Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngành Nông nghiệp và người nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày càng hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao khi Việt Nam gia nhập, hội nhập sâu rộng với thế giới. Bởi, nếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và lạc hậu sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bước ra thị trường ngoài nước, thậm chí có thể thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, việc tái cơ cấu, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất là vấn đề cần làm ngay để nông dân và ngành Nông nghiệp đứng vững trong thời hội nhập.
Anh Nguyễn Trí Hưng, 39 tuổi, ngụ ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu bên vườn thanh long.
Đầu tư công nghệ cao vào sản xuất
Đầu tư khoa học kỹ thuật là chìa khoá để tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Khi hội nhập thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa các mặt hàng xuất khẩu- nhất là nông sản ngày càng trở nên khốc liệt. Do đó, nông dân buộc phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, bảo đảm an toàn theo hướng bền vững mới có khả năng tham gia “cuộc chơi” thị trường quốc tế.
Hiện tại, nhiều nông dân trong tỉnh đã thành công với mô hình sản xuất theo hướng bền vững để hội nhập. Trên địa bàn xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) có hơn 20 ha đất trồng thanh long theo hướng xuất khẩu, với 50 hộ tham gia. Tại đây, nông dân đã đầu tư và ứng dụng sản xuất theo công nghệ hiện đại phục vụ xuất khẩu cho các thị trường khó tính.
Anh Nguyễn Trí Hưng (39 tuổi, ngụ ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) cho biết, cuối năm 2012, với quyết tâm làm giàu từ cây thanh long, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 1,2 ha thanh long, với hơn 1.100 gốc thanh long giống H14. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy thị trường tiêu thụ ngày càng khó tính, đặc biệt là thị trường ngoài nước, anh đã mạnh dạn thay đổi kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Đồng thời, anh và một số nông dân khác liên kết với Công ty Huy Long ở thành phố Hồ Chí Minh để tìm đầu ra ổn định cho trái thanh long theo hướng cung cấp hàng xuất khẩu. Theo đó, Công ty Huy Long nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân nơi đây với mức giá phù hợp.
Cũng theo anh Hưng, ở lứa thanh long đầu tiên được áp dụng kỹ thuật mới, 95% sản lượng trái đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Những năm sau, sản lượng bình quân đạt khoảng 25 tấn/vụ, với giá bán xuất khẩu 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí anh thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/vụ. Trong dịp tết, anh thu hoạch được khoảng 5 tấn thanh long, giá bán khoảng 70.000 đồng/kg.
Anh Hưng cho biết thêm, trồng thanh long xuất khẩu đòi hỏi nông dân phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: trái thanh long phải vừa chín khoảng 80-85%, vỏ trái trong giai đoạn cuối chuyển từ màu xanh sang màu đỏ; trái phải đồng đều, sạch, hình dạng đẹp; vỏ có màu đỏ trên 70% diện tích quả; đặc biệt, “tai” của trái thanh long phải thẳng, dày, cứng, có màu xanh và dài trên 1,5cm.
Chính vì thị trường khắt khe nên đòi hỏi người trồng phải ứng dụng công nghệ mới trong quá trình trồng và chăm sóc thanh long như chiếu sáng bằng đèn led tiết kiệm năng lượng, các giải pháp thâm canh tiên tiến, áp dụng công nghệ sinh học, đầu tư hệ thống tưới tự động. Hiện người dân trồng thanh long trên địa bàn xã Bàu Đồn đều áp dụng rất thuần thục kỹ thuật sản xuất theo hướng chất lượng cao.
Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh cũng đã tìm hiểu, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Duy Linh, kỹ sư nông nghiệp làm việc tại trang trại dưa lưới của Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh ở khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn cho biết, mô hình trồng dưa lưới ban đầu có tổng diện tích 1.000m2, với 2.500 gốc. Trọng lượng đạt 1,2 - 2kg/trái, chất lượng ngon, ăn ngọt, đậm vị và hoàn toàn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là, sản phẩm an toàn được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước nên dưa lưới bán được với giá từ 50.000 đến 65.000 đồng/kg. Theo ông Linh, mô hình trồng dưa lưới được áp dụng tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà kính vừa giúp cây trồng chắn mưa, vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí sản xuất vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện trang trại này đang mở rộng diện tích thêm 1.000m2 trồng dưa lưới công nghệ cao để phục vụ thị trường.
Ông Trần Thanh Tân- Phó Chủ tịch phường Ninh Sơn nhận định, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nội dung hết sức quan trọng. Hy vọng rằng những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển, và không chỉ dừng lại trên cây dưa lưới mà có thể mở rộng trên nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn.
Dưa lưới được áp dụng trồng trong nhà kính bảo đảm quy trình sản xuất theo công nghệ cao.
Thay đổi tư duy
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ không có ý nghĩa gì nếu không theo đuổi mục đích tạo ra được thực phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Hiện nay, vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc trong dư luận và đặc biệt gây nguy cơ ngộ độc cao cho con người. Từ đó, đòi hỏi người trồng phải thay đổi tư duy theo hướng cải tiến quy trình sản xuất an toàn, bền vững, bảo đảm lợi ích của người dân.
Hợp tác xã (HTX) giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cũng đang thực hiện mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn và bền vững, tạo ra sản phẩm hữu cơ thân thiện với con người và môi trường, hiện HTX đang triển khai trồng thí điểm mô hình sản xuất lúa sạch theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 1.000m2.
Ông Nguyễn Văn Nhành, chủ nhiệm HTX cho biết, trong vụ Hè Thu 2017, Công ty Sơn Vĩnh Long đã ký kết hợp đồng với HTX sản xuất 10 ha lúa hữu cơ với 24 thành viên tham gia. Việc sản xuất lúa hữu cơ là một tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp, đó là trong quá trình sản xuất lúa, nông dân thực hiện mô hình không sử dụng phân hoá học như Urê, DAP mà chỉ sử dụng phân hữu cơ để hạ phèn, giải độc hữu cơ trong đất.
Theo ông Nhành, chi phí sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ rất thấp. Với đất trồng lúa, theo phương pháp hữu cơ chỉ chi khoảng 250.000 đồng/1.000m2 (gồm 120.000 đồng giống, 130.000 đồng phân hữu cơ). Mặc dù năng suất lúa hữu cơ bình quân chưa cao, nhưng bù lại, nông dân bán được giá cao hơn so với lúa thường.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho rằng, quá trình canh tác nông nghiệp sạch không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm mà còn đưa người dân tới gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, người nông dân đưa bản thân mình từ “nông dân nhỏ” thành “nông dân lớn”, hộ nông dân đơn lẻ thành những hộ trong chuỗi liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất. Thực tế cho thấy, đây là một hướng đi đúng nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ là đưa máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mà còn quản lý và vận hành nền sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng xâm nhập vào các thị trường trên thế giới. Để làm tốt điều này, ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu, đối tượng sản xuất rõ ràng, đồng thời phù hợp với trình độ, tập quán cũng như kỹ năng của người nông dân.
Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng nhiều nông dân còn xa lạ với khái niệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời việc tiếp cận với các thông tin khoa học công nghệ còn hạn chế. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2017, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, giúp nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hoá an toàn và bền vững.
THANH NHI