Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao
Thứ sáu: 01:07 ngày 05/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lươn đánh bắt ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều mô hình nuôi lươn được nông dân áp dụng. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn của chị Hồ Thị Đào tại khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh cho nhiều kết quả tích cực, lợi nhuận cao.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình chị Hồ Thị Đào.

Thịt lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, vitamin và khoáng chất, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ cho mọi lứa tuổi. Trong khi đó, lươn đánh bắt ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều mô hình nuôi lươn được nông dân áp dụng. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn của chị Hồ Thị Đào tại khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh cho nhiều kết quả tích cực, lợi nhuận cao.

Ban đầu, chị Đào bàn với gia đình đầu tư xây dựng bể xi măng, mua khoảng 1.500 con lươn thịt về nuôi thương phẩm. Sau 3 tháng, chị xuất bán lứa lươn thương phẩm đầu tiên, thu về lợi nhuận 15 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả và nhu cầu thịt lươn trên thị trường rất lớn, đầu tháng 5.2021, vợ chồng chị xây dựng thêm chuồng nuôi lươn giống, mua sắm thiết bị ấp trứng để bán con giống, đến nay, gia đình đã xuất bán hơn 30.000 con lươn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh khác.

Nói về kỹ thuật nuôi lươn, chị Đào cho biết, nuôi lươn không khó, rất nhẹ công chăm sóc nhưng quan trọng là mua được con giống tốt và phải luôn theo dõi tình trạng của đàn lươn để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.

Ngoài ra, chế độ ăn, cách chăm sóc rất quan trọng, thức ăn của lươn là trùn quế trộn với thức ăn viên cỡ nhỏ được hấp chín, kích cỡ thức ăn theo từng giai đoạn và cỡ miệng của lươn. Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần, sau khi ăn 1-2 giờ thì thay nước để tránh ô nhiễm.

Bên cạnh đó, để lươn khoẻ mạnh, phát triển nhanh, người nuôi cần bổ sung men tiêu hoá, vitamin C; thường xuyên tẩy giun để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn; phân loại lươn để hạn chế hao hụt, tăng trọng nhanh. Nếu chăm sóc tốt, tỷ lệ sống của lươn đạt trên 90%.

Hiện nay, chị Đào chủ yếu cung cấp lươn giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh và một vài mối hàng từ các tỉnh miền Trung, chỉ chừa lại một ít để nuôi thương phẩm, cung cấp cho thương lái các chợ và hộ gia đình tại địa phương.

Chị cho biết, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá lươn thịt thương phẩm khá cao, khoảng 180.000 - 190.000 đồng/kg, loại 4-5 con/kg, lợi nhuận thu về từ mô hình nuôi lươn không bùn là rất cao, trung bình 1.000 con thì người nuôi thu được 20 triệu đồng.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, các hoạt động vận chuyển bị hạn chế, nhiều hàng quán ngưng hoạt động nên giá lươn thịt thương phẩm chỉ còn khoảng 100.000 đồng - 110.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, chị vẫn thu về trên dưới 10 triệu đồng/1.000 con.

Bể nuôi lươn giống của gia đình chị Hồ Thị Đào.

Ông Huỳnh Văn Cư- Trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Tây Ninh cho biết, mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của gia đình chị Đào không bị phụ thuộc vào nguồn thức ăn và con giống từ tự nhiên. Lươn ăn thức ăn công nghiệp ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt ít nên lợi nhuận cao. Theo ông Cư, mô hình nuôi lươn công nghiệp của gia đình chị Đào hiệu quả, thị trường tiêu thụ thịt lươn còn lớn, mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân, cần được khuyến khích nhân rộng.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục