Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc thực hiện Dự án sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết, nhằm gắn kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm trái mãng cầu.
Ông Nguyễn Văn Nhân- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao giấy chứng nhận VietGAP cho đại diện Tổ liên kết sản xuất mãng cầu xã Tân Bình.
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng cây mãng cầu lớn nhất trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh, với diện tích khoảng 4.500 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn trái/năm, chưa kể trái mùa nghịch. Mãng cầu cũng là loại cây ăn trái có diện tích trồng lớn nhất so với những loại cây ăn trái khác. Tuy nhiên trong những năm qua, nông dân còn sản xuất theo hướng tự phát, chất lượng trái chưa bảo đảm, việc tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.
Tuy nông dân Tây Ninh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất mãng cầu, song hầu hết chưa biết áp dụng các kỹ thuật mới một cách đồng bộ; tình trạng cây bị sâu bệnh- nhất là ruồi đục trái xảy ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái mãng cầu. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc BVTV vừa làm tăng chi phí đầu tư không cần thiết, vừa làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời ảnh hưởng đến các loài thiên địch, dẫn đến mất cân bằng sinh thái, nhiều loài dịch hại phát triển khó phòng trừ.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ thực trạng trên, việc thực hiện Dự án sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết, nhằm gắn kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm trái mãng cầu. Đồng thời giúp phòng trừ ruồi đục trái, giảm chi phí đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm từ trái mãng cầu, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân; hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững, an toàn cho người tiêu dùng, giữ vững và khẳng định được thương hiệu “Mãng cầu Bà Đen”.
Mục tiêu của Dự án là đến năm 2018, Tây Ninh sẽ xây dựng và hình thành 3 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ mãng cầu với tổng diện tích 42 ha, có chứng nhận VietGAP; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân sản xuất mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ đạt 10% tổng diện tích, trong đó, diện tích sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP đạt 20% tổng diện tích. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các giải pháp phòng trừ tổng hợp để chống ruồi đục quả, giải pháp chính là sử dụng biện pháp bao trái, hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2016, từ nguồn vốn của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện Dự án tại địa bàn xã Tân Bình (TP. Tây Ninh), với diện tích 14 ha gồm 13 hộ ở 3 tổ liên kết sản xuất mãng cầu ở ấp Tân Trung, Tân Hoà, Tân Phước. Nông dân tham gia dự án được Nhà nước hỗ trợ 30% túi bao trái; 100% chi phí tư vấn, chi phí phân tích mẫu đất, nước, chi phí giám sát, đào tạo đánh giá tiêu chuẩn VietGAP và chi phí đánh giá chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, các hộ này còn được tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất...
Nông dân bên vườn mãng cầu thực hiện Dự án sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Ông Võ Văn Võ- Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất mãng cầu xã Tân Bình cho biết, năng suất bình quân của vụ vừa qua đạt 119 tấn/14 ha, với giá bán bình quân 21.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, trên diện tích 14 ha cho lãi được gần 2,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo ông Võ, bao trái cho mãng cầu có ưu điểm là cách ly với ruồi vàng nhưng chi phí lại tăng cao từ 8 - 10 triệu đồng/ha, trong khi đó, thương lái cũng mua bằng giá mãng cầu không bao trái, nên hiệu quả kinh tế giảm đi. Do đó, ông đề nghị trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và các đơn vị có liên quan cần hỗ trợ trong việc ký kết hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp, với giá bán hợp lý hơn so với mãng cầu không áp dụng bao trái, để nông dân có thể yên tâm sản xuất.
Theo Trạm Khuyến nông Thành phố, Trạm cũng đã đề xuất các ngành chức năng, sau khi xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu cần tiếp tục tạo điều kiện giúp nông dân liên kết các doanh nghiệp để có chuỗi đầu ra với giá cả hợp lý. Từ đó nông dân mới mạnh dạn đầu tư.
Mới đây, Tổ liên kết sản xuất mãng cầu xã Tân Bình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao giấy chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Văn Nhân- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong thời gian tới, ông mong rằng các thành viên trong tổ sẽ nỗ lực phấn đấu sản xuất mãng cầu đạt chất lượng theo hướng sạch, để có thể ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua.
TRÚC LY