Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nướng bánh tráng phơi sương bằng máy
Thứ sáu: 21:32 ngày 02/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau một thời gian vận hành thử nghiệm, vừa qua, chiếc máy nướng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đầu tiên được bà Thuý đưa vào hoạt động tại cơ sở và cho kết quả khá mỹ mãn. Máy sử dụng năng lượng điện và không gây tác động xấu đến môi trường ở khu vực sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (ngụ khu phố Lộc Trát, phường Gia Lộc, thị xã  Trảng Bàng)–chủ trang trại rau rừng Thanh Thuý cho biết, bà vừa đặt hàng sáng chế thành công máy nướng bánh tránh phơi sương Trảng Bàng. Chiếc máy này được bà Thuý nêu ý tưởng và thuê một đơn vị ngoài tỉnh thiết kế. Máy có công suất nướng gấp 3 người nướng thủ công/ngày. Máy do một người vận hành (đưa bánh nguyên liệu vào nướng).

Theo bà Thuý, bình quân một thợ nướng bánh lành nghề nướng được khoảng 60 kg bánh nguyên liệu/ngày, được trả công khoảng 300.000 đồng. Tuy nhiên, hiện thợ nướng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ngày càng khó tìm và thời gian làm việc của thợ không ổn định. Trong khi đó, lượng bánh cung cấp cho các khách hàng của cơ sở bà Thuý cần được duy trì xuyên suốt với số lượng cố định.

“Việc thiếu thợ nướng bánh làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, có khi tôi bị mất khách hàng do không giao đủ như thoả thuận”, bà Thuý chia sẻ.

Cách thức nướng bánh tráng thủ công hiện nay của nhiều cơ sở bán bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Trước tình hình này, để bảo đảm yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh, bà Thuý trăn trở về việc phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Bà tìm đến một kỹ sư lành nghề và nêu ý tưởng, đặt hàng chế tạo máy nướng bánh tráng phơi sương.

Sau một thời gian vận hành thử nghiệm, vừa qua, chiếc máy nướng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đầu tiên được bà Thuý đưa vào hoạt động tại cơ sở và cho kết quả khá mỹ mãn. Máy sử dụng năng lượng điện và không gây tác động xấu đến môi trường ở khu vực sản xuất.

“Không những giúp tôi chủ động được nguồn bánh cung cấp, máy còn cho ra những chiếc bánh có chất lượng tốt hơn bánh nướng thủ công. Do nướng bằng máy chín nên rất đều, không bị cháy, không bị sống so với nướng thủ công đôi khi mắc phải”, bà Thuý nói thêm.

Để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và phát triển theo xu thế, sắp tới bà Thuý sẽ đặt thêm 2 chiếc máy nướng và máy tráng bánh tráng phơi sương.

Máy nướng bánh tráng của trang trại chị Thuý.

Được biết, trang trại rau rừng Thanh Thuý được thành lập vào năm 2010, cung cấp sản phẩm cho nhiều siêu thị và chợ ở TP.HCM, giúp cho hàng chục hộ nông dân tại địa phương có thu nhập ổn định.

Mỗi ngày trang trại xuất bán khoảng 1 tấn rau về các siêu thị tại TP.HCM. Trang trại tạo việc làm ổn định cho khoảng 15 nhân công làm các công việc như rửa rau, phân loại, đóng bao, dán nhãn, nướng bánh tráng phơi sương… với thu nhập bình quân khoảng 200.000 đồng/ngày.

Hiện nay trên toàn phường Gia Lộc có khoảng 30 hộ gia đình đã được trang trại Thanh Thuý cung cấp cây giống, đồng thời thu mua lại sản phẩm rau rừng. Hộ có ít đất cũng trồng khoảng 1 công (1.000m2) hộ có nhiều đất trồng khoảng 7 công. Trung bình mỗi công cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Thu hoạch rau rừng.

Mặc dù bề bộn với công việc nhưng bà Thuý luôn hướng về cộng đồng. Đến nay bà đã hơn 10 năm gắn bó với công tác từ thiện – xã hội, bản thân bà và gia đình đã tự nguyện hỗ trợ cho  nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Gia Lộc; vận động được hơn 1.500 phần quà trị giá 600 triệu đồng cho các chị hội viên nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đón tết.

Hàng năm bà còn hỗ trợ cho Hội LHPN phường Gia Lộc 20 triệu đồng để trao học bổng cho các em học sinh và trao vốn khởi nghiệp giúp phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, bà còn vận động các mạnh thường quân đóng góp được 200 triệu đồng để xây dựng 5 căn nhà Mái ấm tình thương trên địa bàn phường.

Mới nhất, trong đợt dịch Covid-19 đầu năm nay, bà Thuý đã đến thăm và tặng khẩu trang, nhu yếu phẩm… với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng cho các đơn vị phòng, chống dịch tuyến biên giới của tỉnh.

An Khang

Tin cùng chuyên mục