Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạp bút
Nón lá quê tôi
Thứ hai: 16:52 ngày 27/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với người dân quê tôi, chiếc nón lá gần như là vật “bất ly thân” mỗi khi ra đồng. Về kiểu dáng, phải công nhận nón lá quê tôi không đẹp bằng nón bài thơ xứ Huế, hay nón lá Nha Trang. Nhưng về chất lượng thì không thua kém nơi nào.

Trước hết, nhờ kích cỡ lớn, rộng vành và được chằm bằng lá cây mật cật non, chiếc nón lá là vật che nắng tuyệt vời, tiện lợi hơn cây dù nhiều. Không chỉ che nắng, trời mưa người đội nón lá cũng không lo ướt át.

Nhớ lại hồi nhỏ, mỗi lần ra đồng cắm câu, cắt cỏ, săn chuột, bắt cá... khi trời mưa, gió là anh em tôi cũng như nhiều người khác tìm đến một cái bờ cao, rồi núp dưới chân bờ, che nón lá trên đầu là chả còn sợ gió mưa. Nón lá còn là chiếc quạt mát hơn cả quạt mo, quạt giấy, quạt lá...

Sau những giờ làm lụng mệt nhọc, “mồ hôi mẹ, mồ hôi con” đổ ướt mặt, ướt lưng... chúng tôi chỉ cần tìm một chỗ mát, ngồi nghỉ và ngả nón ra mà quạt. Quạt một chập là mồ hôi biến mất, cái mệt cũng xua tan. Đến giờ cơm trưa (cơm được mang theo ra đồng), giữa đồng làm gì có mâm, có bàn, chúng tôi lại tìm một bóng cây, rồi lật ngửa nón lá ra dọn cơm lên đó mà ăn.

Trước đây, trên đồng ruộng quê tôi còn có những cái đìa (ao nhỏ, nông dân đào để giữ nước và cho cá trú ngụ) nước trong sạch. Hồi đó, nhiều nông dân ra đồng không cần mang nước theo uống. Ăn cơm xong, dọn dẹp cái “mâm” nón lá, mọi người lại cầm nón đến một cái đìa gần đó múc nước lên và úp mặt vào uống. Uống xong rồi rửa mặt, rửa tay, cũng có người dùng nón múc nước đìa lên tắm...

Làm suốt buổi, nhiều người cũng cần ngả lưng một chút. Dù là dưới bóng cây, nhưng ở giữa đồng, nắng trưa vẫn xuyên qua kẽ lá, thế là chiếc nón lại được úp lên mặt để che nắng chói vào mắt.

Làm việc ngoài đồng gần cả ngày, chiều xuống, mọi người lại tranh thủ bắt cá, hái rau sông để cải thiện bữa ăn. Không cần có đụt, hay rổ, thau... nhiều người lật ngửa chiếc nón lá ra mà đựng cá, đựng rau bưng về nhà... Mỗi khi giê lúa ngoài đồng, gặp lúc trời không có gió, người dân quê tôi lại lấy nón lá “làm gió”. Một người đưa thúng lúa qua khỏi đầu đổ xuống nia, một người đúng kế bên đó cầm nón lá quạt lia lịa cho lúa lép bay ra khỏi nia.

Không chỉ vậy, nhiều người đi cày, hoặc đánh xe trâu, xe bò, khi thấy trâu bò mệt, khát nước, họ cho chúng dừng chân, tìm nguồn nước gần nhất, rồi dùng nón lá bưng nước cho chúng uống hay múc nước tạt lên tắm. Những chiếc nón hư cũ, sứt chỉ, bung vành còn được nông dân tận dụng làm ổ cho gà đẻ...

Thế đó! Chiếc nón lá đối với người lao động nói chung và nông dân quê tôi nói riêng được sử dụng đa chức năng như thế. Nhưng để có được chiếc nón dùng nhiều việc và được lâu bền, đòi hỏi người làm ra chiếc nón không chỉ khéo léo mà còn kỹ càng từng công đoạn.

Những ai đã từng “một nắng, hai sương” thì càng thấy rõ hơn giá trị của chiếc nón lá. Nhưng không phải bất kỳ người đội nón lá nào cũng biết được sự vất vả của người tạo nên chiếc nón. Người làm nón không phải dầm mưa dãi nắng hay gánh vác nặng nhọc, nhưng cũng phải thức khuya, dậy sớm.

Muốn có được một chiếc nón thành phẩm, người làm nón lá phải qua rất nhiều công đoạn. Trước kia, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 3 đến 4 giờ sáng là làng nón lá quê tôi rộ lên những âm thanh quen thuộc “cộp…cộp; “cạch cạch…” của người làm nón chẻ củi, chặt cuốn lá mật cật non. Rồi họ nổi lửa để vuốt lá. Để có đủ lượng lá chằm nón trong một ngày, người chằm nón phải mất ít nhất hai tiếng đồng hồ cho công đoạn vuốt lá.

Chằm nón là công đoạn chính của người làm nón lá, thường họ chỉ làm ban ngày, từ sáng sớm cho đến chiều tối. Còn cột vành và xoè lá thì kéo dài đến gần nửa đêm… Nón làm xong để được cứng cáp dùng vào nhiều việc và xài lâu bền, người làm nón phải kết vành (hồi đó gọi là nức nón) thật kỹ, rồi trét dầu lên nón.

Ngày nay vẫn còn một số ít người ở quê tôi làm nón lá, đội nón lá ra đồng. Nhờ có máy móc thay thế, người lao động trên ruộng đồng nhàn nhã hơn xưa kia rất nhiều và chiếc nón lá cũng không còn được tận dụng đa chức năng như trước kia nữa…

T.L

Tin cùng chuyên mục