Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ Đông Xuân 2017-2018:
Nông dân xuống giống lúa trễ do nước rút chậm
Thứ bảy: 08:56 ngày 16/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vì nước rút chậm nên nông dân xuống giống đúng thời vụ chỉ chiếm 5%. Với kinh nghiệm hơn 50 năm trồng lúa, ông Nguyễn Văn Leo, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất lúa ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam dự báo, trong vài ngày tới, mực nước lại tiếp tục dâng cao, có thể đến cuối tháng 11 âm lịch nước mới rút mạnh, lúc đó, nông dân mới xuống giống được.

Nông dân xã Tiên Thuận xuống giống bắp vụ Đông Xuân. Ảnh: Hùng - Dũng

Đến thời điểm này, mực nước trên đồng ruộng vẫn còn cao. Nước rút chậm, cộng thêm mưa đột ngột những ngày qua khiến tiến độ xuống giống vụ Đông Xuân 2017 - 2018 bị chậm hơn 1 tháng.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, huyện đã xuống giống vụ Đông Xuân ở các khu vực đất gò, diện tích khoảng 2.260 ha (đạt khoảng 10,22% so với kế hoạch). Trong đó, riêng diện tích cây lúa đã xuống giống khoảng 1.400 ha/13.000 ha kế hoạch vụ Đông Xuân 2017-2018.

Ở xã An Bình (Châu Thành), thời gian xuống giống còn tuỳ theo đặc điểm đất ruộng. Đối với đất gò sử dụng nước kênh thuỷ lợi, khoảng giữa tháng 11 âm lịch sẽ xuống giống. Còn ruộng bưng, tuỳ thuộc vào con nước, nước rút xuống lúc nào người dân sạ lúa lúc đó, thời gian xuống giống vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch và đầu tháng Chạp.

Chị Phạm Thị Nhuỵ Kiều, công chức phụ trách nông nghiệp - xây dựng - nông thôn mới của xã An Bình cho biết, đã có một số nông dân xuống giống lúa vụ Đông Xuân trên đất gò. Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2017-2018, xã An Bình xuống giống 1.190 ha lúa nhưng đến nay mới chỉ sạ được khoảng 60 ha.

Việc xuống giống trễ cũng có mặt lợi là đất ruộng được ngâm nước trong thời gian khá dài, rơm rạ đã phân huỷ, đất có thêm phù sa và nhiều tạp chất được rửa trôi nên cây lúa có điều kiện sinh trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân chưa quan tâm đến việc tiết giảm lượng giống gieo sạ, tốn 20kg giống/công đất do áp dụng phương pháp sạ lang.

Thế nhưng, việc xuống giống trễ cũng sẽ ảnh hưởng không tốt tới mùa vụ tiếp theo, nhất là vùng sản xuất lúa 3 vụ. Bên cạnh đó, rầy nâu và các loại dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất. Tình trạng nông dân nhiều nơi xuống giống không đồng loạt và không áp dụng lịch thời vụ cũng là điều đáng quan ngại.

Nước vẫn chưa rút trên cánh đồng.

Nhằm bảo đảm vụ Đông Xuân 2017-2018 được triển khai đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở lưu ý một số vấn đề: khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ sau khi thu hoạch vụ mùa, hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ, cày phơi ải bảo đảm thời gian cách ly nguồn bệnh (từ 2-3 tuần); tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; bón phân cân đối, không bón thừa đạm, nhất là trên những chân ruộng ngập nước, không sản xuất vụ mùa.

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để chủ động phát hiện dịch hại, nhất là đối với rầy nâu để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng cách, tránh ảnh hưởng đến chất lượng gạo; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tiêu thoát nước nếu mưa lớn.

NHI TRẦN - TRÚC LY

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục