Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nước cờ của Ukraine trước mùa bầu cử
Thứ tư: 08:06 ngày 28/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phản ứng về việc Quốc hội Ukraine bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko áp đặt lệnh thiết quân luật trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28-11, tại các khu vực biên giới dễ bị tấn công nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại sâu sắc.

Tàu Ukraine bị lực lượng biên phòng Nga giữ tại eo biển Kerch.

Đe dọa an ninh vùng Donbass

Một thông báo của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Putin bày tỏ hy vọng lãnh đạo Đức có thể can thiệp để ngăn Kiev có các hành động liều lĩnh. Trước đó, đại diện thường trực Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) Aleksandr Lukashevich cũng bày tỏ lo ngại việc Ukraine áp đặt thiết quân luật tại nước này sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố, nước này không cần có quan hệ ngoại giao với Nga, nhưng Kiev vẫn chưa sẵn sàng để cắt đứt mối quan hệ này.  

Ngày 27-11, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã công bố đoạn băng ghi lại lời khai của 3 sĩ quan, thủy thủ Ukraine bị bắt, thừa nhận họ đã phớt lờ cảnh báo của cảnh sát biển Nga và không chấp hành mệnh lệnh dừng lại. Trong khi đó, 3 thủy thủ bị thương trong tổng số 24 người bị bắt trên 3 tàu chiến Ukraine đang được điều trị tại bệnh viện Kerch. Tình trạng của họ không nguy hiểm và chỉ bị vài vết thương nhẹ. 

Cùng ngày, tòa án ở thành phố Sympheropol, Crimea đã mở phiên tòa xét xử 12 thủy thủ trong nhóm 24 người bị bắt trên 3 tàu chiến của Ukraine. 3 thủy thủ đã bị kết án 2 tháng tù giam vì tội vượt biên giới bất hợp pháp. Bản án được thi hành ngay lập tức và có hiệu lực đến ngày 25-1-2019. Trước đó có tin, các thủy thủ bị tạm giữ được chuyển về trại giam quân đội ở phía Đông bán đảo Crimea. Ngoài 12 thủy thủ bị xét xử ngày 27-11, 9 sĩ quan sẽ được xử vào ngày 28-11.

Kêu gọi cùng kiềm chế

Dư luận quốc tế đã có một số ý kiến kêu gọi các bên cùng kiềm chế. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố, Đức và Pháp sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho vụ đụng độ ở eo biển Kerch trong trường hợp cần thiết. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ không hài lòng với những diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm tìm kiếm một giải pháp cho tình hình hiện nay giữa Nga và Ukraine. 

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) được tiến hành theo đề nghị của cả Nga và Ukraine, các nước ủy viên HĐBA đã không thông qua chương trình thảo luận do Nga đề xuất liên quan đến vụ việc. Bình luận về kết quả này, Phó Đại diện Thường trực phái đoàn Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho rằng, 3 tàu hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải của Nga bất hợp pháp và không chịu lùi bước khi tàu Nga cảnh báo, khẳng định hành động này vi phạm Hiến chương LHQ và thông lệ luật pháp quốc tế. Theo ông, đây là một vụ khiêu khích mà Kiev thực hiện với sự dung túng của các quốc gia phương Tây. Đáp lại, Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko đã kêu gọi siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau vụ đụng độ trên.

Nhiều ngày trước, đã có đồn đoán cho rằng Ukraine sẽ có những động thái mang tính “gây hấn” trên biển Azov nhằm khởi động một cuộc chiến với Nga. Theo giới quan sát, đây là tính toán của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm gia tăng uy tín của mình trước kỳ bầu cử vào năm 2019, thậm chí có thể là hành động “gây nhiễu” trước cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Nga và Mỹ tại Argentina cuối tháng 11.

Vụ đụng độ mới không chỉ khiến căng thẳng giữa Nga - Ukraine càng khó hóa giải mà còn đẩy mối bất hòa giữa Nga và phương Tây đi xa và trầm trọng hơn, khi Ukraine đã nhiều lần đề xuất NATO và EU “can thiệp” vào vấn đề này, dù trên thực tế, cả 2 tổ chức nói trên không có bất cứ mối liên hệ nào đến biển Azov, vùng biển nội bộ giữa Nga và Ukraine.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục