Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Góc nhìn:
Nói thêm về việc chọn sách giáo khoa lớp một
Thứ hai: 13:09 ngày 16/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ tháng 3 đến tháng 8.2020, các trường tổ chức tập huấn dạy học theo SGK mới, nhà xuất bản in ấn, phát hành để SGK kịp đến với giáo viên, học sinh khi bước vào năm học mới. Với các mốc thời gian này, nhiều người cho rằng “phải vừa làm vừa chạy may sao mới kịp”.

Ngày 22.11, Bộ GD&ÐT công bố Quyết định 4057/QÐ-BGD&ÐT phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của 8 môn học/hoạt động giáo dục sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Sau đó, Bộ cũng chính thức thông báo UBND tỉnh chưa quyết định lựa chọn SGK, vì theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông quy định cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Ngày 1.12, Bộ GD&ÐT công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021. Dự thảo nêu lịch trình mốc thời gian, tiêu chí lựa chọn, cơ cấu hội đồng lựa chọn của các cơ sở giáo dục. Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo, giáo viên của ngành Giáo dục của nhiều địa phương và dư luận: Thông tư đặt ra nhiều khó khăn, thách thức về thời gian, cơ cấu, cách thức... để lựa chọn được SGK phù hợp.

Theo dự thảo, trước ngày 30.3.2020, các cơ sở phải chọn xong SGK. Từ tháng 3 đến tháng 5.2020, các Sở GD&ÐT phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên. Từ tháng 3 đến tháng 8.2020, các trường tổ chức tập huấn dạy học theo SGK mới, nhà xuất bản in ấn, phát hành để SGK kịp đến với giáo viên, học sinh khi bước vào năm học mới. Với các mốc thời gian này, nhiều người cho rằng “phải vừa làm vừa chạy may sao mới kịp”. Chỉ có khoảng hai tháng để chọn SGK là quá ngắn cho một công việc quá mới mẻ và không hề dễ dàng chút nào khi phải đọc, nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh... giữa các bộ sách.

Ðó là chưa nói đến việc các hội đồng phải hội họp, thảo luận, tranh luận, tổ chức hội thảo nhiều lần để thống nhất ý kiến kết quả lựa chọn. Việc các Sở GD&ÐT phối hợp với nhà xuất bản để tập huấn cho giáo viên cốt cán liệu có chồng chéo, đạt hiệu quả khi các trường chọn không có sự tập trung, sách môn này của nhà xuất bản này, môn khác của nhà xuất bản nọ hoặc mỗi học kỳ chọn mỗi cuốn khác nhau? Và cho đến khi triển khai tập huấn cho giáo viên các trường vẫn là tập huấn “chay”, vì chưa có cả SGK và sách giáo viên (tài liệu hướng dẫn giảng dạy - SGV) chính thức, khác gì đánh đố với giáo viên?

Dự thảo cũng nêu ra tiêu chí của SGK về nội dung và hình thức. Sách được chọn phải phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học ở các đơn vị cơ sở. Yêu cầu về hình thức, sách phải thể hiện sự hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình, bảo đảm tính mỹ thuật. Nhiều ý kiến cho rằng với công nghệ in ấn như hiện nay và sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản, những yêu cầu này dễ dàng đáp ứng, việc chọn lựa sẽ không quá khó. Riêng yêu cầu về mặt nội dung thực sự khó khăn, không thể “một sớm một chiều”.

Muốn có được nhận xét xác đáng, tin cậy, các thành viên hội đồng lựa chọn SGK phải đọc hết, đọc kỹ để xem xét hệ thống bài học được thiết kế thống nhất, hay lặp, chồng chéo; kiểm chứng từng nội dung như khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện… có chính xác, cập nhật mới; nội dung kiến thức không quá tải, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; nội dung tích hợp nội môn, liên môn như thế nào; nội dung khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh ra sao và những kiến thức ấy, giúp giáo viên dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh? Áp lực về thời gian quả thật là một thách thức không dễ vượt qua!

Một chương trình nhiều bộ SGK là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Việc chúng ta thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thể hiện sự đổi mới, từng bước hiện đại hoá nền giáo dục để hoà nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các cơ sở giáo dục đánh giá, lựa chọn SGK cho nên không tránh khỏi những bị động, lúng túng.  

Việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, trong đó chương trình là quy định cứng, SGK chỉ là tài liệu học tập, việc biên soạn, lựa chọn và sử dụng SGK có rất nhiều vấn đề đặt ra, có nhiều điều dư luận xã hội còn băn khoăn, lo lắng... Ðiều đó cũng không có gì lạ, bởi đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam. Cho đến nay, các bộ SGK đã được Bộ GD&ÐT công bố, thời gian tới là công việc của các địa phương và các trường.

Ðiều các chuyên gia lo ngại nhất là việc thành lập các hội đồng để lựa chọn SGK, bởi không phải trường nào cũng có hội đồng đủ tầm để lựa chọn được những bộ sách phù hợp khi sách chưa được thực nghiệm, dạy thử. Có chuyên gia đề xuất ý kiến có thể thành lập hội đồng liên trường, cụm trường, thậm chí phạm vi một phòng GD&ÐT (huyện, thành phố trực thuộc tỉnh) để có đủ thực lực, tránh được tản mạn, phân tán, kém hiệu quả.

“Vạn sự khởi đầu nan”, nêu ra những khó khăn, thách thức không phải để “hù doạ”, làm nản lòng mà để có sự chuẩn bị chu đáo, xây dựng kế hoạch khoa học và có quyết tâm cao hơn. Mục đích quan trọng là lựa chọn được những bộ SGK lớp một phù hợp cho năm học 2020-2021, năm đầu tiên cụ thể hoá, hiện thực hoá “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo” theo nghị quyết của Ðảng. Thiết nghĩ, “đầu xuôi đuôi lọt”, lớp Một thành công sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho các lớp khác “đơm hoa kết trái”.

DIỆU MAI

 

Tin cùng chuyên mục