Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Truông Mít:
Nông dân trông chờ những lối đi ngang kênh T12-15
Thứ bảy: 06:45 ngày 23/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Làm nông, cần phải thường xuyên vào ruộng để xịt thuốc, bón phân, thu hoạch vụ mùa... việc qua lại giữa đôi bờ kênh tiêu là rất cấp thiết, mong cơ quan chức năng sớm khôi phục những lối đi ngang kênh để bà con được thuận tiện, an tâm sản xuất” - một nông dân nêu ý kiến.

Bà con có ruộng giáp với bờ hữu đoạn đầu kênh tiêu đang sử dụng cầu khỉ để qua kênh.

MONG MỎI LỐI QUA KÊNH

Kênh tiêu T12-15 có chiều dài khoảng 4km, bắt đầu từ đường tỉnh 784 thuộc địa bàn ấp Thuận Bình, xã Truông Mít đến ấp Lộc Trung, xã Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu). Kênh tiêu này dẫn nước đổ dồn về một con kênh tiêu khác có tên là T12A, sau đó, cùng hợp dòng chảy xuống Suối Nhánh rồi tiêu luồn qua kênh Đông. Vừa qua, kênh T12-15 được ngành chức năng cho nạo vét nhằm khơi thông dòng chảy, đắp đất lên hai bên bờ để bà con tận dụng làm đường đi, vận chuyển nông sản.

Kênh T12-15 có vai trò rất quan trọng trong việc thoát nước cho nhiều cánh đồng rộng lớn tại khu vực Xóm Giữa, Bàu Sỏi, Đường Xe Sâu, Bàu Láng. Kể cả các cánh đồng giáp với bờ tả kênh N4 nằm cách xa hơn 1km cũng tiêu nước về kênh T12-15. Ngoài ra, phần lớn diện tích nông nghiệp thuộc khu vực Bàu Tràm (giáp kênh Đông) cũng thoát nước về đoạn cuối kênh tiêu T12-15. Người dân vô cùng phấn khởi khi dòng kênh nêu trên được nâng cấp.

Thực tế, kênh T12-15 chỉ có bờ tả là có thể tận dụng làm đường giao thông. Bờ hữu ngay tại vị trí tiếp giáp với đường 784 đã bị bít lối do vướng một phần căn nhà tường của một hộ dân. Hơn nữa, suốt bờ hữu có nhiều đoạn không bằng phẳng, một số chỗ còn bị cản trở lối đi do người dân trồng cây cận bờ. Hiện tại, những cống ngang kênh tại các vị trí giao nhau với đường xe nội đồng chỉ còn cống gần cuối kênh là sử dụng được (cống Lộc Trung).

Mặt khác, nhằm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong quá trình nạo vét, đơn vị thi công đã cho móc lên hết các cống ngang kênh do người dân tự đặt trước đó. Việc này, tạm thời gây tắc “đường giao thông” qua lại giữa đôi bờ. Cũng từ đây, một số nông dân làm ruộng phía bờ hữu kênh tiêu đã phát sinh nhiều ý kiến thắc mắc, so bì, thậm chí bức xúc. Nhất là khoảng 2 tháng nay, khi mọi người không còn thấy đơn vị thi công hoạt động nạo vét kênh T12-15.

 “Sau khi kênh tiêu được nạo vét xong, vì sao nhiều nông dân làm ruộng đoạn cuối kênh được cho đặt cống trở lại, còn đoạn đầu kênh thì không? Việc để cho người làm ruộng đoạn đầu kênh phải dùng cầu khỉ qua kênh là không công bằng, mất an toàn, khó vận chuyển nông sản.

Công việc đồng áng cần phải thường xuyên vào ruộng để xịt thuốc, bón phân, thu hoạch vụ mùa... nên nhu cầu lưu thông qua lại giữa đôi bờ kênh tiêu là cấp thiết từng ngày, rất mong cơ quan chức năng sớm khôi phục những lối đi ngang kênh để bà con an tâm sản xuất. Thêm nữa, tại sao chỉ có bờ bên tả là được thi công bạt vỗ mái chắc chắn thẳng đẹp, trong khi nhiều đoạn bờ bên hữu lại để nham nhở, lồi lõm?”, một nông dân nêu ý kiến.

Quan sát thực tế vào ngày 20.2, chúng tôi tạm chia đoạn đầu kênh tiêu tính từ đường 784 đến khu vực Bàu Sỏi, đoạn cuối từ Bàu Sỏi đến Bàu Tràm. Theo đó, quả đúng là đoạn cuối kênh T12-15 đang có 3 đường cống ngang kênh do người dân tự đặt lại và 1 cống của Nhà nước đầu tư xây lắp trước đây và hiện vẫn còn đang sử dụng tốt (tức cống Lộc Trung). Trong khi, bà con làm ruộng giáp bờ hữu đoạn đầu kênh tiêu hầu như toàn sử dụng cầu khỉ.

Thực ra, đoạn đầu kênh tiêu từ đường 784 vào khoảng 300m cũng có 1 cống do Nhà nước lắp đặt (cống Ông Chín) nhưng hiện tại không sử dụng được do đã xuống cấp. Ngoài ra, từ cống Ông Chín đi về phía hạ lưu hơn 1km còn có một cống khác do người dân đặt cách nay khá lâu là cống Bảy Hưu, bà con tuyệt đối không dám qua lại, vì cống này đã bị sạt lở rất nghiêm trọng, nguy hiểm. Rõ ràng, đoạn đầu kênh tiêu với chiều dài khoảng 2km chỉ còn lại hai cống vừa nêu và cũng không thể sử dụng được, vì thế, người dân chỉ còn cách qua kênh bằng cầu khỉ.

Giải thích nguyên nhân vì sao ở đoạn cuối kênh tiêu có 3 cống của người dân được cho đặt trở lại, ông Trần Như Thạch - Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Thuỷ lợi huyện Dương Minh Châu cho biết, trong quá trình thi công nạo vét kênh, chỉ trừ những cống tại ngã tư giao nhau với đường xe nội đồng (cống Ông Chín, Bảy Hưu, Lộc Trung) là chưa được móc lên, vì đây là các cống mà sắp tới Nhà nước sẽ đầu tư nâng cấp. Riêng số cống do người dân tự đặt, đơn vị thi công đều móc lên hết để bảo đảm tiến độ và yêu cầu kỹ thuật.

“Tuy nhiên, một số hộ dân có ruộng ở khoảng giữa đoạn cuối kênh đã gửi đơn xin tạm thời cho đặt lại 3 cống để làm đường vận chuyển trái nhãn đang cận ngày thu hoạch. Xét thấy nhu cầu vận chuyển nông sản của bà con là có thật và đang trong tình thế cấp bách, nên đơn vị quản lý kênh mới tạm cho đặt lại 3 cống ấy. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, sau khi người dân thu hoạch vụ nhãn xong thì các cống này cũng sẽ bị móc lên để đặt đúng theo vị trí khảo sát của cơ quan chức năng.

Riêng về nội dung phản ánh còn nhiều đoạn bờ hữu kênh tiêu chưa được bạt vỗ mái… nguyên nhân có thể là do những đoạn bờ đó máy móc nạo vét bị hạn chế về không gian hoạt động (bị vướng tài sản của người dân, nhất là cây trồng cận bờ). Mặt khác, công trình nâng cấp kênh T12-15 vẫn chưa được nghiệm thu và bàn giao, chúng tôi sẽ nhắc nhở đơn vị thi công về nội dung phản ánh này”- ông Thạch nói.

CẦN MỘT GIẢI PHÁP KHẢ THI

Theo ông Trần Như Thạch, Xí nghiệp Thuỷ lợi huyện Dương Minh Châu đã nhận được 15 đơn xin đặt cống ngang kênh. Qua khảo sát thực tế, ngoài việc phải đầu tư nâng cấp những cống tại các điểm giao nhau với đường xe nội đồng, chỉ có thể cho đặt thêm 3 cống, ưu tiên những điểm có nhiều người qua lại.

Cụ thể, tại khoảng giữa cống Ông Chín và Bảy Hưu sẽ cho đặt một cống, khoảng giữa cống Bảy Hưu và kênh tiêu T12A được đặt thêm một cống nữa, cống cuối cùng nằm khoảng giữa kênh T12A và cống Lộc Trung. Những cống được giải quyết theo đơn, bà con phải tự đóng góp kinh phí. Đồng thời, việc thi công lắp đặt cũng phải được thực hiện theo hướng dẫn về mặt kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Khó khăn là, nếu các cống được lắp đặt theo đúng thiết kế kỹ thuật, chi phí sẽ khá cao, khoảng 100 triệu đồng/cống ngang kênh.

Phóng viên thăm dò ý kiến của một số hộ dân tại khu vực Xóm Giữa, hầu hết bà con đều cho biết không đủ khả năng đóng góp số tiền lớn như thế. Người dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đưa ra giải pháp khác khả thi hơn. Trường hợp nếu phải lắp cống theo đúng kỹ thuật thì rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ thêm của Nhà nước.

Trước mắt, ông Thạch tạm đưa ra giải pháp chỉ nâng cấp các cống giao nhau với trục đường xe chính nội đồng (kinh phí do Nhà nước đầu tư), sau đó dùng máy cào bằng phẳng lối đi hai bên bờ kênh T12-15. Nếu làm theo cách này, bà con phải chịu khó đi vòng một đoạn để qua cống ngang kênh nhưng không phải tốn nhiều chi phí. Thật ra, trước đây người dân cũng lưu thông qua lại giữa hai bờ kênh theo cách vừa nêu, sau này mới phát sinh việc người dân tự ý đặt nhiều cống ngang kênh.

Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, hoàn toàn không có chuyện “nặng nhẹ” về nhu cầu đặt cống giữa người dân đoạn đầu và đoạn cuối kênh, mà bà con muốn đặt cống phải làm đơn xin để được xem xét, tránh trường hợp tự ý thả nhiều cống ngang kênh như trước đây, gây ách tắc dòng chảy.

Ông Thanh góp ý về một giải pháp nhằm tiện việc lưu thông ngang kênh cho người dân, đó là bắc cầu tạm tại các vị trí cống đã được chọn, đồng thời cùng kết hợp theo cách của ông Thạch. Theo đó, để tiết kiệm chi phí, cầu tạm bê tông chỉ được thiết kế nhỏ gọn. Tất nhiên, cầu tạm chỉ dùng cho người đi bộ và xe hai bánh tải trọng nhẹ, phương tiện cơ giới nặng tải vẫn phải đi vòng qua cống của Nhà nước.

“Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng làm việc với người dân trong một cuộc họp cụ thể, nhằm thống nhất hướng giải quyết về lối đi ngang kênh để bà con an tâm sản xuất nông nghiệp”, ông Thanh cho hay.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục