Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với nhận thức của nông dân, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến áp dụng khoa học kỹ thuật, hy vọng trong thời gian tới, nông dân sẽ thay đổi cách thức sản xuất truyền thống…
Nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất theo phương pháp truyền thống trước đây (ảnh minh hoạ).
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư nông nghiệp không thể thay thế trong việc chống lại các loại sâu, bệnh hại giúp cây trồng phát triển khoẻ mạnh, gia tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Nhưng sử dụng thuốc BVTV như thế nào để vừa bảo vệ cây trồng, vừa bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, cân bằng sinh thái là vấn đề quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Phụ thuộc vào thuốc BVTV
Không thể phủ nhận vai trò của các loại thuốc BVTV trong quá trình phát triển nông nghiệp nước ta, trong đó có việc bảo vệ cây trồng, ngăn chặn các loại sâu, bệnh hại, giúp gia tăng năng suất. Tuy nhiên, thói quen sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp của nhiều nông dân cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng không mong muốn tới sức khoẻ cộng đồng và môi trường.
Để làm cỏ vườn cây ăn trái của gia đình, thay vì dùng máy cắt, anh L.T.M, ngụ ấp Phước Tây, xã Long Phước, huyện Bến Cầu lại phun thuốc “khai hoang” vì theo anh, nếu cắt cỏ thì chỉ sau vài ngày cỏ lại lên, còn tốt hơn lúc chưa cắt. Trong khi đó, chỉ cần phun thuốc diệt cỏ chừng một tuần, cỏ bắt đầu chết từ lá, thân rồi đến cả gốc. Như vậy chỉ cần cực một lần mà đến hai, ba tháng nữa cỏ mới mọc lại.
Còn đối với ông H- một nông dân trồng ớt tại ấp Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, những năm gần đây, cây ớt thường bị bệnh thối trái, nên nông dân buộc phải phun thuốc thường xuyên.
Thường thì sau mỗi đợt thu hoạch phải phun một lần, sau đó khoảng ba đến bốn ngày lại thu hoạch đợt tiếp theo. Nhiều trái ớt sau khi thu hái vẫn còn bám bụi trắng, người hái phải đem đi rửa lại bằng nước rồi mới bán cho thương lái.
Sản xuất nông nghiệp sạch cần hạn chế thuốc BVTV
Hiện nay, phong trào nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng “sạch” ngày càng chiếm ưu thế.
Ông Nguyễn Văn Lập, một nông dân ở ấp Xóm Lò, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, nhiều năm qua, vườn cây thanh long hơn 1 ha của gia đình ông được các thương lái thu mua mang về Long An chiếu xạ để xuất khẩu.
“Sản xuất sạch không phải là không dùng đến thuốc BVTV, mà là phải biết dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng thời điểm, hay nói cách khác theo các cán bộ nông nghiệp là phương pháp 4 đúng”- ông Lập nói.
Một nông dân tại ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, gia đình ông có hơn 1,5 ha bưởi hơn 4 năm tuổi, để chăm sóc vườn cây, ông sắm một chiếc máy cắt cỏ để cắt vì theo ông, chỉ cần nhổ sạch cỏ quanh gốc cây để khi bón phân, cỏ không tranh hút dinh dưỡng với cây, còn cỏ mọc bên ngoài giữ lại, khi cỏ cao mặt đất khoảng 30cm ông mới cắt, phơi nắng, sau đó gom lại ủ vào gốc cây bưởi, làm phân hữu cơ cho cây.
Theo một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sản xuất nông nghiệp sạch đang là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Trong đó, không phải sạch là không sử dụng thuốc BVTV mà là sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, bao gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách.
Tại Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, nhằm hướng dẫn nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức 48 lớp tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tác “4 đúng” cho nông dân 9 huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, 25 lớp cho nông dân trồng lúa, 5 lớp trồng rau, 12 lớp trồng cây ăn quả, 6 lớp trồng mì.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với mục tiêu phấn đấu xây dựng 700 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 6 huyện lúa trọng điểm của tỉnh, Trung tâm Khuyến đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế Thị xã tuyên truyền vận động, hiện nay đã có 202 hộ dân đăng ký tham gia VietGAP trên tổng diện tích 245 ha với tổng kinh phí 980 triệu đồng, đã trình Sở Nông nghiệp và PTNT xin chủ trương phê duyệt đấu thầu để triển khai trong vụ Đông Xuân 2020-2021.
Đơn vị dự kiến tổ chức 4 cuộc hội thảo chuyên đề; 7 lớp tập huấn kỹ thuật (4 lớp về sản xuất lúa giống và 3 lớp về kiểm định đồng ruộng); 3 cuộc hội thảo đầu bờ hỗ trợ thành lập các cơ sản xuất lúa giống; xây dựng kế hoạch thực hiện 75 ha nhân giống lúa nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong vụ đầu; xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 300 ha để chuyển giao tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật sản xuất, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình trồng thâm canh chuối diện tích 10 ha; trồng thâm canh mít diện tích 5 ha; sản xuất mãng cầu 2 ha.
Từ những mô hình trên, giúp người nông dân hiểu và áp dụng các quy trình sản xuất theo khoa học kỹ thuật, hạn chế tình trạng nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen.
Nhiều nông dân đã tham gia cùng doanh nghiệp trồng mãng cầu theo mô hình VietGAP để tiến tới sản xuất nông nghiệp sạch.
Thời gian qua, đơn vị cũng đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn tiếp tục thành lập các nhóm nông dân chuyên sản phẩm qua Zalo để tiện lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các thành viên với cán bộ kỹ thuật.
Từ đó, cán bộ kỹ thuật ngành Khuyến nông và Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn, trao đổi thông tin cho nông dân qua mạng xã hội Zalo; cũng như nông dân với nông dân trao đổi thông tin cho nhau trong việc sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.
Với nhận thức của nông dân, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến áp dụng khoa học kỹ thuật, hy vọng trong thời gian tới, nông dân sẽ thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thực hành nông nghiệp tốt để đưa ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm sức khoẻ cho chính nông dân và người tiêu dùng.
Minh Dương - Thế Nhân