Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cùng với việc nuôi bò cái sinh sản lai tạo bò giống tốt, để lấy ngắn nuôi dài, anh Phi còn tập trung nuôi bò đực vỗ béo theo hướng hữu cơ, cung ứng thịt sạch cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Phi chăm sóc đàn bò.
Vài năm gần đây, ở thị trấn Gò Dầu có một gia trại nuôi bò rất hiệu quả. Dù chăn nuôi trong khu dân cư, nhưng gia trại này vẫn bảo đảm vệ sinh môi trường do thực hiện phương pháp chăn nuôi hữu cơ và làm hầm chứa nước thải theo quy chuẩn. Ðó là trại nuôi bò sinh sản và bò thịt của gia đình anh Hồ Phi Phi ở khu phố Thanh Bình A.
Anh Hồ Phi Phi (sinh năm 1983, quê ở tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm việc cho một công ty di truyền giống ở tỉnh Bình Phước. Tại đây, anh có dịp tiếp xúc, tìm hiểu công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi nước ngoài.
Sau đó, anh quyết định nghỉ việc, về quê vợ ở khu phố Thanh Bình A thực hiện niềm đam mê chăn nuôi. Với diện đất khoảng 1.500m2 nằm giữa khu dân cư, để hạn chế ô nhiễm môi trường, anh tự nghiên cứu và thiết kế hệ thống chuồng bò hiện đại, xây hầm chứa nước thải chống ngấm. Phân bò anh ủ hoai đem bón cho cỏ.
Tháng 3.2016, anh Phi tìm mua 6 con bò cái giống về nuôi. Anh chọn giống bò hướng thịt do lai tạo bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo ở Bến Tre. Ðến nay, đàn bò giống của anh đã sinh sản được 2 con bê (được gieo tinh nhân tạo từ dự án chăn nuôi bò của tỉnh). Hiện, trại bò của anh có 7 con bò cái giống, trong đó có 4 con đang mang thai.
Cùng với việc nuôi bò cái sinh sản lai tạo bò giống tốt, để lấy ngắn nuôi dài, anh Phi còn tập trung nuôi bò đực vỗ béo theo hướng hữu cơ, cung ứng thịt sạch cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi đợt, anh lựa mua 8 con về vỗ béo, trong khoảng 4 tháng xuất chuồng. Mỗi con có lãi từ 8 đến 10 triệu đồng.
Ðể chủ động thức ăn cho bò, anh Phi trồng cỏ, trang bị máy cắt, xe kéo, máy băm... Anh cho bò ăn theo phương pháp ủ chua lên men từ cỏ, cây bắp và cho ăn tươi. Ðể cân bằng dinh dưỡng cho bò phát triển tốt, anh còn bổ sung thêm một ít thức ăn tinh trong khẩu phần của bò. Tuy nhiên, lượng thức ăn tinh này được khống chế để không gây tồn dư chất độc trong thịt bò.
Theo Anh Phi, từ năm 2017 đến nay, anh đã bán được 3 đợt bò thịt (24 con), giá bình quân 32 triệu đồng/con. Trừ chi phí đầu tư, anh còn lời được gần 250 triệu đồng. Với 1 ha đất thuê trồng cỏ, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 400 tấn.
Trong đó, anh dùng 300 tấn làm thức ăn cho đàn bò đang nuôi. Số còn lại (khoảng 100 tấn), anh bán cho các hộ chăn nuôi khác trong khu vực với giá 600.000 đồng/tấn, thu nhập thêm khoảng 60 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngoài 7 con bò cái sinh sản, trong chuồng nhà anh còn 6 con bò đực nuôi bán thịt.
Ðể đạt được kết quả như trên, anh thường xuyên nghiên cứu sách vở, tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của những người chăn nuôi thành công. Anh tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi...
Anh Phi cho biết, sắp tới, anh sẽ tạo vốn tích luỹ mua thêm đất lập trang trại nuôi bò khép kín; lấy phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế làm thức ăn cho bò thay cho thức ăn tinh công nghiệp để bảo đảm bò được nuôi hoàn toàn từ thức ăn hữu cơ.
Phân trùn quế sẽ được cung ứng cho các hợp tác xã trồng rau an toàn, rau hữu cơ, dưa lưới.... Anh mong các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, kỹ thuật mới.
N.H