Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
SAU 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 (KHOÁ X):
Nông nghiệp Trảng Bàng có bước phát triển khá toàn diện
Thứ tư: 14:58 ngày 30/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực tập trung theo quy hoạch; xuất hiện nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trồng dưa lưới công nghệ cao ở xã Lộc Hưng.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhìn chung, ngành nông nghiệp huyện Trảng Bàng có bước phát triển khá toàn diện. Một số lĩnh vực có sự phát triển đột phá, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, góp phần quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện.  

 

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực tập trung theo quy hoạch; xuất hiện nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã xây dựng các quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế địa phương.

Trong trồng trọt, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất đạt 108 triệu đồng/ha/năm, tăng 70,36% so với năm 2008.

 Nghề chăn nuôi có bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang trang trại. Đáng lưu ý là đàn bò sữa ở huyện phát triển khá (4.700 con, tăng 237,8% so với năm 2008).

Nghề nuôi thuỷ sản chuyển biến mạnh từ nuôi trồng thuỷ sản quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh; chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến.

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được người dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng. Đến nay, huyện có 4/10 xã đạt 19/19 tiêu chí (TC) xây dựng NTM (An Tịnh, An Hoà, Lộc Hưng và Gia Lộc); 2 xã đạt 15 TC (Bình Thạnh, Gia Bình).

Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 630 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,52%; hộ cận nghèo là 455 hộ, chiếm 1,1%. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, xã - thị trấn tập trung chăm lo đời sống người dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội.

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,5% so với dân số toàn huyện. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế trong các tầng lớp nhân dân.

Việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất tại địa phương luôn được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó có việc kiện toàn và tổ chức lại các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định. Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 10 hợp tác xã nông nghiệp, với 385 thành viên.

 Những thành tựu đạt được về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã làm bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên thấy rõ.

N.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục