Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trải qua 50 năm sau ngày giải phóng, từ một tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã từng bước khắc phục khó khăn, sản xuất nông nghiệp có những bước chuyển quan trọng, tạo nhiều dấu ấn với nhiều loại nông sản xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nhiều thành tựu
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết, với truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, sau ngày giải phóng miền Nam, Nhân dân Tây Ninh đã tập trung lao động sản xuất, bước đầu giải quyết được nạn đói, khắc phục tình trạng thiếu lương thực triền miên do hậu quả chiến tranh để lại.
Trải qua gần 40 năm đổi mới, trên cơ sở việc định hướng và thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển quan trọng, cơ bản đã hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến đặc biệt là lúa, mía, khoai mì, cao su, cây ăn trái...
Cụ thể, đến nay, tổng diện tích lúa của tỉnh đạt khoảng 145.500 ha, sản lượng 785.900 tấn/năm. Hầu hết các diện tích được áp dụng cơ giới hoá trên 90% từ khâu làm đất đến chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.500 ha mía, sản lượng đạt 573.750 tấn/năm, tỉnh có một nhà máy chế biến đường của Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa tại huyện Tân Châu với công suất 9.800 tấn mía cây/ngày. Trong năm 2025, có thêm một nhà máy chế biến mía đường tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, dự kiến đi vào hoạt động trong quý II.2025 với công suất 2.000 tấn mía cây/ngày.
Đối với cây mì, Tây Ninh hiện có diện tích vùng nguyên liệu hơn 62.020 ha, năng suất bình quân 33,7 tấn/ha, sản lượng trên 2,1 triệu tấn. Thời gian qua, người trồng mì trên địa bàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch, sử dụng các giống khoai mì không bị bệnh khảm lá giúp tăng năng suất, chất lượng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 nhà máy chế biến mì (chiếm 45,8% so với cả nước) với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm; trong đó có 8 nhà máy chế biến sâu, gồm 6 nhà máy sản xuất tinh bột biến tính và 2 nhà máy sản xuất mạch nha.
Riêng cây cao su, toàn tỉnh có diện tích khoảng 98.200 ha, sản lượng trên 190.096 tấn/năm. Hiện có 30 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất khoảng 500.000 tấn nguyên liệu/năm, các sản phẩm chế biến và tiêu thụ trong nước và các thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia…

Những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi các cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp được chuyển sang cây ăn trái các loại với khoảng 24.820 ha (sầu riêng, chuối, mãng cầu, bưởi, xoài…) và hơn 20.040 ha rau các loại. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã cấp: 62 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với khoảng 1.522 ha, trong đó, có 27 mã số vùng trồng xuất khẩu trên chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt với tổng diện tích 633 ha sang thị trường Trung Quốc, Australia, Châu Âu, New Zealand, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Cơ cấu chăn nuôi được chuyển dịch tích cực theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học; đặc biệt mô hình chăn nuôi trại lạnh, khép kín, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao phát triển nhanh. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm 81,5%. Hình thành 14 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ trên các sản phẩm nông sản thế mạnh, nhằm giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp và phát triển bền vững.
Thu hút, mời gọi đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tăng, nhanh nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần gia tăng quy mô chăn nuôi đàn gia cầm. Công tác lâm sinh tiếp tục thực hiện tốt, trồng mới trên 1.800 ha rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng lên 16,4%.
Hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&MT cho biết, sau năm 1975, để thực hiện tốt thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, tăng năng suất lúa và các loại cây trồng, Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp vận động quần chúng tham gia làm thuỷ lợi. Cuộc vận động trở thành phong trào sôi nổi trong Nhân dân. Quần chúng tham gia 47 vạn ngày công, đào đắp, nạo vét kênh mương trên 51 vạn m³ đất, lấy nước tưới tiêu cho 25.000 ha, biến nhiều cánh đồng 1 vụ lên 2-3 vụ lúa.
Sản lượng lương thực năm 1976 không những đủ cung cấp cho Nhân dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho Trung ương trên 8.500 tấn gạo, trên 1.000 tấn đậu phộng, 12.000 tấn mía cây và cung cấp hàng chục vạn con trâu, bò cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Tây Ninh là một trong những tỉnh có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao; phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 152.125 ha/3 vụ (khoảng 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó cấp nước tưới chủ động cho hơn 120.900 ha, đạt 80%); tiêu nước cho gần 97.000 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu m3/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp; các công trình đê bao ngăn lũ, cùng hệ thống tiêu thoát nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) phục vục nước tưới cho hơn 17.000 ha đất khu vực biên giới của hai huyện Châu Thành và Bến Cầu, hiện công trình đang thực hiện giai đoạn 2, bê tông hoá tuyến kênh chính và xây dựng hệ thống kênh thuỷ lợi tưới, tiêu cấp 1, 2 phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, việc xây dựng và đưa vào vận hành khai thác công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng là chính là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp của tỉnh, với diện tích 270 km2, dung tích lên đến 1,58 tỷ m³, hồ Dầu Tiếng bảo đảm nước tưới cho đất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, giúp 70% diện tích đất hoang hoá được khai hoang và đưa vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển các loại cây trồng khác.
Hiện nay, hồ chứa nước Dầu Tiếng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là công trình thuỷ lợi quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, với nhiệm vụ đa mục tiêu: cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, cắt giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn, hỗ trợ tạo nguồn tưới, xả dòng chảy môi trường, cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông.
Từ khi được đưa vào vận hành và khai thác, công trình này đã mang lại những bước phát triển đáng kể cho ngành Nông nghiệp của tỉnh. Với nguồn nước tưới tiêu ổn định, góp phần tăng diện tích, sản lượng nông nghiệp, giúp cải thiện năng suất cây trồng, nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2025 đạt 115 triệu đồng/năm.
Ngoài việc cung cấp nước tưới, hồ Dầu Tiếng còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Nguyên An