Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần 4 năm qua, ở Tây Ninh, số nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định 68 để mua máy móc nông nghiệp đếm… chưa đủ trên hai bàn tay.
Nhiều năm qua, nông nghiệp vẫn là khu vực sản xuất phải chịu rủi ro, tổn thất nhiều nhất. Nhằm giúp đỡ nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (gọi tắt là Quyết định 68).
Theo quyết định này, ưu tiên hàng đầu là tăng năng suất, giảm lao động thủ công theo hướng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, suốt gần 4 năm qua, ở Tây Ninh, số nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định 68 để mua máy móc nông nghiệp đếm… chưa đủ trên hai bàn tay.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Ảnh: Đ.H.T
VƯỚNG MẮC Ở ĐÂU?
Quyết định 68 được ban hành với mục đích mở nhiều nút thắt, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện cơ giới hoá sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Quyết định này quy định mức cho vay tối đa của các ngân hàng thương mại là 100% để người vay mua các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lãi suất cho vay thương mại là 7%/năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3...
Rõ ràng mục đích của việc ban hành Quyết định 68 là hết sức đúng đắn, thế nhưng khi triển khai thực hiện thì hết sức khó khăn. Chẳng hạn, như việc đối tượng vay phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc, thiết bị... trong nhóm danh mục thiết bị được quy định trong quyết định...
Rồi việc giải ngân vốn vay để mua máy móc, thiết bị cũng vấp phải một số rào cản từ phía ngân hàng. Trong khi đó, người nông dân còn khá lúng túng, chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, nhất là các đầu mối để liên hệ, cũng như các quy trình, hồ sơ thủ tục cần phải thực hiện khi làm hồ sơ xin vay vốn.
Thực tế, có rất nhiều nông dân mong muốn được vay nguồn vốn ưu đãi từ chính sách này để phát triển sản xuất, nhưng đến nay vì nhiều lý do, không ít người đã bỏ cuộc. Trong đó có vấn đề hoàn chỉnh những thủ tục giấy tờ mà nông dân cho rằng đối với họ quá nhiêu khê. Vì vậy số hộ được vay vốn theo tinh thần Quyết định 68 trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, thời gian qua, các ngân hàng đã cho vay theo Quyết định 68 mới đạt 6,5 tỷ đồng với 9 hộ khách hàng vay vốn.
Ở MỘT NƠI… KHÔNG VAY ĐƯỢC
Ông Nguyễn Văn Nhành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX giống và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, huyện Gò Dầu cho biết, để cơ giới hoá sản xuất, ông đã hoàn thành hồ sơ vay vốn ngân hàng mua máy gặt đập liên hợp và máy cấy lúa theo chính sách ưu đãi hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhưng đến nay đã gần 1 năm, dự định này vẫn không thực hiện được, mặc dù HTX đã có đầy đủ mọi hồ sơ thủ tục, kể cả tài sản bảo đảm thế chấp.
Không riêng gì HTX Bàu Đồn, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đều muốn được vay vốn theo Quyết định 68 để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy gặt đập liên hợp, hệ thống tưới phun, tưới tiết kiệm... với nhu cầu vay vốn chỉ từ 100 đến 300 triệu đồng, nhưng không được ngân hàng chấp nhận.
Vì sao như thế? Ông Lê Công Minh, một nông dân có nhu cầu vay 100 triệu đồng để mua máy cày ngụ ấp 2, xã Bàu Đồn cho biết, muốn tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ, hưởng lãi suất 0% theo Quyết định 68, nông dân phải mua máy móc nằm trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thế nhưng, máy móc trong danh mục không phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Còn loại máy nông dân cần mua lại không nằm trong danh mục được ưu đãi... Đặc biệt, nông dân rất sợ “máy nội”, lắp ráp cấu kiện Trung Quốc, vì chẳng những máy vận hành không phù hợp thực tế sản xuất, lại còn có tình trạng phụ tùng không chuẩn, khó sửa chữa.
Ông Minh cho rằng, chỉ cần người dân mua máy có hoá đơn, chứng từ để chứng minh, đừng bắt phải mua máy trong danh mục quy định mới cho vay tiền. “Oái oăm” là ngân hàng đòi hỏi nông dân phải cung cấp hợp đồng mua máy với doanh nghiệp, nhưng không phải ai cũng có thể liên hệ ký hợp đồng mua máy với doanh nghiệp khi… chưa có tiền. Chính vì những quy định như thế nên nông dân không thể vay được vốn ưu đãi.
Lãnh đạo UBND xã Bàu Đồn cho biết, khi biết nông dân ở xã có nhu cầu vay vốn hưởng chính sách lãi suất ưu đãi, UBND xã đã tích cực giúp đỡ về thủ tục để họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định 68.
Tuy nhiên, để được vay vốn phải hoàn thiện nhiều thủ tục không dễ dàng, nên cho đến nay tại xã chưa có hộ nông dân nào vay được. Trước thông tin đã có nông dân xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu được vay vốn theo Quyết định 68, lãnh đạo UBND xã Bàu Đồn cho biết, sẽ đi tìm hiểu nhằm có hướng giúp người dân địa phương tiếp cận được nguồn vốn vay.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu cho biết, Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện nhiều năm qua, nhưng tính đến hết năm 2016, trên địa bàn huyện chưa có đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào được vay vốn, mặc dù có rất nhiều HTX, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Theo bà Nhung, người dân có phản ánh khi họ mang hồ sơ tới thì ngân hàng trả lời là không thể cho vay do bị vướng nhiều mặt (?!).
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh huyện Gò Dầu cho biết, đơn vị này chưa từng nhận hồ sơ nào của ông Nguyễn Văn Nhành và những hộ nông dân tại xã Bàu Đồn xin vay vốn theo Quyết định 68. Do đó, lãnh đạo ngân hàng mong muốn ông Nhành và những nông dân tại xã Bàu Đồn sớm liên hệ trực tiếp với đơn vị này để được hướng dẫn thủ tục.
Nông dân Thanh Điền (Châu Thành) cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đ.H.T
VÀ Ở NƠI ĐƯỢC VAY ƯU ĐÃI
Theo ông Trần Văn Bình, ngụ ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, từ khi nắm được thông tin Chính phủ có chính sách hỗ trợ vay vốn để đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, ông đã tìm hiểu cụ thể và thực hiện hoàn tất thủ tục hồ sơ, bảo đảm thế chấp tài sản nên được vay vốn mua máy gặt đập liên hợp.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn theo Quyết định 68, ông đã phải đi liên hệ trực tiếp với công ty chuyên kinh doanh máy móc phục vụ nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp. Công ty này đồng ý làm hợp đồng bán cho ông Bình một máy gặt đập liên hợp trị giá hơn 500 triệu đồng.
Sau đó, ông mang hợp đồng này về bổ sung vào hồ sơ, trong đó có tài sản bảo đảm để vay vốn là quyền sử dụng đất của vợ chồng ông. Cuối cùng, ngân hàng cũng đã xem xét cho ông được vay ưu đãi không lãi suất trong thời hạn 2 năm.
Tuy nhiên, do tài sản của ông thế chấp có giá trị thấp, nên ngân hàng chỉ giải quyết cho ông Bình vay 250 triệu đồng, bằng 50% giá trị máy cần mua. Đồng thời số tiền trên được ngân hàng giải ngân thẳng cho công ty bán máy, phần còn lại ông Bình phải vay mượn bên ngoài để chi trả đủ số tiền mua máy.
Ông Bình cho rằng, đối với những hộ dân không được vay vốn ở Gò Dầu có thể do không đáp ứng đầy đủ các thủ tục ngân hàng yêu cầu. Riêng tại xã Truông Mít, ngoài ông Bình, còn có hộ nông dân khác cũng được vay vốn để sắm máy móc phục vụ phát triển nông nghiệp.
Trở lại vấn đề nông dân xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu kiến nghị xung quanh việc vay vốn ưu đãi theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, hy vọng sẽ được các cơ quan có thẩm quyền trong tỉnh quan tâm, giúp đỡ để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận được nguồn vốn. Bởi hiện nay, cơ giới hoá trong nông nghiệp đang là vấn đề cần thiết để hướng tới xây dựng một ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vừa qua, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ giới hoá nông nghiệp, xây dựng các mô hình cơ giới hoá nhằm hỗ trợ đầu tư máy, thiết bị, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai cho các đối tượng quy định được vay vốn theo Quyết định 68.
THANH NHI
Khoản 3, Điều 1 Quyết định 68/2013/QĐ-TTg quy định: các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân phải được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thuỷ sản; dịch vụ cơ giới nông nghiệp; các doanh nghiệp có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hoá với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân; các loại máy, thiết bị quy định tại Khoản 2 Điều này phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. |