Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Hậu” cưỡng chế thu hồi đất Tiểu khu 41:
Nơi lòng tin quay lại
Thứ tư: 05:30 ngày 05/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trở lại vùng đất tiểu khu 41- Lâm trường Tân Châu, nay là khu dân cư ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu sau gần 10 năm giải quyết bằng pháp luật vụ khiếu kiện đất nông lâm trường cũ dai dẳng, phức tạp, chúng tôi cảm nhận được không khí khu vực này đã “hạ nhiệt” rất nhiều, thực sự không còn là “điểm nóng” tranh chấp đất đai nữa.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ấp Hội Thành, xã Tân Hội giải thích cho bà Lê Thị Cam hiểu rõ việc thực hiện giao đất sản xuất sau khi thu hồi đất tiểu khu 41. Ảnh: N.T.H

Vụ việc tranh chấp đất đai giữa những người bị thu hồi đất với Công ty Mía đường Tây Ninh- đơn vị chủ quản của Nhà máy đường Nước Trong kéo dài đến cuối năm 2009 mới được giải quyết dứt điểm với phiên toà xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo Bản án số 81/2009/HSST của TAND tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Bản án số 81) được tuyên tại phiên toà này, ba bị cáo nguyên là cán bộ quản lý Công ty Mía đường Tây Ninh, Tổ sản xuất (tức Ban đời sống) Nhà máy đường Nước Trong đã bị phạt tù nhưng được cho hưởng án treo; đồng thời, Toà cũng tuyên thu hồi 212 ha đất của 3 bị cáo và 22 ha đất của Tổ sản xuất.

Tuy nhiên qua nhiều năm, Bản án số 81 vẫn chưa được thi hành đầy đủ, bởi lẽ các bị cáo dù đồng ý giao trả toàn bộ diện tích đất đã chiếm dụng, sau phiên toà họ cũng không kháng cáo, nhưng lại không ngừng có đơn yêu cầu “ngưng thi hành bản án” và trì hoãn việc xử lý tài sản trên đất (cây cao su đã trồng và đang khai thác).

Lý do họ đưa ra và không ngại “giải thích” với báo chí là “khi chấp nhận giao trả đất chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ được tiếp tục thuê đất trồng cao su cho hết một chu kỳ khai thác là 25 năm” (?!). Mãi cho đến cuối năm 2017, với sự kiên quyết của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, trong ba ngày 6, 18 và 28.9.2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã cưỡng chế thu hồi tài sản theo Bản án số 81.

Sau khi nhận bàn giao toàn bộ diện tích 232 ha đất trắng vào ngày 25.1.2018 từ Cục THADS tỉnh (và số tiền hơn 19 tỷ đồng bán đấu giá tài sản trên đất là cây cao su đã nộp vào ngân sách huyện), UBND huyện Tân Châu tạm thời giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện quản lý, canh tác (trồng cây hằng năm) không để đối tượng khác chiếm lại đất trong khi chờ đợi thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, phân lô… để giao đất cho người dân được thụ hưởng tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới vùng biên giới thuộc Ðề án bố trí khu dân cư (KDC) ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2162/QÐ-UBND ngày 23.9.2015.

Tính đến nay, tiến độ thực hiện các công việc sau thu hồi đất theo Bản án số 81 và đề án KDC Tân Lâm đã đạt những kết quả khá quan trọng. Cụ thể, huyện đã kiểm tra hiện trạng 4 khu đất thu hồi. Trong đó, khu đất số 1 tổng diện tích 94,88 ha có địa hình bằng phẳng, nằm dọc tuyến đường tỉnh 793, đoạn giao cắt với đường Nông trường Nước Trong, trên khu đất này còn có tuyến kênh tiêu Tân Hà - Suối Ky.

Theo đề án KDC ấp Tân Lâm, khu đất này được quy hoạch là Cụm dân cư số 1 với diện tích 22,16 ha, 8,6 ha đất dự phòng, diện tích còn lại được quy hoạch đất sản xuất mỗi lô 1 ha. Hiện trạng khu đất này có 22 gia đình, cá nhân đang sinh sống với 19 trường hợp có nhà tạm, nhà cấp 4 (trong đó có 1 trường hợp có nhà nhưng đã bị sập chưa cất lại được).

Khu đất số 2 là 30,5 ha đất bằng phẳng nằm dọc phía Bắc đường Nông trường Nước Trong, được quy hoạch là đất sản xuất. Khu đất số 3, tổng diện tích 49,29 ha nằm dọc hai bên đường Nông trường Nước Trong, trong đó có 18 ha có mương sâu xen kẽ, địa hình không được bằng phẳng.

Theo đề án KDC Tân Lâm, khu đất này được quy hoạch là Cụm dân cư số 2, diện tích 17,76 ha, trong đó có bố trí các công trình công cộng như trường THCS, các điểm trường tiểu học, mẫu giáo, trạm cấp nước sạch, nhà văn hoá - sinh hoạt cộng đồng, sân tập thể dục - thể thao; số còn lại là đất sản xuất. Khu đất số 4 có tổng diện tích 60,31 ha, nằm về phía Tây đường Nông trường Nước Trong, có địa hình bằng phẳng được quy hoạch là khu đất sản xuất.

Tại các khu đất thu hồi kể trên, ngày 21.11.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông báo kết quả thẩm định phương án thi công và dự toán kinh phí cắm mốc quy hoạch, thành lập bản đồ địa chính và khu vực bố trí dân cư ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu với tổng kinh phí thực hiện hơn 982 triệu đồng.

Ðến ngày 11.4.2018, UBND huyện Tân Châu đã giao dự toán bổ sung chi ngân sách để thực hiện cắm mốc, phân lô giao đất nông nghiệp và KDC ấp Tân Lâm. Trong đó, việc quan trọng nhất là tổ chức bình xét chọn đối tượng thụ hưởng “tiêu chí lẻ” là đất và vốn sản xuất cơ bản đã làm xong.

Cụ thể là ngày 10.8 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức bốc thăm nhận phiếu giao đất sản xuất cho 118 hộ nghèo không đất sản xuất, hầu hết là người bị Ban đời sống Nhà máy đường thu hồi đất năm xưa, hiện nay đang cư ngụ tại các xã Thạnh Ðông, Tân Ðông, Tân Hà, Tân Hội, Tân Phú, Tân Hưng, Tân Hiệp, Tân Thành, Suối Ngô và Tân Hoà. Trong đó, nhiều nhất là dân xã Tân Hội- ở ngay tại địa bàn tiểu khu 41 và vùng lân cận khu vực đất rừng năm xưa.

Bên cạnh những kết quả khá tốt kể trên, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Tân Châu vẫn còn những khó khăn, trở ngại khi tiếp tục thực hiện “cái hậu” của Bản án số 81, cũng như đề án KDC ấp Tân Lâm. Ðó là việc chưa thể đẩy nhanh tiến độ các công trình công cộng, phục vụ dân sinh trong KDC ấp Tân Lâm.

Hiện nay vẫn còn 24 hộ dân tự cất nhà trong khu vực phải thu hồi theo Bản án số 81. Trong đó, một số sống cặp theo đường nhựa ÐT 973 và một số sống ngay trên đất thu hồi. Ðối với các trường hợp này vẫn chưa thực hiện cưỡng chế tháo dỡ nhà và di dời các tài sản khác trên đất để bàn giao đất lại cho UBND huyện Tân Châu.

Ðược biết, số hộ này đa số là hộ nghèo, trước đây cất nhà ở để đi làm thuê, cạo mủ cao su, hiện huyện Tân Châu đang rà soát để xử lý. Về thực hiện đề án KDC ấp Tân Lâm, do thời gian kéo dài, tổng mức đầu tư các hạng mục công trình trong đề án được phê duyệt nhưng chưa thực hiện đã không còn phù hợp thực tế.

Cụ thể, tổng mức đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng “điện, đường, trường, trạm” được phê duyệt của giai đoạn 2015-2017 chỉ có 36,25 tỷ đồng, đến nay, ước tính tổng kinh phí đã tăng gần gấp đôi, hơn 68,613 tỷ đồng (tăng 32,383 tỷ đồng). Vì thế, UBND huyện Tân Châu đã phải lập Tờ trình số 75/TTr-UBND trình UBND tỉnh xin chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện đề án sang giai đoạn 2018-2020 và bổ sung kinh phí thực hiện.     

Quá trình theo dõi việc thực hiện các công việc sau Bản án số 81 và gặp gỡ, trao đổi với những người dân vừa được bốc thăm giao đất tại các khu đất vừa thu hồi, chúng tôi cảm nhận được tâm trạng lạc quan, tin tưởng vào tính nghiêm minh của pháp luật đã được khôi phục trong họ.

Qua sự vận động, tuyên truyền, thuyết phục của lãnh đạo chính quyền, đoàn thể địa phương, cũng như nhận thấy được tiền đồ phát triển, tương lai tươi sáng của vùng đất đang cư ngụ, bà con tin rằng từ nay họ sẽ từng bước nâng cao được cuộc sống- cả tinh thần và vật chất, khi họ không ngừng tích cực sản xuất trên diện tích đất được Nhà nước chính thức giao cho để sử dụng lâu dài.

Tạm biệt vùng đất và những người dân khu vực Bàu Bền sang Bàu Rã (cư ngụ dọc theo đường Nước Trong - Bàu Rã, đường rừng tiểu khu 41 ngày nào), chúng tôi tin rằng lần sau gặp lại, sẽ không còn cảnh sống chật vật, thiếu thốn ở trong những căn nhà tạm bợ, nắng dọi, mưa dột; và trẻ em sẽ tung tăng vui vẻ đến trường, đến sân tập thể dục, thể thao, đến đàn hát, đọc sách trong Nhà văn hoá tại khu dân cư đang ở, nơi từng là hoang dã, tiêu điều.

NGUYỄN TẤN HÙNG     

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục