Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép tản mạn
Nơi nào con sáo sang sông
Thứ sáu: 11:20 ngày 29/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một ngày đợi bão trong phập phù mưa dầm và gió rét, tới sáng 26.12 có tin bão đã tan rồi, chỉ còn một vùng áp thấp phía biển Tây tận Cà Mau, Rạch Giá. Ðến chiều hoặc đêm thì mới có mưa trên đất miền Ðông Nam bộ quê ta.

Sau một ngày âm u thì sáng 26, trời đã lại xanh trong vàng nắng. Sớm còn lởn vởn mây bay, đến tầm 9 giờ chỉ còn lại nền trời xanh thẳm. Rúc rích tiếng chim cu gù đâu đây trong vắt. Tưởng của nhà ai nuôi, hoá ra không phải. Ðôi chim đang đậu trên nóc ngói ngôi nhà ba tầng trên mặt đường Lê Lợi.

Sau một ngày lạnh, giờ đây chúng gục gặc bên nhau mà sưởi nắng hồng. Thảo nào, thỉnh thoảng người qua đường trên các nẻo phố Tây Ninh lại gặp những con cu đất thản nhiên tìm ăn ngay dọc phố. Cái hẻm cụt nơi tôi ở cũng thỉnh thoảng thấy một chim cu tìm đến, tha thẩn đi tìm những hạt cơm rơi.

Cũng vào buổi sáng nắng đầu tiên sau bão số 16 ấy, còn có một đôi chim chào mào ở đâu bay về trên mái ngôi nhà trệt đối diện nhà tôi. Lần này có thêm một chú chim non đang tập bay loạng choạng. Cái hẻm này chỉ có vài cái cây thôi, mà cũng đã chim về ba bốn loại.

Thường nghe nhất là tiếng liếp chiếp của sẻ. Ban chiều thì ríu rít tiếng chim sâu. Ðôi khi lại là tiếng lảnh lót cao giọng của một chàng tu huýt. Cũng có loài không thấy “mở miệng” như đôi chích choè ruồi. Mà vẫn dễ thấy vì chúng luôn ngoe nguẩy và ngúc ngoắc rồi vểnh cái đuôi xoè ra như quạt giấy.

Vậy thì ở những nhà vườn, cây cối sum suê mát rượi chim chóc còn nhiều tới đâu, chắc ai cũng đoán ra rồi. Liệu thành phố mình có trở thành một đô thị của cá nước và chim trời như các nhà nghiên cứu quy hoạch thường mơ ước? Ðấy là những thành phố được gọi là sinh thái, đáng sống hoặc Ecopark…

Thường nghe báo, đài ca ngợi, nhất ở khu vực Ðông Nam Á có Singapore- đất nước chỉ bé bằng đảo Phú Quốc ở ta. Tiếng nổi như cồn, đến nỗi ai cũng muốn được đi du lịch một chuyến. Người bệnh cũng muốn sang bên ấy mà chữa bệnh. Hỏi thăm ông bạn vừa đi về, ông buông một câu nhạt thếch: cũng thường thôi!

Thì ra thành phố bên ấy cũng toàn kiến trúc bê tông, thép kính. Hơn ta ở vài công viên rừng và đường phố sạch như lau… Thú vị nhất với ông là thấy những bầy chim sáo vô tư bay và đậu ngay trên các phố.

Ông thích sáo ư? Thì cứ ra vườn chim ở khu phố 4, phường 3 là thấy. Sáo cả đàn bay rợp hoàng hôn. Con sáo sang sông (ở đây là rạch Tây Ninh) cũng là ở đấy. Chắc là chúng còn chưa “hoàn hồn” sau một thời có phong trào bắt nuôi chim sáo. Vì thế, sáo còn chưa dám bay vào phố đấy thôi!

Ngoài chim trời thì thành phố mình còn có những giống loài côn trùng rất dễ thương nữa đấy! Như chuồn chuồn. Hôm xem chương trình “Vì bạn xứng đáng” của VTV3, mới biết chuồn chuồn là loài côn trùng ăn thịt. Thức ăn của chúng là muỗi và ruồi.

Vậy thì nơi nào chúng bay, ắt sẽ bớt đi loài muỗi thường gây sốt xuất huyết. Nhưng thỉnh thoảng lắm mới thấy chuồn chuồn bay về con hẻm cụt nhà tôi. Thương quá đi thôi, những chú chuồn chuồn biết “dạy trẻ em bơi” và dự báo thời tiết ngày mưa ngày nắng.

Mùa khô tháng 12 này còn có một loài dễ thương hơn nữa là ong. Hôm trước đi trên đường 30.4, gặp một anh thợ gỡ tổ ong mới xuống từ một cây dầu cao vút. Ai mà ngờ cho được, trên đại lộ đông vui nhất thành phố lại có cả ong bay. Có vẻ như chúng ưa thích phố này, vì có những tán dầu cao và nhiều ngôi nhà cao ngất.

Sực nhớ dạo có những ngôi nhà cao tầng đầu tiên như trụ sở Xổ số kiến thiết hay Ngân hàng Ðông Á; chỉ sau khi đưa vào sử dụng ít lâu là đã có ong về làm tổ, dưới những sàn mái bê tông lơ lửng giữa tầng không. Anh thợ gỡ ong ơi! Những tổ anh vừa gỡ, xách cả chùm trên tay kia chắc là tổ thật. Nhưng ai dám chắc mật đã chảy ra thùng kia đúng là mật ong ruồi? Dù sao cũng cảm ơn anh cho tôi biết còn một thế giới sinh động trên những vòm dầu xanh biếc lá.

Báo Tây Ninh thứ bảy 23.12 có bài của UBND Thành phố phản hồi về bài “Những vướng mắc trong quy hoạch phát triển đô thị Thành phố” in ngày 11.12. Ðọc lại cả hai bài, chưa thấy có quy hoạch nào nhắc đến các loài chim hoặc côn trùng có ích trong Thành phố. Ðành rằng, cứ làm tốt quy hoạch cây xanh là khắc có chim về. Nhưng lại mong, giá như chúng được “vua biết mặt, chúa biết tên” thì cái thành phố đáng sống này còn được nhân lên giá trị biết là bao.

NGUYỄN

 

Tin cùng chuyên mục