Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trảng Bàng:
Nông dân gặp khó vì “sổ đỏ” ghi "đất rừng"
Thứ tư: 09:09 ngày 02/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn 30 năm sử dụng mảnh đất hơn 1,3 ha được cha mẹ để lại canh tác nhiều loại cây trồng, ông Dương Văn Ðèo (ngụ ấp Trảng Sa, xã Ðôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) không nghĩ rằng, đến lúc nào đó cần phải điều chỉnh mục đích sử dụng đất trong giấy CNQSDÐ của gia đình mình.

Thửa đất của ông Dương Văn Ðèo được cấp giấy CNQSDÐ và sử dụng sản xuất nông nghiệp từ năm 1993 đến nay.

Trước đây, nhiều người dân tự khai vỡ đất hoang, đất rừng chồi để canh tác, sản xuất. Ðến nay, tại nhiều nơi, đất hoang, đất rừng đã không còn và việc quy hoạch loại đất theo mục đích sử dụng của chính quyền địa phương đã được cập nhật.

Tuy nhiên, một số trường hợp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDÐ) của người dân vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế khiến họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng, như thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư sản xuất.

Không biết kêu ai

Hơn 30 năm sử dụng mảnh đất hơn 1,3 ha được cha mẹ để lại canh tác nhiều loại cây trồng, ông Dương Văn Ðèo (ngụ ấp Trảng Sa, xã Ðôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) không nghĩ rằng, đến lúc nào đó cần phải điều chỉnh mục đích sử dụng đất trong giấy CNQSDÐ của gia đình mình. Khi cần vốn đầu tư làm ăn, như bao người nông dân khác, ông Ðèo cầm giấy CNQSDÐ đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn thì mới hay, số tiền mình được giải ngân chẳng được bao nhiêu so với giá trị mảnh đất đang có.

Ông Ðèo cho biết, ông được mẹ cho mảnh đất tại ấp Trảng Sa để làm ăn, sau đó ông khai phá thêm đất hoang, đất bụi rậm (rừng chồi) để canh tác nông nghiệp. Năm 1993, ông làm các thủ tục kê khai nhận cấp giấy CNQSDÐ với 5 thửa đất, tổng diện tích là 13.300m2.

Trong đó, có 3 thửa là đất khai hoang, 2 thửa còn lại là đất rừng chồi. Theo ông Ðèo, lúc kê khai, ông chỉ nghĩ đơn giản “có như thế nào thì khai như vậy” nên sau gần 30 năm sử dụng đất, ông vẫn chưa đăng ký điều chỉnh.

Ðầu năm 2020, do cần vốn để đầu tư và trang trải cuộc sống, ông Ðèo cầm giấy CNQSDÐ của mình đến một ngân hàng trên địa bàn thị xã Trảng Bàng để làm thủ tục thế chấp vay vốn. Sau xem xét, thẩm định hồ sơ, nhân viên ngân hàng cho biết với diện tích đất trên, ông chỉ được cho vay với số tiền rất nhỏ, vì trong phần mục đích sử dụng các thửa đất này ghi là đất hoang, đất rừng.

Tháng 6 năm 2020, ông Ðèo đến nộp hồ sơ tại Văn phòng Ðăng ký đất đai chi nhánh thị xã Trảng Bàng để làm các thủ tục xin điều chỉnh mục đích sử dụng thành loại đất trồng cây lâu năm, phù hợp với hiện trạng sử dụng nhiều năm qua.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, đến nay, hồ sơ xin điều chỉnh mục đích sử dụng đất của ông vẫn chưa được cơ quan này trả lời. Trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HÐND các cấp tỉnh, thị xã vào đầu tháng 10 vừa qua, ông có nêu vấn đề của mình thì được một cán bộ (ông không nhớ tên, chức vụ) giải thích là yêu cầu về việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất của ông không thuộc thẩm quyền của Văn phòng Ðăng ký đất đai chi nhánh thị xã Trảng Bàng, do vướng quy định của Luật Lâm nghiệp (vì chuyển từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp), nên phải chờ ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi nào có kết quả sẽ thông báo cho ông biết.

Cũng theo ông Ðèo, trước khi nộp hồ sơ tại Văn phòng Ðăng ký đất đai chi nhánh thị xã Trảng Bàng, ông đến UBND xã Ðôn Thuận làm các thủ tục xác nhận diện tích đất đang sử dụng là đất trồng cây nông nghiệp, và được chính quyền địa phương xác nhận phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Bên cạnh đó, theo ông tìm hiểu, hầu hết những thửa đất quanh khu vực đất của ông đã đăng ký đất trồng cây lâu năm và đất ở.

Trảng Bàng không còn rừng sản xuất

Ông Nguyễn Minh Sang - công chức Ðịa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã Ðôn Thuận cho biết, trên địa bàn xã từ lâu đã không còn quy hoạch đất rừng cần bảo vệ. Những trường hợp được cấp giấy CNQSDÐ từ năm 1993 như của ông Dương Văn Ðèo thực chất là đất sản xuất bị bỏ hoang, nhiều bụi rậm, được người dân cải tạo lại để canh tác, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Do đó, việc người dân mong muốn được điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch sử dụng đất chung của địa phương là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp trên trả lời, nên UBND xã chưa thể hướng dẫn cho người dân. Theo ông Sang, trên địa bàn xã còn khá nhiều trường hợp có giấy CNQSDÐ ghi là đất rừng, đất hoang tương tự giấy CNQSDÐ của ông Ðèo.

Sau khi xem xét bản photocopy giấy CNQSDÐ của ông Dương Văn Ðèo, ông Phạm Văn Còn- Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Trảng Bàng cho biết, những thửa đất cũ tại tờ bản đồ K11 được cấp năm 1993 của ông Ðèo đã được đổi thành các thửa đất mới thuộc tờ bản đồ số 73 (bản đồ địa chính chính quy). Do đó, ông Ðèo nên đến Văn phòng Ðăng ký đất đai chi nhánh thị xã Trảng Bàng làm các thủ tục đăng ký điều chỉnh biến động đất đai để được điều chỉnh theo quy định.

Ông Hoàng Văn Phúc- Giám đốc Văn phòng Ðăng ký đất đai chi nhánh thị xã Trảng Bàng (gọi tắt là Văn phòng) cho biết: “Trên địa bàn Thị xã còn khá nhiều trường hợp xin chuyển từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp như trường hợp của ông Dương Văn Ðèo.

Tuy nhiên, theo quy định, tại Ðiều 57, Luật Lâm nghiệp và Hướng dẫn số 65 hướng dẫn thực hiện luật này, thì việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang loại đất khác do Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND Thị xã ra quyết định điều chỉnh.

Văn phòng Ðăng ký đất đai không thể làm công tác điều chỉnh này được”. Cũng theo ông Phúc, trường hợp của ông Dương Văn Ðèo đã được Văn phòng báo cáo với lãnh đạo huyện, ông yêu cầu phóng viên liên hệ với UBND huyện để có câu trả lời chính xác hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Lam- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, hiện trên địa bàn Thị xã không còn đất rừng sản xuất mà chỉ còn lại diện tích đất rừng bảo vệ được quy hoạch là khu rừng di tích lịch sử cách mạng miền Nam.

Những trường hợp đã được cấp giấy CNQSDÐ từ năm 1993 là đất rừng, UBND Thị xã giao Văn phòng Ðăng ký đất đai thực hiện điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp có vướng mắc, Văn phòng Ðăng ký đất đai phải liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến.

Việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang các loại đất khác đúng với quy hoạch của địa phương là phù hợp với quy định của pháp luật, vì từ nhiều năm qua, Trảng Bàng đã không còn đất rừng sản xuất nữa.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục