Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái
Thứ hai: 06:03 ngày 25/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phòng khám Y học cổ truyền Hội Phước Thanh chủ yếu khám, chữa bệnh cho người nghèo bằng thuốc nam phối hợp với thuốc bắc cổ truyền. Trung bình, mỗi đợt khám bệnh, phòng khám tiếp nhận hơn 200 lượt khách gần xa và phát hơn 900 thang thuốc. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Lương y Nguyễn Tấn Lục bắt mạch cho bệnh nhân.

Nằm trên đường 790 nối dài (đoạn từ cổng Khu du lịch núi Bà vòng qua chân núi nối với đường Suối Ðá- Khedol) thuộc ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu, Phòng khám Y học cổ truyền Hội Phước Thanh của lương y Nguyễn Tấn Lục (SN 1964, mọi người quen gọi ông là bác Chín) vào sáng thứ 2 hằng tuần lại nườm nượp bệnh nhân nghèo tìm đến để được khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

Phòng khám Y học cổ truyền Hội Phước Thanh chủ yếu khám, chữa bệnh cho người nghèo bằng thuốc nam phối hợp với thuốc bắc cổ truyền. Trung bình, mỗi đợt khám bệnh, phòng khám tiếp nhận hơn 200 lượt khách gần xa và phát hơn 900 thang thuốc. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Nói về quá trình thành lập phòng khám, lương y Nguyễn Tấn Lục cho biết, phòng khám được anh họ của ông- tên là Trần Ngọc Thanh và một người bạn tên Phước xây dựng vào năm 2014. Cả hai người này thành lập một nơi nghiên cứu, khám bệnh miễn phí cho những người nghèo.

Tuy nhiên, vài tháng sau khi cơ sở được xây xong, người anh họ của ông Lục đã qua đời. Thực hiện ý nguyện của anh và cũng là tâm nguyện cả đời khám, chữa bệnh giúp đời của mình, ông Lục và em gái ruột của ông Thanh- là bà Trần Thị Phiên cùng nhau xin giấy phép mở phòng khám. Ông Lục đã lấy tên hai người ghép lại thành tên của phòng khám Phước Thanh ngày nay.

Phòng khám Hội Phước Thanh có 3 khu vực: chờ khám bệnh, khám bệnh và bốc thuốc. Phía sau phòng khám là căn nhà cổ ba gian dùng làm nơi nghỉ ngơi, kho chứa thuốc và điều chế thuốc.

Các bệnh nhân khám đều được ông Lục hỏi han ân cần về tình hình sức khoẻ, triệu chứng bệnh rồi mới bắt mạch, chẩn đoán, kê toa thuốc. Mọi chi tiết về người bệnh được thư ký phòng khám lưu lại trong máy tính để tiện theo dõi.

Sau đó, nhân viên phòng khám in toa thuốc cho người bệnh đến khu bốc thuốc nhận thuốc và hẹn ngày tái khám. Người bệnh được phát thuốc miễn phí. Người ở gần lấy thuốc uống từ 1 đến 2 tuần; người ở xa lấy thuốc uống cả tháng. Nếu không có thời gian sắc thuốc, bệnh nhân có thể nhận thuốc viên được điều chế từ cây thuốc nam do chính phòng khám điều chế và tầm soát dược tính.

Ðặc biệt, đến phòng khám từ thiện Hội Phước Thanh, mọi người đều được đối xử bình đẳng. Nhờ quy trình khám bệnh khoa học, chuyên nghiệp và sự nhiệt tình, chu đáo của các nhân viên, phòng khám hoạt động khá hiệu quả. Mọi người luôn yên tâm, tin tưởng khi đến đây khám bệnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (50 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho biết: “Tôi bị bệnh gai cột sống. Trước đây, tôi thường xuyên mua thuốc tây về uống nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Ðược một người bạn giới thiệu phòng khám Hội Phước Thanh, tôi đến để được khám bệnh và lấy thuốc miễn phí. Tấm lòng của mọi người ở phòng khám này thật rất đáng quý”.

Ông Lục cho biết: “Thổ nhưỡng Tây Ninh rất thích hợp cho cây thuốc Nam phát triển. Nhiều cây thuốc mọc xung quanh nhà, ven đường, trên núi, bờ ao, sông suối nhưng người dân không biết được công dụng của chúng, và thường xem chúng như cây cỏ bình thường.

Chúng tôi mở phòng khám này một phần muốn chữa bệnh, giúp người, một phần muốn duy trì và phổ biến rộng rãi kiến thức của ngành y học cổ truyền. Tôi muốn truyền dạy kiến thức, niềm đam mê y học dân tộc cho bất cứ ai có tâm muốn học và theo đuổi ngành nghề này”.

Bà Ðỗ Thị Gái (64 tuổi, ngụ tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu), là bệnh nhân được ông Lục chữa khỏi bệnh chia sẻ: “Ba năm trước, tôi bị bệnh gai cột sống, u xơ buồng trứng. Nhờ một người quen, tôi biết đến phòng khám Hội Phước Thanh.

Nhờ uống thuốc do anh Chín kê toa mà sau một thời gian, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm. Quý mến và cảm phục tấm lòng nhân ái của mọi người ở phòng khám, tôi đã xin vào hỗ trợ việc phát thuốc cho bà con. Ðến đây, tôi không những được giúp đỡ người bệnh mà còn được chuyện trò cùng các anh chị em có tâm thiện nguyện giống tôi. Vì vậy, một tuần không đến phòng khám là tôi cảm thấy rất trống trải”.

Anh Lê Bình Phương (36 tuổi, ngụ xã Phan, huyện Dương Minh Châu) đã gắn bó cùng phòng khám hơn 3 năm nay. Anh Phương là người hỗ trợ ông Lục trong việc trồng cây thuốc nam, tìm kiếm những vị thuốc quý hiếm nhằm bảo đảm số lượng thuốc luôn đủ để phát cho người dân hằng tuần.

Anh tâm sự, công việc chính của anh là thợ sửa điện lạnh, nhưng vì đam mê nghiên cứu y học cổ truyền nên anh đã tự tìm tòi học hỏi về các loại cây thuốc nam. Ðến với phòng khám, anh vừa làm từ thiện vừa được trau dồi kiến thức và thoả niềm đam mê. Khi được ông Lục tin tưởng trong việc quản lý kho thuốc, anh rất sẵn lòng và tích cực trong việc phát triển, tìm kiếm cây thuốc nam.

Bà Gái, anh Phương chỉ là hai trong số nhiều bà con có tấm lòng nhân ái góp sức hỗ trợ phòng khám vào mỗi kỳ khám bệnh hằng tuần.

Ông Lục cho biết: “Nhân viên của phòng khám- (bao gồm cả phòng khám, phòng điều chế dược, phòng bếp) cũng gần 40 người. Nhưng tất cả mọi người đều không lấy một đồng tiền công nào cả. Họ đều làm công việc này bằng cái tâm của mình.

Nhiều lúc kho thiếu thuốc, phòng khám tự bỏ tiền mua, có lúc mọi người cùng nhau quyên góp kinh phí để mua. Nhờ sự hỗ trợ hết lòng của các anh chị em tình nguyện, phòng khám này mới duy trì được đến ngày hôm nay”.

Năm nay, ông Lục và nhiều người hỗ trợ ở phòng khám đều đã cao tuổi, sức khoẻ không còn dẻo dai, nhưng họ đều cố gắng đón tiếp, khám, chữa bệnh và phát thuốc cho bệnh nhân. Phòng khám dần trở thành nơi hội tụ những tấm lòng vàng, hết mình vì sức khoẻ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh, hằng năm, phòng khám còn duy trì phối hợp cùng Phòng Y tế huyện Dương Minh Châu, Trạm Y tế xã Phan khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người già neo đơn, tàn tật trên địa bàn huyện. Năm 2017, phòng khám từ thiện Y học cổ truyền Hội Phước Thanh được Sở Y tế, Phòng Y tế huyện Dương Minh Châu khen thưởng.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục