Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Non nước ba gò
Thứ hai: 10:24 ngày 20/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đấy là gò Kén và gò Duối bên phía tả ngạn rạch Tây Ninh thuộc xã Long Thành Trung và Long Thành Nam mà trước năm 1975 còn ở chung một xã Long Thành. Bên kia, hữu ngạn thuộc xã Thanh Điền có gò Cổ Lâm, một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Kề bên, còn có gò đình Thanh Đông, gò tháp nằm trong chuỗi các di chỉ khảo cổ thời văn hoá hậu Óc - Eo rất nổi tiếng trong quá khứ hơn 1.000 năm trước.

Gò Cổ Lâm.

Đôi khi, người Thành phố lại thèm một chuyến chu du sông nước. Thường ngay lập tức, người ta nghĩ đến miền Tây với sông Hậu, sông Tiền. Gần hơn thì cũng phải trên sông Vàm Cỏ Đông, Sài Gòn… Hoặc muốn thả hồn giữa mênh mông thì vượt Lòng hồ Dương Minh Châu ra đảo Nhím.

Có mấy ai nghĩ đến ngay giữa thành phố của mình đây cũng có một dòng sông. Dòng ấy có ngọn nguồn từ những suối Trà Vong, Trà Phí, Lâm Vồ… chảy qua những tên đất nhuốm màu lịch sử. Như Trường Đổi, Bàu Lùng Tung, Bàu Cỏ Đỏ. Để rồi xuyên qua Thành phố, nô nức reo vui như trẻ nhỏ dưới chân cầu. Cầu Bến Dầu trên phía Ninh Sơn nối tới Bình Minh. Cầu Quan như ba nhịp trăng non giữa lòng Thành phố. Rồi cầu mới Trần Quốc Toản, cầu Thái Hoà, Hiệp Hoà còng lưng cho những chuyến xe qua. Sông cứ thế mà xuôi thẳng hướng Nam, qua những cánh đồng đầy sen và lúa của các xã Thanh Điền, Long Thành Trung, Long Thành Nam để hội nhập với sông Vàm.

Sông ấy, xưa dưới thời triều Nguyễn gọi là suối Xỉ Khê, hay Khe Xỉ. Nay ta gọi là rạch Tây Ninh.

Ấy thế mà con rạch này đã từng được gọi là sông, từ cách nay khoảng 200 năm trước. Sách “Gia định thành thông chí” của quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức, được dâng lên vua Minh Mệnh vào năm 1820, có đoạn: “Sông Lăng Khê, ở bờ Bắc sông Quang Hoá, cách trấn lỵ (Sài Gòn- Gia Định) về phía Tây 85 dặm rưỡi, theo sông nhỏ ở cửa sông đi ngược lên phía Bắc, 61 dặm thì đến thủ sở Thuận Thành. Có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Đen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn không dứt”. Xem ra, Trịnh Hoài Đức đã để mắt tới miền đất này với nhiều niềm ưu ái.

Và đến năm 1836, khi đoàn kinh lược sứ của vua Minh Mạng đi kinh lý Nam kỳ, đã chọn ngay vị trí đồn Xỉ Khê, bên bờ rạch Tây Ninh làm thành phủ Tây Ninh sau khi thiết lập phủ Tây Ninh. Đồn Xỉ Khê, nay ở vị trí Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam bộ năm 1862, bọn chúng phá đồn đi để xây thành Săng-đá.

Rạch Tây Ninh nay nhiều người đã biết, thậm chí là thuộc từng bến bãi trong phần đi qua Thành phố. Như, rất nhiều người câu cá thường chọn cho mình những chỗ câu riêng. Có thể là do kín đáo, non nước hữu tình, hoặc đơn giản chỉ vì là nơi câu được cá. Nhưng, còn một phần lớn sông trôi ở phía hạ nguồn đặc biệt hấp dẫn con người, cả về mặt địa lý, cảnh quan, kinh tế hay lịch sử.

Thú vị nhất có lẽ là đoạn kể từ cầu Hiệp Hoà cho đến hai vàm cuối rạch Tây Ninh. Vàm chính đổ ra sông Vàm Cỏ Đông ở gần cầu Gò Chai. Một vàm phụ, nhỏ hơn từ rạch Seville đi sát sau Gò Kén đổ về Bến Kéo. Nơi rạch chia làm hai ngả ấy, từ cầu Hiệp Hoà đã có thể nhìn thấy, là một mũi đất cù lao xanh biếc tràm vàng. Người địa phương mới biết đến cái tên này. Đấy là gò Nhọn. Trước mặt gò, nơi ngã ba sông lồng lộng bóng mây, dường như luôn có một vàng lưới vó chung chiêng treo bồng bềnh trước gió. Bên bờ, vài ngôi nhà sàn nho nhỏ đứng nép mình dưới bóng dừa xanh. Một vài hộ ở bên phía Hiệp Tân đã thả nuôi những bè cá lóc bông ven rạch.

Gò Nhọn! Chỉ như một người lính canh cho cả một chuỗi gò quan trọng và đường bệ ở hai bên rạch. Mà lại toàn những gò có tiếng tăm và sự tích. Đấy là gò Kén và gò Duối bên phía tả ngạn rạch Tây Ninh thuộc xã Long Thành Trung và Long Thành Nam mà trước năm 1975 còn ở chung một xã Long Thành. Bên kia, hữu ngạn thuộc xã Thanh Điền có gò Cổ Lâm, một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Kề bên, còn có gò đình Thanh Đông, gò tháp nằm trong chuỗi các di chỉ khảo cổ thời văn hoá hậu Óc - Eo rất nổi tiếng trong quá khứ hơn 1.000 năm trước.

Tất cả các địa điểm vừa nhắc, đều nằm trong một vòng tròn có đường kính khoảng 5km. Tâm của vòng tròn này có thể là ở vị trí cầu kênh 1 tỉnh lộ 786 qua xã Thanh Điền. Trong 5km đường kính vòng tròn này, hầu như chỗ nào cũng mênh mang sông nước. Hai gò gần nhau nhất, là Gò Kén và Cổ Lâm.

Bởi sau khi tượng Quan Thế Âm bồ tát đã gần hoàn thành với chiều cao 25 mét, thì từ phía đình Thanh Đông đã có thể nhìn thấy rõ. Gò Kén có chùa Thiền Lâm, tuy không phải là ngôi chùa cổ vì mới hoàn thành năm 1924. Thế nhưng điểm nhấn tiếng tăm trong lịch sử là vào tháng 11.1926, những người sáng lập đạo Cao Đài đã mượn chùa làm nơi ra mắt đạo.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Tỉnh hội Phật giáo chủ trương xây dựng tại gò một trung tâm văn hoá Phật giáo có quy mô bề thế. Hình hài đã thấy rõ. Thiền Lâm đã được “phục hưng” sau một chặng dài khuất lấp bởi cả thời gian và khói lò gạch mịt mù.

Xuôi theo con rạch Seville mé sau gò, hoặc xuôi theo dòng chính rạch Tây Ninh mé Thanh Điền, ta còn gặp một gò khác nữa mang tên gò Duối. Muốn tới gò Duối theo đường quốc lộ 22B phải đi ngang trước cổng đình Long Thành, cũng là một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ở Tây Ninh.

Và ngay cả cái tên Bến Kéo cũng gắn với thời điểm triều Nguyễn để mất 3 tỉnh miền Đông vào tay giặc Pháp vào năm 1862. Tàu Pháp chở quân cụ, hàng hoá tới đây là dừng để bốc hàng và thuê xe trâu bò kéo vận chuyển tiếp về Tây Ninh. Vì thế, bến cảng mang tên là Bến Kéo. Cảng ở vàm rạch Seville xưa, nay người dân gọi đây bằng cái tên giản dị hơn là rạch Lò Gạch, do đã từng là tuyến chuyên chở quan trọng của những lò gạch trên Gò Kén từ hơn 10 năm trước.

Gò Duối có gì ư? Hiện tại trên gò chỉ có ngôi dinh thờ một vị võ quan tên là Huỳnh Công Nghệ, người trong các truyền tụng ở Tây Ninh là em trai Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Người ta kể sau khi yếu thế, quân binh của ông đã rút về đây và ông mất trên gò. Nhưng chuyện đáng tin cậy hơn là chuyện gò Duối từng là một đồn điền (ruộng quan) được triều vua Thiệu Trị lập ra cho các đội dân binh canh tác. Dấu tích xa xưa nhất trên gò, ngoài ngôi dinh thờ đã được xây mới khang trang, có lẽ chỉ còn lại một vườn xoài tuổi tác ngót trăm năm.

Vậy là ta đã có một vùng sông nước vừa hữu tình, vừa đầy ắp thiên nhiên để có thể hoà mình, giải toả khi nào bí bức giữa vòng quay cuộc sống đô thị. Đến bằng đường nào cũng tiện. Đường bộ thì theo lối quốc lộ 22B từ Mít Một sang Thanh Điền hay xuôi xuống Hiệp Trường, Gò Kén. Nhưng thú vị nhất và cũng có thể tiện nhất là đi bằng ghe, thuyền trên rạch Tây Ninh. Không chỉ là ngắm cảnh quan sông nước hồn nhiên, thanh sạch hoặc tâm linh qua các điểm dinh, chùa, đình, tháp… mà còn có thể thăm thú cung cách làm ăn của nông dân, cùng nhâm nhi ẩm thực.

Giáp với rạch ở phía Hiệp Trường, Hiệp Tân đã san sát các mô hình làm ăn mới của bà con miền sông nước. Bè nuôi cá lóc, trại nuôi vịt bầu san sát bên nhau. Vài quán ăn gia đình lồng lộng gió sông và ríu rít chim kêu. Bên mé Thanh Điền vẫn còn hoang sơ với ruộng xanh hoặc đồng bưng cỏ mọc.

Đường vào đình Thanh Đông hoặc khu di tích gò Cổ Lâm vẫn là đường bờ ruộng nhưng cũng chỉ ba trăm mét. Ai đó dường như đã đón đợi tương lai nên đã quây một vài công ruộng ven rạch làm một hồ nước xanh trong vắt. Đường bờ bao trồng toàn cọ với si, sanh. Liên kết chuỗi ba gò, thiết kế một tour du lịch chỉ một ngày trên rạch Tây Ninh hẳn sẽ là sự chờ đợi của nhiều cư dân đô thị. Hy vọng chuyện này sớm thành hiện thực của ngày mai, khi câu chuyện khởi nghiệp đang râm ran trên khắp những phố, làng.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục