Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Núi Bà mùa hoa đỏ
Thứ hai: 09:16 ngày 15/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đường lên đỉnh núi Bà mùa này rực rỡ sắc đỏ hoa vông, báo hiệu mùa hè sắp đến. Vông nem chói chang, khi tàn rơi xuống đất vẫn giữ màu đỏ thắm, không hề phai úa. Hoa như tinh thần của người biết sống hết mình, sắc son rực rỡ; như tấm lòng của người trung nghĩa, một khi đã kết tình bền chặt thì mãi mãi không đổi thay. Hấp dẫn bởi sắc đỏ hoa vông, tôi quyết tâm chinh phục đỉnh núi Bà bằng cung đường khá mạo hiểm, từ núi Heo băng qua Ma Thiên Lãnh.

Đường từ núi Heo băng qua Ma Thiên Lãnh lên đỉnh núi Bà.

Núi Heo- một vùng cây trái thơm ngon

Đỉnh đầu tiên cần chinh phục là núi Heo. Ba ngọn núi Phụng, núi Bà và núi Heo liền thành một dãy, trong đó núi Heo nằm ở phía Tây núi Bà, cao gần 350m. Chinh phục ngọn núi này không khó khăn lắm vì độ cao tương đối, vừa đủ cho những người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm nhưng sức khoẻ chưa đủ để lên cao hơn. Núi Heo rất phù hợp để thiết kế tour tham quan, tìm hiểu nghề làm vườn, tìm hiểu văn hoá, di tích lịch sử…

Trên khắp núi Heo người dân lập vườn rất nhiều. Mùa này mãng cầu xanh um, trái non lú nhú; vườn xoài trái treo lúc lỉu nhưng chưa đủ độ chín, còn vú sữa đang thu hoạch. Băng qua những vườn cây mát rượi, chúng tôi vừa đi vừa tìm hiểu nghề làm vườn trên núi Heo, biết được bao điều thú vị. Tỷ như, mãng cầu thì nhiều địa phương khác cũng có, và đều được xem là đặc sản như mãng cầu Bà Rịa, na Lạng Sơn…

Nhưng mãng cầu Bà Đen lại nức tiếng vì trái to, vỏ mỏng, thịt dai, vị thơm đặc trưng mà nơi khác không có. Trong nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, bên cạnh kỹ thuật chăm bón, mãng cầu Bà Đen ngon còn nhờ điều kiện địa hình, khí hậu đặc trưng của vùng đất này. Mãng cầu Bà Đen ngon nhất được trồng ở khu vực xã Thạnh Tân, Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh), Tân Hưng (Tân Châu), Suối Đá, Phan, Bàu Năng (Dương Minh Châu)...

Đem giống trồng ngoài khu vực trên, dù cùng trên địa bàn tỉnh nhưng mãng cầu Bà Đen sẽ giảm độ ngon. Giá trị mãng cầu đang được nâng lên khi hầu hết bộ phận của cây đều hữu dụng. Hiện nay đã có rượu, mứt, kẹo mãng cầu; còn lá, hạt và cả trái non được chiết xuất Polyphenol để làm gel rửa tay sát khuẩn.

Trong công cuộc phòng chống Covid- 19 vừa qua, gel rửa tay sát khuẩn do Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh sáng chế đã đóng góp không ít công sức. Tác phẩm “Cona phòng Covid” của Đài PT-TH tỉnh đoạt giải Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2020 được viết từ kết quả công trình nghiên cứu khoa học về trái mãng cầu "thần thánh" của vùng đất Bà Đen này.

Rất tiếc, lúc chúng tôi “phượt” qua, vườn mãng cầu còn đang ươm trái nên không được thử trái chín tại vườn, bù lại được dịp thưởng thức vú sữa ngon "nhất trái đất" - lời bạn gái Vũ Hương thốt lên khi vừa nếm trái vú sữa đang mùa.

Vườn vú sữa trên núi Heo được mùa, trái còn nhiều hơn lá. Chị Yến, chủ vườn cực kỳ nhiệt tình mời chúng tôi thử trái vừa chín tới. Những trái vú sữa tròn trĩnh, căng mọng, bạn đừng dùng dao, đừng sợ dính nhựa, sợ bẩn, sợ người ta cười mình tham ăn… mà hãy hồn nhiên như thuở nhỏ, dùng tay xoa nhẹ nhàng để trái mềm ra, tươm dòng sữa trắng đục, rồi bẻ làm đôi, làm tư.

Cắn một miếng, hít thở thật sâu để thưởng thức vị sữa ngọt ngào như sữa mẹ, mặc kệ sự đời. Mấy chục “đứa trẻ” U40, U50 vừa ăn vừa trầm trồ, lâu lâu lâu lắm rồi mới được ăn vú sữa ngon thế này. Chị Yến dường như càng vui hơn, mấy chục trái vú sữa mà chỉ lấy 50 ngàn đồng- “vui là được rồi”, tấm lòng người nông dân ở đâu cũng chất phác như vậy.

Rời vườn cây, chúng tôi tiếp tục chuyến trải nghiệm. Vừa đi vừa lượm xoài chín rụng, lột vỏ để ăn ngay và luôn. Trên núi Heo không chỉ có vườn cây cùng những người chủ nhiệt tình, mà còn có nhiều tảng đá khổng lồ, người làm vườn khéo tay nào đó đã vẽ hình Phật Thích ca khá đẹp. Nghe leader Phương kể là có tới bốn bức vẽ như thế trên núi.

Núi Heo còn có đá chuông- loại đá gõ vào nghe như có tiếng chuông rất thanh, tiếc là mục đích chuyến phượt là chinh phục đỉnh núi Bà nên phải tiếp tục đi. Bởi, thử thách “ngàn cân” còn ở phía trước.

Hoa vông

Đỉnh núi Bà và những người trẻ

Tạm biệt núi Heo, theo sự hướng dẫn của anh bạn trẻ Quách Phương, chúng tôi vượt qua những tảng đá to khủng khiếp. Nhiều hòn đá chồng lên nhau, giữa các hòn đá là khoảng hở sâu hun hút, nhìn thôi là đã sợ, lỡ mà tuột chân, lỡ mà đứt dây...

Bạn phải phóng, hoặc trèo, hoặc … đu dây như khỉ, nếu không nhờ sự hỗ trợ của các bạn trong đoàn thì tôi không biết phải làm sao. Cũng may, đoàn toàn những người vui vẻ, lạc quan nên tiếng cười luôn vang vọng, nhất là cảnh đẹp của núi rừng khiến người ta say mê, quên đi bao mệt nhọc.

Này là cổ thụ, chắc đã có tự ngàn đời nên nhánh rễ to như cột đình; này là hoa tre - loại hoa “trăm năm mới nở một lần”; này là hoa vông- chói chang rực rỡ cả một vách núi; này là đùm đùm trái mắt mèo- loại trái của tuổi học trò “nhất quỷ, nhì ma”, nó cứ mọc ngay trên đỉnh đầu khiến cả đoàn phải trườn đi, lỡ dính phát chắc phát khóc vì gãi; này là dây và hoa đậu may mắn phủ khắp cả lối đi; này là vô số những loại hoa trái khác mà tôi không biết tên, như có hoa mỏng manh như sương khói, tôi gọi là hoa tơ trời; hay trái nhỏ đỏ tươi, tôi gọi là trái tương tư…

Theo các “phượt thủ” chuyên nghiệp, cung đường từ núi Heo, vượt qua Ma Thiên Lãnh lên đỉnh núi Bà có độ khó khá cao, chỉ sau cung Đá Trắng, yêu cầu thể lực người leo phải tốt. Bù lại, như đã nói ở trên, cảnh vật trên đường leo rất đẹp.

Ngoài ra, theo các phượt thủ, những cung đường có độ khó như thế này là cách tập luyện thể lực và kỹ năng để chuẩn bị cho các cơ hội leo núi khác ở phía Bắc Việt Nam hoặc trên thế giới. Và, điều thú vị, dân leo núi mà tôi đã gặp, đều là các bạn trẻ, không chỉ khoẻ, yêu thể thao, nghề nghiệp vững chắc mà họ còn có tình yêu sâu sắc với thiên nhiên, nên có ý thức cao trong bảo vệ môi trường. Rất nhiều các bạn trẻ leo đỉnh núi, trong ba lô chứa đồ dùng thiết yếu luôn luôn có cuộn bao tải để chứa rác thải trên đường đi phượt.

“Thấy chai nhựa vứt bừa bãi là không chịu được” - một bạn gái nhỏ xíu vừa cúi người nhặt chai nước suối vừa nói- “Chai nhựa thế này phải hàng mấy trăm năm mới tiêu huỷ, gây hại cho môi trường rất lớn”. Bạn gái này là "phượt thủ", từng "chinh chiến” nhiều núi rừng trong nước và trên thế giới, kể cả Phanxipang và Sơn Đoòng.

Bạn kể: “Đã tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường hơn chục năm rồi”. Càng ý thức việc giữ gìn thiên nhiên, bạn càng sống sâu sắc, giản dị và… càng khó tính với những hành vi xả rác. Bạn gái này tôi mới gặp trong chuyến leo núi Heo, còn từ khi “lọt hố” leo núi đến nay chừng hơn ba năm, tôi leo chung với nhóm “CSC - Lên đỉnh”.

Nhớ hồi mới leo núi, mục tiêu ban đầu là rèn luyện thể lực và thử thách giới hạn bản thân, nhưng qua vài lần leo núi, bức xúc trước cảnh rác thải dọc đường lên đỉnh nhiều vô hạn: vỏ chai nước suối, lon bia, cả lọ hoa, chén đĩa, ly, tách... cả nhóm quyết tâm “giải cứu núi Bà khỏi rác”.

Thế là hành trình nhặt rác của các bạn bắt đầu: gắn giỏ đựng rác ven đường, treo khẩu hiệu tuyên truyền, nếu gặp người leo núi, câu đầu tiên là chào hỏi, câu kế tiếp sẽ là: anh/chị/bạn chịu khó mang rác thải xuống chân núi nhé, đừng bỏ rác trên núi… Mỗi tuần, như con kiến tha mồi, rác thải được các bạn dọn dẹp sạch sẽ.

Nhờ vậy mà rác thải trên núi Bà Đen đã giảm đáng kể. Nhắc chuyện nhặt rác, các bạn trẻ sẽ nói: đó là chuyện phải làm với “dân chơi thứ thiệt”, nghĩa là mang tiếng mê du lịch nói chung, mê phượt nói riêng là phải biết bảo vệ môi trường. Xin mượn lời một bạn trẻ: Nếu thật sự yêu thì phải bảo vệ. Tây Ninh chúng ta thật may mắn được tạo hoá ban tặng ngọn núi linh thiêng, vậy thì chúng ta phải trân trọng. Hãy bảo vệ núi, bảo vệ tự nhiên từ những điều giản dị nhất là Đừng-xả-rác.

Tây Ninh được đánh giá là có nhiều điểm tham quan, đa dạng loại hình du lịch: trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá, di tích lịch sử, tôn giáo... Tuy nhiên, theo nhiều nhà du lịch, sự cuốn hút của du lịch một cách bền vững, suy tận cùng là những giá trị văn hoá.

Do vậy, có một phương châm rất quan trọng: phát triển kinh tế du lịch nhưng tuyệt đối tuân thủ việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tự nhiên, văn hoá. Để làm được điều đó, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, còn trong chuyến leo núi hôm ấy, các bạn trẻ đã cho tôi thấy một chân lý, muốn yêu lâu bền là phải bảo vệ. Điều lớn lao ấy bắt đầu từ hành vi tưởng chừng rất nhỏ: cúi xuống nhặt rác. Đó chính là văn hoá!

T. NAM

Tin cùng chuyên mục