Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗi lo nợ nần và quy tắc “3 không”
Thứ năm: 08:46 ngày 23/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi tài sản nhà nước thường được xem là của chùa, là miếng ngon để cá nhân thu lợi riêng thì việc áp dụng triệt để nguyên tắc “3 không” mới có thể chặn được tình trạng thua lỗ của DNNN.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định Chính phủ không gánh nợ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - trừ trường hợp Chính phủ vay rồi cho vay lại hoặc bảo lãnh - nhưng nỗi lo phải gánh nợ cho DNNN vẫn còn đó, thậm chí còn tăng thêm khi quy mô vay của DN ngày càng tăng.

Quan điểm “2 không”: không gánh nợ, không trả nợ thay một lần nữa bày tỏ thái độ dứt khoát với DNNN nhưng cũng chỉ giải quyết phần ngọn, là phân nửa của vấn đề DNNN. Nguồn vốn khổng lồ, bao gồm cả đất đai, đã trao cho DNNN phải được sử dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, mục tiêu Chính phủ có được nguồn thu cao hơn từ các DNNN để trang trải khoản an sinh xã hội, cho phát triển hạ tầng... vẫn chỉ là mơ ước.

Trong khi mơ ước còn ở đâu rất xa thì nỗi lo nợ nần cứ hiển hiện trước mắt, khi hàng loạt dự án của DNNN hoặc có vốn chi phối của DNNN phải “đắp chiếu”.

Đành rằng với luật hiện hành, DNNN tự vay phải tự chịu trách nhiệm về khoản vay, nhưng nếu có quá nhiều DNNN vướng vào nợ nần không trả được sẽ phát đi một tín hiệu xấu với bên ngoài và có thể đong đếm được.

Nhiều DNNN vay nợ nhưng không trả được nợ, dù Chính phủ không phải gánh nợ thay nhưng bên cho vay sẽ xếp hạng tín nhiệm quốc gia vay nợ thấp, các DN khác sẽ khó vay vốn hoặc có vay được thì lãi suất cũng cao hơn. Đó là cái giá phải trả không hề nhỏ cho quốc gia.

Vậy bao giờ mới vứt bỏ được nỗi lo nợ nần của DNNN? Chỉ có cách duy nhất là làm cho DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Đến nay, chúng ta vẫn loay hoay tìm phương án quản lý hiệu quả vốn tại các DNNN.

Việc để các bộ ngành, địa phương cùng quản DNNN như hiện nay hay gom về, lập “siêu bộ, siêu ủy ban” để quản lý khối tài sản khổng lồ này vẫn chưa ngã ngũ. Và vì thế nỗi lo gánh nợ nần cứ đeo bám mãi.

Cũng có le lói từ một số DNNN khi họ quyết tâm thay đổi và thành công đã được ghi nhận, như trường hợp một ngân hàng cổ phần do Nhà nước giữ vốn chi phối.

Không chỉ có lãi tốt, ngân hàng này còn xử lý được nợ xấu và bắt đầu thực hiện cải tổ chiều sâu để phát triển bền vững hơn.

Họ áp dụng nhiều giải pháp, nhưng nổi bật là bộ quy tắc “3 không” gồm “không muốn, không dám và không thể” làm sai, làm bậy để cán bộ, người được giao trách nhiệm quản lý không thu vén lợi ích riêng cho mình theo kiểu “được tư, thiệt công”.

Đồng thời họ có hẳn quy trình thanh tra, giám sát nhiều tầng để đảm bảo nguyên tắc “3 không” này được thực hiện xuyên suốt. Thậm chí phát hiện người có trách nhiệm làm sai, họ không bao che mà xử đến cùng, kể cả chủ động “chuyển hồ sơ qua công an”...

Xem ra với DNNN, khi tài sản nhà nước thường được xem là của chùa, là miếng ngon để cá nhân thu lợi riêng thì việc áp dụng triệt để nguyên tắc “3 không” mới có thể chặn được tình trạng thua lỗ, dùng vốn kém hiệu quả của DNNN.

Chỉ khi có nhiều DNNN sử dụng vốn hiệu quả, xã hội mới vứt bỏ được nỗi lo gánh nặng nợ nần.

Chúng ta đã có nguyên tắc “2 không”: không gánh nợ, không trả nợ thay cho DNNN thì cũng phải mở rộng quy tắc “3 không” ra các DNNN, để những người có trách nhiệm phải nâng niu từng đồng vốn mà Nhà nước đã trao cho họ quản lý.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục