Súng tím vùng đầu mối kênh tiêu
Ðến nhà ga “thượng giáp” rồi, bạn sẽ còn dùng dằng chưa muốn rời ga. Bởi lúc này mắt đã không bị vướng những ô cửa kính màu xanh của ca-bin cáp nữa. Giờ mới là lúc thoả sức ngắm nhìn toàn cảnh bức tranh kỳ ảo, lung linh bày ra ngay dưới “tầm nhìn xa trên 10 cây số”. Ngay dưới chân núi kia thôi, là những mảng màu xanh, xám hoặc tươi non màu lá mạ. Mây trôi, nắng chuyển làm bức tranh kia biến ảo lạ thường. Ðôi khi là mảnh đất mới cày, sao mà ửng hồng tựa sắc son môi. Có lúc nắng lại làm sáng rực các rẫy vườn, như có đèn huỳnh quang dọi chiếu. Ngay trước mắt là con đường thẳng băng, sạm màu mặt nhựa. Ðây có lẽ là đường vòng từ đường Bời Lời chạy sang Khedol hay Suối Ðá. Con đường nữa xa hơn, chắc là đường 781 nối TP. Tây Ninh vào thị trấn Dương Minh Châu. Bởi phía cuối con đường, lúc ẩn lúc hiện sau những mảng màu xanh đậm ấy là những mảng màu ngói đỏ, tường vôi làm nhoà nhạt bớt màu xanh cây trái.
Phía trên những mảng màu của đất, là nơi mà trời và nước gặp nhau. Nước như những dải khăn voan, giống hệt những dải mây lang thang màu trắng. Và xa xa kia là núi Cậu màu khói lam giăng giăng như một bức tường thành. Nhờ dãy núi Cậu này, ta mới phân biệt được trên là mây trắng trời xanh, dưới là mặt nước Lòng hồ rạng rỡ. Ðấy là cả một huyền thoại của thời đại mới. Thời sau đại thắng 30.4 giải phóng miền Nam. Rồi con người mới dựa vào thế núi hình sông mà ngăn sông đắp đập tạo nên một cái hồ nhân tạo, không chỉ lớn nhất miền Nam. Mà nghe nói còn lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.
Lòng hồ, nhìn từ ga cáp treo núi Bà.
Diện tích hồ thì mọi người đã biết: 27.000 ha. Dung tích 1,58 tỷ m3, trong đó dung tích hữu ích là 1,11 tỷ. Ðể có được thành quả ấy, người Tây Ninh đã phải đào đắp hơn 50 triệu m3 đất đá. Công trình thuỷ lợi này, sau khi đưa vào sử dụng năm 1985 đã tổng kết lại một khối lượng vật chất khổng lồ. Ðấy là: 200.000m3 bê tông, 1 triệu m3 đá xây dựng, 20.000 tấn sắt thép và 53.000m3 gỗ... chưa kể đến những hệ thống trạm, kênh xây sau năm 1990 như kênh Tân Hưng và hàng ngàn cây số kênh các cấp I, II, III ngang dọc hầu như khắp đất Tây Ninh. Ðây chính là hệ thống mạch máu khổng lồ khơi dậy sức lực một cơ thể Tây Ninh cường tráng sau một thời thương tích đầy mình vì bom đạn. Kênh Tây đã đưa nước lòng hồ vượt sông Vịnh sang bên xã Phước Vinh rồi đó! Và tới đây sẽ là kênh Tân Hưng tiếp tục sang sông để tưới tắm cho những miền cao như Hoà Hiệp, Tân Bình của huyện Tân Biên. Liệu đã có thể mơ một ngày nào đó ta sẽ được trôi êm ả nhẹ nhàng dọc những con kênh xanh xanh băng qua bạt ngàn rừng Chàng Riệc hay Lò Gò - Xa Mát?
Nhiều vùng đất khô nắng của Tây Ninh đã chuyển từ năm một vụ lúa thành ba. Ðất và nước như thế sẽ là bệ phóng vững chắc cho con tàu nông nghiệp chất lượng cao mà Tây Ninh mới vừa khởi động phóng băng băng về phía trước. Nhưng! Vẫn còn một điều nữa mà ai chưa chú ý thì chưa biết. Ðấy là nền nhiệt vi khí hậu trên cái xứ nắng cháy da người này đã giảm. Giữa tháng 4.2018, ai theo dõi các bản tin dự báo thời tiết thì mới biết. Hai tỉnh giáp ranh Bình Dương và Bình Phước thường có nhiệt độ không khí ngày trên 370C, Tây Ninh luôn luôn thấp hơn 1 độ. Trong khi hồi chưa có lòng hồ, Tây Ninh luôn là tỉnh “nóng” nhất toàn miền Ðông Nam bộ. Một độ C kia quả là một độ vàng, do chiếc máy điều hoà khổng lồ- lòng hồ của Tây Ninh mang đến. Cho đến nay, con người vẫn chưa thể đo, đếm, tính toán hết giá trị vật chất và tinh thần của hồ Dầu Tiếng. Và có lẽ sau 43 năm giải phóng, vẫn chưa thể có công trình nào sánh được với Lòng hồ!
Một trong những giá trị tuyệt vời của Lòng hồ mà ai cũng thấy, đấy là du lịch. Thấy ngay, là vì trời nước, đảo, rừng mênh mông thế. Cây trái lại xanh tươi nhờ nước Lòng hồ mà cho đến nay vẫn chưa có một dự án nào khai phá. Tôi đã có lần nghe một nhà đầu tư vẽ phương án xây phim trường ở đảo Nhím. Cảnh mê hoặc nhất là Lòng hồ khi ấy sẽ có bến đậu thuỷ phi cơ cho du khách bay đến từ Sài Gòn. Rồi dự án trong mơ ấy cũng tan như bọt xà bông. Lâu lâu sau, lại “nghe lỏm” được đảo ấy sắp giao cho một nhà đầu tư khác. Ðơn vị này cũng sẽ trồng rừng rồi tạo dựng thêm du lịch nghỉ dưỡng kiểu resort giữa mênh mông trời nước. Ý tưởng lãng mạn nhất của dự án này là làm cáp treo nối đỉnh núi Bà với đảo. Ðể khi khách đã dầm nước thoả thuê thì lên núi mà chơi. Nhẩm tính thử coi. Ðường chim bay từ đỉnh núi ra đảo Nhím đã 15 cây số. Cáp treo ấy sẽ lại vượt kỷ lục mới lập gần đây tại thiên đường Phú Quốc. Ta sẽ được bồng bềnh trôi ngang những xã Phan, thị trấn Dương Minh Châu hay Suối Ðá. Ðể trên cái nền ngọc ngà xanh bao la ấy mà thương nhớ đến đất chiến khu xưa lừng lẫy hai thời kháng chiến.
Vâng! Hình ảnh đã mô tả ở phần đầu bài này chính là non nước Dương Minh Châu. Dòm kỹ hơn, sâu vào chân núi ta sẽ còn thấy một hồ nước hình nửa vầng trăng. Nơi ấy chính là trên đường vào động Suối Môn, một căn cứ của cách mạng huyện Dương Minh Châu thời chống Mỹ, nay thuộc về xã Phan. Ðến đây mùa nào cũng sẽ thấy nước hồ trong veo, bởi nước được thấm ra từ đá núi. Cũng chính từ vị trí này từ tháng 3 trở đi, ngước lên sườn núi, ta sẽ thấy màu hoa phượng dắt dây dưới con đường cáp treo như một dải mây hồng. Ðồng đất xã Phan nơi đây cũng đẹp đến mê hồn. Giữa những rẫy mía, nương mì, vườn mãng cầu trải ra bát ngát vẫn còn chơ vơ nổi bật nền trời những cây duối già nua lụ khụ. Ấy là dân đã chặt bớt đi để có thêm diện tích gieo trồng. Chặt rồi, duối lại nhoai nhóc mọc lên, bền bỉ và mãnh liệt. Liệu có phải đây là những cây duối cổ của hai, ba trăm năm trước, khi Quan lớn Trà Vong thường tới đây rèn tập kỵ binh để đánh giặc. Ðền thờ Ngài vẫn nghi ngút khói hương phía bên kia chân núi, gọi là đền Suối Vàng nay thuộc về xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.
Thế nhưng, thành quả của núi và hồ sẽ không ở đâu bằng khi ta lướt xe trên đường 781 láng o mặt nhựa bê tông mà vào thị trấn Dương Minh Châu, rồi từ đấy ra tận mép nước Lòng hồ chiêm ngưỡng. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên cái cảm giác lần đầu được vượt lên khỏi bờ đê (đập) ở phía cuối thị trấn. Choáng váng. Như trước mặt đã mênh mông biển. Biển bao la, bát ngát, xanh mờ... Vậy nên lần nào tới Lòng hồ, cũng phải leo lên đập để chào biển hồ một tiếng. Và lần nào cũng gặp mặt gương mặt hồ mới mẻ lung linh. Khi nước cạn thì những đoàn xe tải ghé bến chất lên đầy củ mì. Khi nước lên vẫn còn một đảo nổi lênh đênh như một con tàu sân bay, mà trên đó lại toàn trâu đang gặm cỏ. Giáp bờ đê thế nào ta cũng gặp một dãy vỏ lãi sơn xanh nằm sóng sượt đợi giờ xuất bến đi lưới cá cơm hay cá lớn. Thỉnh thoảng lại có một chiếc không đủ lòng kiên nhẫn, ré lên vọt thẳng phía khơi xa.
Chung quanh miền lưu vực hồ này còn rất nhiều nơi đáng đến. Ðể xem. Như muốn xem mênh mông hoa súng thì theo bờ đê chạy lại đầu mối kênh tiêu. Tháng tư luôn bồng bềnh cả một vùng bao la bông súng tím. Như khu rừng lịch sử- di tích căn cứ Dương Minh Châu. Cả trăm héc ta rừng dầu đều tăm tắp đẹp tuyệt vời, thâm nghiêm sẫm bóng. Rồi đập chính, hay đầu mối kênh Ðông... nơi nào cũng lộng lẫy sắc trời mây, cây cỏ soi bóng nước lòng hồ.
Trên đường trở lại Thành phố cũng thế, bởi rất nhiều điểm đến. Ðường 781 lại đẹp như mơ uốn lượn giữa cửa nhà, nương rẫy... Nếu muốn tìm về lịch sử, hãy ghé đình thần Phước Hội nay ở xã Suối Ðá. Ðể nghe cây sung già trăm tuổi kể chuyện vì sao đình thờ hai vị Thành hoàng. Nếu muốn nghe chuyện gần hơn, có những tấm bia cắm dọc đường kể chuyện những chiến công của Dương Minh Châu thời kháng chiến. Thích những đặc sản quê hương thì ghé thăm vườn nho (hay trái giác) rừng hoặc cơ sở chính của doanh nghiệp Trà Hoàn Ngọc...
Mỗi lần đứng trên bờ đập Lòng hồ, tôi cứ ngân nga câu hát: “Núi ơ núi/ Thuyền ơ thuyền/ Mây ơ mây/ Nước ơ nước...” của nhạc sĩ Phó Ðức Phương. Nước, mây, núi và thuyền ở đây có cả. Mà đấy lại là kỳ tích của con người Tây Ninh ta đó. Người Tây Ninh đã làm nên sự nghiệp vĩ đại và lộng lẫy này chỉ sau ngày giải phóng 30.4.1975 đúng 10 năm.
N.Q.V