Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong lúc vẫn còn những tranh cãi về việc nên hay không nên cho học sinh mang điện thoại, máy tính bảng vào trường, nhiều nơi trên thế giới đã có luật về vấn đề này.
Ảnh minh họa: GETTY IMAGES
Tại Mỹ, theo báo New York Times, Maryland là bang đầu tiên thông qua luật nhằm giải quyết những lo lắng của phụ huynh về việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng trong trường học.
Quy định thời gian sử dụng hoặc cấm luôn
Luật được thông qua từ tháng 4 năm nay và chính thức có hiệu lực từ giữa năm sau. Hiện bang yêu cầu ngành giáo dục phải xây dựng các quy định sử dụng an toàn và tối ưu các thiết bị điện tử kỹ thuật số trong trường.
Trong khi chờ những điều khoản chung của toàn bang, một số trường đã có những chính sách riêng. Hệ thống trường công ở hạt Baltimore quy định việc sử dụng máy tính của học sinh trung học không được nhiều hơn một nửa thời gian học trong những ngày đi học.
Cùng với đó, các học sinh cũng được yêu cầu phải tạm nghỉ các công việc với máy tính mỗi 20 phút một lần và không sử dụng máy tính trong giờ giải lao.
Quản lý cứng rắn hơn, Pháp ra quy định "cấm tiệt" smartphone và máy tính bảng trong các trường để tránh việc học sinh bị phân tâm vì các thiết bị có khả năng kết nối mạng Internet.
Theo báo The Sun, từ tháng 7 năm nay, quốc hội Pháp đã thông qua luật cấm sử dụng smartphone, máy tính bảng trong trường học. Việc cấm này không chỉ trong giờ học mà còn cả trong giờ giải lao, không chỉ cấm trong lớp học, mà cấm cả ở khu vực hành lang, sân chơi hoặc trong giờ ăn trưa.
Lệnh cấm này cũng áp dụng cả với đồng hồ thông minh (smartwatch) và các thiết bị điện tử kết nối khác. Theo đó học sinh hoặc sẽ phải tắt các thiết bị, hoặc phải để chúng ở nhà. Luật này áp dụng với tất cả các học sinh trong độ tuổi từ 3-15.
Tuy nhiên tại các trường trung học, việc sử dụng thiết bị điện tử của học sinh sẽ tùy theo quy định của mỗi trường. Luật này cũng có những ngoại lệ liên quan tới việc sử dụng thiết bị điện tử trong bài học, là bài tập về nhà hay hỗ trợ các học sinh khuyết tật.
Ảnh: ALAMY
Dùng để học vẫn lo
Cho tới nay những lo ngại về sức khỏe liên quan tới việc sử dụng đồ điện tử của trẻ em chủ yếu tập trung vào các vấn đề giải trí.
Các nghiên cứu đã chỉ ra những trẻ tiếp xúc quá nhiều với Internet hoặc chơi game thường xuyên có thể bị ám ảnh với các hoạt động online tới mức xa lánh những hoạt động và các mối quan hệ trong đời sống thực.
Ý thức được những nguy cơ này, một nhóm cổ đông của Hãng Apple thời gian qua đã gửi thư tới công ty cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong việc lạm dụng iPhone, iPad, đồng thời yêu cầu Apple phát triển các công cụ giúp phụ huynh quản lý con cái tốt hơn khi sử dụng các thiết bị này.
Nhiều chuyên gia nhi khoa cũng cảnh báo việc sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số trên lớp cũng như khi làm bài tập về nhà có thể gây ra những hệ lụy về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của học sinh như các vấn đề về thị lực, ngủ không sâu và "nghiện" thiết bị.
Các chuyên gia lưu ý một số ứng dụng học tập trên lớp đã sử dụng các cách tưởng thưởng người học hệt như trong những trò video game để thu hút và kích thích người học, từ đó khiến nhiều học sinh mải mê với thiết bị tới mức không thể rời ra được.
"Điều lo ngại là nhiều chương trình học sinh đang sử dụng ở trường là những trò giải trí và được "game hóa" - tiến sĩ Scott Krugman, chuyên gia nhi khoa tại hạt Baltimore, chia sẻ - Chúng tôi cảm thấy đây là những thứ cần phải được theo dõi và giám sát".
Dù vậy cũng có những chuyên gia như tiến sĩ David L. Hill ở Wilmington, New York, lại cho rằng các ứng dụng học toán được thiết kế giống như trò video game sẽ mang lại lợi ích cho người học, ngay cả khi có thể chúng gây ra một số thói quen không tốt lắm với những đứa trẻ.
Nguồn TTO