình trạng cách ly.

"Chúng tôi bắt đầu giúp đỡ họ liên lạc với người thân, giải thích tình hình hiện tại. Có những bệnh nhân tự thực hiện cuộc gọi bằng điện thoại cá nhân, nhưng nhiều người cao tuổi thì không thể bởi họ không quen. Vậy nên chúng tôi đã hỗ trợ", bác sĩ Paolucci kể.

Daniela Ferrari, một bác sĩ khác cho biết mọi khu vực trong bệnh viện đều được chuyển thành khu cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19. Không còn khoa nhi hay khoa tim mạch, chỉ có ba giường trống để thực hiện phẫu thuật khẩn cấp.

6 trong số 9 bác sĩ phẫu thuật cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV và phải tự cách ly ở nhà. Bà Ferrari cho hay bệnh viện có khoảng 20% nhân viên y tế đã nhiễm bệnh.

Daniela Confalonieri, một y tá ở bệnh viện San Raffaele, Milan, cũng lo lắng điều tương tự.

"Chúng tôi đang làm việc trong tình huống khẩn cấp. Có rất nhiều nhân viên đã ở nhà vì xét nghiệm dương tính. Những người còn lại phải lo liệu mọi thứ", cô nói.

"Mọi người đều căng thẳng cực độ. Thật không may, chúng tôi chẳng thể kiểm soát được tình hình tại Lombardy, lượng người nhiễm bệnh quá lớn và không ai còn đếm nổi số ca tử vong nữa", cô cho biết.

Trở lại bệnh viện Oglio Po, y tá Luca Dall’ Asta thay mặt nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch chia sẻ: "Chúng tôi giữ vững tinh thần ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi nhất, cố gắng tiếp tục làm mọi thứ bằng toàn bộ sức lực, bởi giờ không phải lúc để tranh cãi".

Kể từ khi bước vào giai đoạn mới, Covid-19 lây lan mạnh mẽ ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Italy là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hơn 47.000 ca dương tính và 4.032 người tử vong, hệ thống y tế tại đây oằn mình chống chọi với Covid-19. Nhiều y bác sĩ phải làm việc hàng giờ liền trong điều kiện thiếu thốn đồ bảo hộ, đứng trước việc lựa chọn bệnh nhân để điều trị.

Nguồn VNE (Theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục