Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vài năm trở lại đây, bên cạnh những mặt hàng điện tử, thiết bị máy móc…nông sản đã trở thành một trong những mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ lệ khá lớn trong kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam -Hàn Quốc.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ trọng giao lưu thương mại các mặt hàng nông sản Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua đã có sự tăng trưởng khả quan, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015.
Trong 10 tháng năm 2016, giá trị nhập khẩu nông sản từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10%, giá trị xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng hơn 30% so với năm 2015.
Việt Nam: Thị trường tiềm năng của nông sản Hàn Quốc
Dân số trẻ, tầng lớp trung lưu gia tăng, đặc biệt là số người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng đông đang khiến Việt Nam trở thành thị trường đặc biệt hấp dẫn cho nông sản, hàng hóa của Hàn Quốc. Với việc VKFTA chính thức có hiệu lực, ngày càng nhiều các địa phương của Hàn Quốc tìm đến Việt Nam để giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Xác định Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng, thời gian qua, hai địa phương của Hàn Quốc là tỉnh Gyeonggi và Gyeongnam thường xuyên tổ chức các tuần lễ quảng bá sản phẩm nông sản tại các chuỗi siêu thị lớn của Lotte, K-mart ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Các mặt hàng được giới thiệu tại đây chủ yếu là các nông sản, sản phẩm chế biến truyền thống, đặc trưng của Hàn Quốc đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như kim chi, gạo, hồng sâm, rong biển, lá kim, các loại trà thảo mộc…
Theo bà Hyelee Kang, Giám đốc Hỗ trợ Phân phối sản phẩm Công ty Gyeong Nam Trading Inc, nông sản Hàn Quốc được sản xuất, chế biến với công nghệ ưu việt, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận về chất lượng và tính an toàn cho người sử dụng.
Riêng tỉnh Gyeongnam với thế mạnh là các mặt hàng sâm núi, nước trái cây và sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên đang được nhiều người tiêu dùng Việt Nam quan tâm biết đến.
Người tiêu dùng Việt Nam tham quan mua sắm tại một gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh Gyeongnam ở Hà Nội. (Nguồn: Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu)
“Với mức thu nhập ngày càng tăng, tỷ lệ người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lựa chọn các sản phẩm nông sản chế biến của Hàn Quốc ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, số người Hàn Quốc làm việc và sinh sống tại Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản của tỉnh Gyeong Nam tìm kiếm cơ hội giao lưu thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam”, bà Hyelee Kang khẳng định.
Ông Kim Dong Kwan, Trưởng chi nhánh AT tại Việt Nam cho biết, được tổ chức định kỳ hàng năm tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, Chương trình xúc tiến và quảng bá nông sản tỉnh Gyeonggi không chỉ là cơ hội để Hàn Quốc giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các địa phương đến người tiêu dùng Việt Nam mà còn là một dịp tốt để giao lưu văn hóa, tăng cường xuất khẩu giữa hai nước.
“Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến lớn trên thế giới. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng xuất khẩu nhóm hàng này. Không chỉ nhiều sản phẩm của Hàn Quốc được người tiêu dùng Việt Nam biết đến mà rất nhiều sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam cũng đang chiếm thị phần lớn tại thị trường Hàn Quốc”, ông Kim Dong Kwan nhấn mạnh.
Đánh giá cao chất lượng các sản phẩm nông sản qua chế biến của Hàn Quốc, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông sản của Hàn Quốc. Đón nhận các sản phẩm của Hàn Quốc cũng là cơ hội, động lực để nông nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật trồng, chế biến nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản.
Nhận định về triển vọng hợp tác trong tương lai, ông Ko Sang Gu, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu cho hay, ngành sản xuất nông sản của Việt Nam và Hàn Quốc có khả năng bổ sung cho nhau rất tốt. Trong khi Việt Nam có điều kiện tự nhiên để sản xuất đa dạng các loại nông sản tươi thì Hàn Quốc có công nghệ chế biến nông sản tiên tiến.
Nếu hợp tác chặt chẽ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, trong khi các doanh nghiệp chế biến của Hàn Quốc có được nguồn cung cấp nguyên liệu tươi dồi dào.
Nông sản Việt hấp dẫn người tiêu dùng Hàn Quốc
Trong khi các sản phẩm nông sản Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam ngày càng nhiều thì mặt hàng nông sản Việt Nam cũng đang dần khẳng định tại thị trường Hàn Quốc. Nếu có dịp ghé thăm một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc thời gian gần đây, sẽ không quá khó để bắt gặp một số những thương hiệu quen thuộc của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, gạo tám thơm Hải Hậu, Vinacafe…
Ông Kim Gun Jung, đại diện tỉnh Gyeonggido chia sẻ, không chỉ phục vụ cho người tiêu dùng là người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, sản phẩm gạo Việt Nam cũng đang được nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng bởi độ dẻo dính, hàm lượng chất béo không quá cao.
Là một thị trường nhập khẩu khó tính, với những tiêu chuẩn cao và chi tiết cho mỗi sản phẩm nông sản, nhưng tín hiệu mừng là vài năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp Việt lọt vào mắt xanh các nhà thu mua và bán lẻ Hàn Quốc.
Tiêu chuẩn cao, kiểm dịch nhiều khâu, với nhiều thủ tục nghiêm ngặt… không có nghĩa là doanh nghiệp trong nước không thể tiếp cận được người tiêu dùng Hàn Quốc, điều quan trọng là thay đổi cách làm nông nghiệp để sản phẩm an toàn, chất lượng. Đơn cử như hợp đồng xuất khẩu xoài trị giá khoảng 1 triệu USD giữa Công ty cổ phần Lavifood của Việt Nam và Công ty TNHH Semiwon Food của Hàn Quốc được ký kết năm 2016.
Các mặt hàng rau, củ, quả chế biến sẵn của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. (Nguồn: Thuongmai.vn)
Quy trình đầu tư bài bản, với đích cuối cùng là các sản phẩm đủ sức cạnh tranh xuất khẩu, trước đó, Lavifood từng tiếp đón không ít doanh nghiệp Hàn Quốc tới tìm hiểu mô hình sản xuất và tìm đối đối tác cung cấp rau củ quả, trái cây cho phía Hàn Quốc. Điển hình là Chủ tịch Hyundai Corporation đã khảo sát trực tiếp tại Lavifood và vùng trồng khóm (dứa) tại Tiền Giang của doanh nghiệp này.
Sự góp mặt ngày càng nhiều các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại các kỳ Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Seoul - một trong những triển lãm chuyên ngành thực phẩm hàng đầu châu Á đã cho thấy sức hút của nông sản Việt đối với các nhà bán lẻ Hàn Quốc.
Tại Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Seoul 2016, hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc là E- mart và Lotte Mart đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam tại khu gian hàng với mục đích đưa các mặt hàng của Việt Nam đến gần với người tiêu dùng Hàn Quốc.
Một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Pulmuone, CJ, AMOJE…cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam về một xu hướng tiêu dùng mới tại đây là sử dụng các đồ thực phẩm đóng gói chế biến sẵn thay vì đi ra nhà hàng. Dù các sản phẩm đóng gói sẵn ở Hàn Quốc có rất nhiều nhưng lại thiếu các mặt hàng rau, củ, quả.
Vì vậy, Hàn Quốc hi vọng, một số sản phẩm nông sản đóng gói của Việt Nam như hải sản đông lạnh, hoa quả đông lạnh, ớt và nhiều loại trái cây tươi, trái cây chế biến… sẽ có mặt nhiều hơn tại thị trường Hàn Quốc.
Nguồn Baoquocte