Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tuy mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng mô hình trồng nấm bào ngư của nông dân xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu) đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân địa phương.
Nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng khá cao, được nhiều người tiêu dùng chọn làm món ăn hằng ngày; hơn nữa, đây là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, chi phí đầu tư không lớn, lại nhẹ công chăm sóc. Tuy mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng mô hình trồng nấm bào ngư của nông dân xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu) đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân địa phương.
Ông Phan Huy Hải- Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư ấp Thuận Tâm đang thu hoạch nấm.
Ông Phan Huy Hải, ngụ ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu)- Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư ấp Thuận Tâm là một trong những người tiên phong với mô hình trồng nấm bào ngư, có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Hải chia sẻ, gia đình ông có truyền thống làm nghề nông, trước đây, ông thường trồng thuốc lá vàng, trồng lúa, nuôi bò thịt. Những năm gần đây, tình hình sản xuất, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá cả nông sản bấp bênh, thường xuyên thua lỗ nên từ tháng 5.2023, ông quyết định tận dụng diện tích chuồng bò của gia đình để cải tạo lại thành nơi trồng nấm bào ngư. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm khoảng 2.000 bịch phôi nấm bước đầu mang về thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, từ những kinh nghiệm thực tế, ông đã từng bước mở rộng mô hình và chuyển giao cho nhiều hộ cùng trồng.
Theo ông Hải, nấm bào ngư rất dễ trồng, ít tốn công, dễ chăm sóc, phù hợp với những người lớn tuổi, vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi của gia đình, chi phí bỏ ra ít nhưng cho thu hoạch liên tục trong vòng 5 tháng. Từ khi trồng cho tới khi thu hoạch mất khoảng 75 ngày. Cứ 15 ngày thu hoạch 1 lần, mỗi đợt thu hoạch từ 100 - 190 kg. Theo ông Hải tính toán, với giá nấm bào ngư trên thị trường từ 45.000 - 50.000/kg, người trồng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nguồn phôi nấm cũng không khó tìm, phôi nấm sau khi mua đem về để lên meo khoảng 2 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra và tưới nước cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới nước từ 1-2 lần. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tiến hành tháo nút, khi thu hoạch nấm xong sẽ tiến hành vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại, tiếp tục tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu thu hoạch lứa tiếp theo. Đặc biệt, nấm bào ngư thu hoạch vào sáng sớm nhằm bảo đảm nấm được tươi và bán cho thương lái được giá cao.
Được sự vận động của Hội Nông dân xã Lợi Thuận, ông Phan Huy Hải cùng 5 hộ trồng nấm bào ngư tại ấp Thuận Tâm đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư ấp Thuận Tâm với khoảng 20.000 phôi nấm, mỗi tháng chia làm 4 đợt thu hoạch vào những ngày chay để bán được giá cao.
Khoảng 3 tháng nay, gia đình anh Nguyễn Út Lùng ở ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm bào ngư sạch trên kệ trong nhà.
Với 7 kệ, anh trồng 3.500 bịch phôi nấm bào ngư, từ khi chất các bịch phôi lên kệ đến khi thu hoạch dứt điểm là hơn 3 tháng. Mỗi lần, một bịch phôi cho thu hoạch 100g nấm bào ngư xám sạch. Với 3.500 bịch phôi, mỗi ngày anh thu hoạch từ 7 - 10kg nấm thương phẩm, bán với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Mỗi tháng, anh có được lợi nhuận ổn định trên 15 triệu đồng.
Anh Út Lùng cho biết, trước đây anh làm công nhân, lương mỗi tháng chưa đến 10 triệu đồng, lại không có thời gian lo cho gia đình, từ khi chuyển sang trồng nấm bào ngư, anh nhận thấy đây là một hướng đi đúng, giúp phát triển kinh tế gia đình ổn định, lại có điều kiện chăm lo cho gia đình nhiều hơn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi Thuận cho biết, thực hiện chuyên đề “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, thời gian qua, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình là mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình ông Phan Huy Hải và các hộ dân tại ấp Thuận Tâm. Dù đây là mô hình còn tương đối mới trên địa bàn, nhưng được nhiều nông dân áp dụng thực hiện thành công, giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình, tháng 2 năm 2024, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư ấp Thuận Tâm với 6 thành viên, do ông Phan Huy Hải làm tổ trưởng. Nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ đầu tư sản xuất, Hội Nông dân xã Lợi Thuận đã thực hiện giải ngân số tiền 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 2 hộ là thành viên Tổ hợp tác. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Cầu giải ngân số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho các hộ trong tổ có vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ có kế hoạch cụ thể tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo điều kiện để nông dân của xã phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Nguyễn Thái Bình- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu cho biết, với điều kiện đất đai, khí hậu tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mô hình trồng nấm bào ngư tại ấp Thuận Tâm đã và đang mở ra hướng đi mới, giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Bến Cầu cùng với Hội Nông dân xã tiếp tục triển khai các chính sách để hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn tìm đầu ra ổn định, giúp các hộ yên tâm sản xuất.
Minh Dương