Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Nông dân luôn thua thiệt khi gặp phải phân bón kém chất lượng, vì cơ sở bán lẻ sẵn sàng “phủi” trách nhiệm, nhà sản xuất thì giải thích theo kiểu quanh co, chống chế… Cho dù khó khởi kiện, tôi vẫn muốn lên tiếng để bà con thận trọng hơn trong việc sử dụng phân bón”, đó là tâm trạng bức xúc của anh Lê Tấn Đông, ngụ tổ 1, ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên.
Ông Long chỉ những hạt phân bón lót cách nay khoảng 15 tháng vẫn còn nguyên hình dạng và màu sắc.
Phân bón khó tan?
Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận được đơn của anh Lê Tấn Đông, nội dung đơn trình bày về việc anh nghi ngờ một loại phân bón kém chất lượng, tỷ lệ phần trăm các chất được in trên bao bì sản phẩm không đúng so với thực tế. Theo đơn, vào ngày 4.10.2016, gia đình anh có mua 1 bao phân bón nhãn hiệu Siêu Lúa Te 02 tại một cơ sở bán lẻ tên M.T gần nhà (thật ra là 7 bao nhưng vì có 6 bao trả tiền mặt nên không lưu sổ- theo lời anh Đông). Bao phân có trọng lượng 50kg, sản phẩm dạng viên nhiều màu sắc.
Trên bao bì có in rõ do Công ty cổ phần Nông nghiệp Tinh Hoa (C5/181A, Vườn Thơm, tổ 5, ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất. Trên vỏ bao còn in cụ thể thành phần các chất như sau: Total Nitrogen (N- đạm) 20%, Phosphoric (P2O5- lân) 2%, Soluble Potash (K2O- Kali) 22%, Xilic Oxide (SiO2) 5%; trung vi lượng Mg, Ca, Cu, Zn, Bo… (dạng vết), kèm theo những dòng chữ quảng cáo phân chuyên dùng bón cho lúa rước đòng, giúp lúa cứng cây chống đổ ngã, đòng to, trổ đều, trổ thoát, bông lớn, chắc hạt, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.
Sau khi bón phân cho cây lúa, anh Đông phát hiện loại phân này hoà tan trong nước rất ít, đa phần còn lại không tan, mặc dù phân đã được bón xuống ruộng lúa khá lâu. Anh còn cho biết, phân càng lâu tan hơn khi đem bón trên đất đồng hay trong các chậu kiểng (có tưới nước hằng ngày), khoảng 3 đến 4 tháng vẫn không tan.
Người sử dụng sản phẩm sinh nghi, đem sự việc bất thường này phản ánh với chủ cơ sở M.T. “Thật đáng buồn khi người bán phân bón không quan tâm gì đến thắc mắc của khách hàng, lại còn phát biểu “cứ việc đi khiếu nại”. Phía công ty sản xuất có cử nhân viên lên giải thích rằng, chất lâu tan đó nhằm duy trì lượng phân cần thiết cho cây trồng hấp thu từ từ”- anh Đông bức xúc kể lại.
Ấm ức với cách giải thích như trên, anh Lê Tấn Đông quyết tâm đi tìm nguyên nhân phân bón khó tan, bởi lúc đó cây trồng của anh đang “ăn chay” thấy rõ. May mắn thay, anh vẫn còn chừa lại một ít phân Siêu Lúa Te 02 dự định để rải bù vào những chỗ trước đó bón chưa đều. Anh đã tự lấy mẫu gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (số 49, đường Pasteur, quận 1, TP.HCM) để thử nghiệm.
Kết quả như sau: hàm lượng nitơ (N) tổng, % (m/m) là 19,4; hàm lượng phốt-pho hữu hiệu tính theo oxít phốtphoric (P2O5), % (m/m) đạt 1,96; hàm lượng kali hữu hiệu tính theo oxít kali (K2O), % (m/m) đạt 18,3; hàm lượng silíc tính theo oxít silic (SiO2), % (m/m) là 15. Như vậy, có thể so sánh các chất N, P2O5, K2O đều không đủ so với chỉ số được in trên bao bì. Riêng chất SiO2 (thường gọi là thạch anh, cao lanh hay đất sét) vượt gấp 3 lần so với chỉ số trên bao bì.
Nông dân tên Lương Chí Thanh, ngụ tổ 3, ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên cũng gặp phải tình trạng tương tự. Anh Thanh nhớ lại, cách nay khoảng 1 năm, anh có mua 9 bao phân bón nhãn hiệu “Phân bón cao cấp NPK 16- 16- 8 + Te” tại cơ sở M.T để về bón cho vườn mãng cầu.
Trên vỏ bao phân có in thông tin của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tinh Hoa sản xuất. “Sau khi ông chủ M.T vào tận vườn mãng cầu để kiểm tra, dường như ông đã thông cảm. Khoảng vài ngày sau, có người đến nhà tôi và tự giới thiệu là giám đốc của công ty sản xuất phân bón, người này cũng vào tận vườn mãng cầu để thị sát. Cuối cùng, vị khách lạ mặt đã đồng ý chở 9 bao phân khác đến giao cho gia đình tôi mà không tính phí”- anh Thanh kể lại.
Một nông dân khác tên Nguyễn Văn Long (ngụ tổ 30, ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) cũng đang rất bức xúc về chuyện phân bón kém chất lượng. Ông Long đã vào nhà lấy ra cái vỏ bao mang nhãn mác “Phân bón cao cấp NPK 14- 8- 6 + Te”, trên bao bì có in rõ tên và địa chỉ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tinh Hoa. Trước đó, ông đã mua nhiều bao phân loại này tại cơ sở M.T về bón cho cây mía.
Nhằm minh chứng cho lời nói, ông Long còn dẫn chúng tôi ra tận ruộng mía để chỉ những hạt phân bón “khó tan”. Ông trình bày: “Tôi bón lót (bón xong cày đất lấp lại) loại phân trên từ vụ mía năm ngoái, cách nay khoảng 15 tháng. Vậy mà vừa qua trong quá trình vun rò cho vụ mía mới, tôi lại phát hiện phân đã bón hơn một năm trước vẫn còn hiện hữu. Chẳng những hình dạng sản phẩm khá còn nguyên, mà màu sắc cũng không phai đi nhiều”. Ông còn lưu ý, vụ mía vừa rồi có thời điểm ruộng bị ngập úng khoảng 0,5m nước, vậy mà phân bón vẫn không chịu tan.
Lỡ mua ráng chịu
Trên thực tế, không chỉ có 3 nông dân kể trên sử dụng các loại phân bón khó tan kiểu tương tự. Anh Đông nêu nhận xét tình hình chung hiện nay: “Nghiệt nỗi, đa số bà con đều mua phân theo hình thức bao vụ (mua thiếu từ đầu vụ) nên không ai dám lên tiếng vì sợ bị “cắt” không bán nữa.
Mặt khác, người mua đang ở thế mắc nợ nên cũng không dám yêu cầu chỉnh sửa khi bên bán ghi sai tên mặt hàng, chỉ cần đúng với số tiền đang nợ thì cứ thế mà trả. Những trường hợp mua trả tiền liền lại không để ý đến chuyện lấy hoá đơn, chứng từ mua bán. Trong khi hầu hết nông dân sau khi mua vật tư về đều sử dụng hết, ít ai đề phòng đến chuyện bất trắc mà chủ động lưu mẫu để đòi quyền lợi sau này.
Thế nên, nếu gặp phải trình trạng “lỡ” mua nhầm phân bón kém chất lượng thì coi như… ráng chịu”. Anh Đông dẫn chứng cụ thể, vào ngày 4.10.2016, anh có mua 1 bao Siêu Lúa Te 02 với giá 545.000 đồng, nhưng trong bảng kê chi tiết hoá đơn bán hàng của cơ sở M.T lại in là NPK lúa 2 (20-2-22)TH. Với chứng từ này, bên mua khó mà “bắt bẻ” bên bán khi loại phân bón thực dùng có vấn đề.
Ông Long phân tích thêm: “Bón phân trên mặt đất còn có thể phát hiện được phân tan hay không, chứ nếu như bón lót cho cây mì, cây mía hay đậu phọng… thì chỉ có trời biết, đất biết. Thậm chí, may mắn phát hiện ra như vụ mía của tôi vừa rồi cũng chẳng đủ cơ sở pháp lý để đòi bồi thường.
Bởi lẽ, một bao phân có giá hơn 500.000 đồng, mua xong mình lo sử dụng liền, sử dụng hết cho kịp thời vụ, chứ hiếm có ai mạnh vốn trữ phân lại để làm bằng chứng. Trong khi, tôi mua trả tiền liền nên không nghĩ đến chuyện lấy hoá đơn, chứng từ hay lưu sổ nợ. Thực tế, nếu bên bán cố tâm trở mặt không thừa nhận việc bán phân cho tôi thì…cũng đành chịu thua”.
Qua trao đổi với cơ quan chức năng, tình huống của những nông dân nói trên khó có cơ sở pháp lý để yêu cầu bên bán cũng như đơn vị sản xuất bồi thường thiệt hại. Bởi cả bên bán và bên mua đều không còn các loại phân này, chứng từ mua bán lại thiếu thuyết phục.
Ông Nguyễn Văn Long (đội nón) cùng anh Đông kể lại vụ việc tại ruộng mía.
Ông Trương Quang Ty, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 (huyện Tân Biên) cho biết: “Theo đơn phản ánh của anh Lê Tấn Đông, chúng tôi đã đến làm việc với cơ sở M.T, nhưng hiện tại ở đây không còn bán loại phân như phản ánh. Sản phẩm lưu của anh Đông cũng không còn được nguyên vẹn. Nên việc anh tự lấy mẫu đi thử nghiệm, kết quả chỉ mang tính chất tham khảo”.
Nông dân Lê Tấn Đông trần tình: “Chi phí đem mẫu xuống tận thành phố Hồ Chí Minh để thử nghiệm đã cao hơn giá trị 1 bao phân rất nhiều, lại phải bỏ công ăn việc làm, chẳng lẽ tôi cố tình nguỵ tạo bằng chứng cốt để được bồi thường, hoặc gây khó cho người bán và công ty sản xuất hay sao? Vấn đề tôi muốn là khi gặp tình huống này, các bên cần phải xử lý theo hướng cầu thị, tránh để khách hàng có cảm giác bị “bỏ rơi”, mặt khác cũng là cảnh giác và để bảo vệ quyền lợi cho nông dân chúng tôi”.
Chúng tôi gọi vào số điện thoại đường dây nóng được in trên vỏ bao bì, gặp ông Trần Văn Đông, qua trao đổi được biết ông là Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tinh Hoa. Ông Trần Văn Đông lưu ý: “Bên tôi vẫn chưa nhận được kết quả thử nghiệm mẫu phân bón từ phía người phản ánh.
Tuy nhiên, nếu nói ảnh hưởng đến năng suất cây trồng thì ảnh hưởng như thế nào, kết quả thử nghiệm mẫu có đúng với quy trình hay không? Theo đó, sản phẩm khi lấy mẫu phải còn nguyên vẹn, đúng số lượng cần lấy, người lấy mẫu phải được đào tạo chuyên môn, có sự chứng kiến của cơ quan chức năng, nếu không bảo đảm đúng quy trình thì kết quả thử nghiệm sẽ không được chấp nhận”.
Qua vụ việc nông dân nghi ngờ phân bón kém chất lượng, ông Châu Thanh Long- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh khuyến cáo: “Thị trường phân bón trong tỉnh hiện nay khá đa dạng, bà con nên tìm mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín.
Đồng thời, cần thiết phải lưu lại các chứng từ liên quan đến mặt hàng, kiểm tra và đối chiếu kỹ tên vật tư trong bảng lưu thống kê chi tiết của cả bên bán và bên mua. Khi nghi ngờ sản phẩm có vấn đề (bán giá quá cao, hàng giả, nhái, kém chất lượng) phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý”. Phó Chi cục trưởng còn nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở phân bón trên toàn tỉnh.
Minh Quốc