Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ở đâu, Căn cứ địa Trà Vong ?
Thứ tư: 15:42 ngày 05/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài hát Chiến khu Trà Vong của chàng nhạc sĩ trẻ Xuân Hồng khi ấy có 2 câu nhắc đến rừng và suối. Dĩ nhiên, năm ấy chắc rừng vẫn bạt ngàn. Còn suối, hẳn là suối Trà Vong đến nay vẫn dạt dào nước chảy.

Cúng dinh thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, phường 1, TP. Tây Ninh.

Trên bản đồ Tây Ninh, vẫn thấy suối Trà Vong có ngọn nguồn từ xã Mỏ Công hiện tại chảy qua ấp 3, Trà Vong- nơi có khu lăng mộ và đền thờ Quan lớn Trà Vong. Rồi suối chảy sang ấp Trà Hiệp giáp giới xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) hợp lưu với suối Tà Hợp có ngọn nguồn là suối Ky để trở thành rạch Tây Ninh thong dong trườn qua Thành phố.

Nhưng đây mới chỉ là hình ảnh khu trung tâm của căn cứ địa. Bởi theo mô tả tại sách “Tây Ninh 30 năm trung dũng, kiên cường” thì quy mô căn cứ địa thật “bao la”. Đấy là: “Địa giới khu vực Trà Vong: trước mặt là phía Nam, từ trung tâm cách thị xã Tây Ninh khoảng 18 km đường chim bay, có những cánh rừng nhỏ xen lẫn trảng trống, rừng dầu thưa đến rừng dày thông giáp biên giới Cămpuchia.

Bên phải có rừng trảng xen nhau, có quốc lộ 22 chạy ngang qua, cách Trà Vong khoảng 8 km đường chim bay. Bên trái, cũng rừng trảng xen nhau có đường đất Kedon đi Kà Tum (nay là ĐT785) cách rừng Trà Vong khoảng 12 km…”.

Sách cũng mô tả các khu vực chức năng trong căn cứ. Như khu quân sự (văn phòng Chi đội 11), khu vực các cơ quan tỉnh, khu vực dân cư. Và, nếu căn cứ vào các khu phụ thuộc vừa là bảo vệ cho căn cứ ấy, thì quy mô căn cứ địa là rất lớn, thậm chí là còn tràn qua các con đường quốc lộ 22B và ĐT 785.

Đấy là từ xóm Suối Trà Vong tràn qua xóm Trường của Đước Hoà Bình (nay là Hảo Đước) ở về bên phải trung tâm. Các xóm Trà Vong cũ và Trà Vong mới án ngữ ngay trước mặt. Phía đàng sau là các xóm Dầu Lớn trong, xóm Ky, lên tận bàu Văn Lịch nay thuộc xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu. Bên trái là các xóm Khedol trên, Khedol dưới… thông tới xóm Bà Hảo nay thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu.

Như vậy là căn cứ địa bao trùm cả một vùng rộng lớn, nay là một phần của các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và cả thành phố Tây Ninh. Ngoại trừ Tân Châu, các huyện thành còn lại đều có nhiều đền miếu thờ Quan lớn Trà Vong. Đặc biệt nhất là từ năm 1997, nhờ sự phát hiện của nhân dân và sự quan tâm của Sở Văn hoá Thông tin mà khu mộ của ông Huỳnh Công Giản đã được xây dựng tại ấp 3, xã Trà Vong.

Miếu thờ Huỳnh Công Giản (Quan lớn Trà Vong) ở trên đường Phan Châu Trinh, ấp Thái Vĩnh Đông của xã Thái Hiệp Thạnh xưa (TP. Tây Ninh nay) có đôi liễn đối viết chữ Hán:

- Nhật Tảo xuất anh tài, vị quốc vong thân, trứ trứ phương danh thuỳ trúc bạch

- Tà Dương trừ man tặc, ưu quân trí mạng, nguy nguy chính khí quán sơn hà.

Đôi liễu do cụ Hàn y Nguyễn Ngọc Diệp phụng cúng. Và một nhà thơ Tây Ninh là cụ Hy Đạm dịch ra tiếng Việt là:

- Nhật Tảo trổ oai thần, nặng nước nhẹ thân, rờ rỡ hùng danh ghi sử sách/

- Trà Vong ngăn giặc thổ, tròn trung vẹn tiết lừng lừng chánh khí ngút non sông

(Tây Ninh xưa, 1972).

Đối chiếu bản chữ Hán và bản dịch, có thể bạn đọc sẽ thấy vài chỗ dịch chưa đúng ý. Nhưng cả 2 cụ đều là người cùng thời, sinh khoảng đầu thế kỷ 20, nên bản dịch hẳn là đã đúng ý của chính tác giả. Các cụ lại sống trong vùng đô thị do Sài Gòn kiểm soát, nên văn chương phải cẩn thận và ý tứ tránh bị chính quyền nghi kỵ.

Đôi liễn trên hẳn là có liên quan đến bản tiểu sử Đức Quan lớn Trà Vong cũng được cất giữ ở miếu thờ trên. Theo đó thì Huỳnh Công Giản sinh năm Nhâm Dần (1722), tử tiết cũng Nhâm Dần (1782) tại chiến luỹ Trà Vong. Quê ngài là ở làng Nhật Tảo, tỉnh Tân An (nay là Long An). Năm 27 tuổi, ngài cùng em trai (Huỳnh Công Nghệ) và một số dân binh đến vùng rừng núi Tây Ninh quy dân lập ấp.

Trên vùng đất mới này, các ông lập được 3 ấp là Tân Hội, Tân Hiệp và Tân Lập. Vùng đất Trà Vong này, khi triều đình thiết lập hệ thống hành chính (phủ Tây Ninh- 1836) mới thuộc về xã Thái Bình, tổng Hoà Ninh của huyện Tân Ninh.

Nếu bản tiểu sử kể trên là đúng, thì năm Huỳnh Công giản 27 tuổi, tức là năm 1749. Và, tính tới khi lực lượng cách mạng Tây Ninh lập nên căn cứ địa Trà Vong là khoảng 200 năm (1749-1948). Hai trăm năm ấy, đã có biết bao sự tích của người Tây Ninh chống giặc ngoại xâm.

Từ thuở rất xa xưa “Trà Vong ngăn giặc thổ” cho đến hoà ước Nhâm Tuất (1862) phải nhường 3 tỉnh miền Đông cho giặc Pháp, đã có Khâm Tấn Tường bất tuân lệnh, dẫn nghĩa quân lên rừng lập phủ An Cơ chống Pháp. Rồi, chỉ 4 năm sau (1866), nghĩa quân Trường Quyền - Pu kom pô lại đánh cho quân Pháp tơi bời, đại bại ở chính Trà Vong.

Tại cuộc hội thảo ngày 17.10.2023, nhiều vị lão thành cách mạng và nhân chứng lịch sử đã nêu các ý kiến xác đáng. Nhiều địa danh xưa của rừng Trà Vong anh dũng được nêu tên, như trảng Mây Rắc, bàu Cá Ngựa, bàu Sen Rùng… Sau khi các đại biểu đi khảo sát thực địa, hội nghị nhất trí chọn địa điểm tại trảng Mây Rắc.

Nơi này, hiện có khu đất do Ban Chỉ huy Quân sự TP. Tây Ninh quản lý. Từ kết quả này, Huyện uỷ sẽ sớm có tờ trình đến các cơ quan chức năng công nhận Di tích lịch sử - văn hoá “Vị trí căn cứ Tỉnh uỷ tại rừng Trà Vong (1948-1950)”. Địa điểm này hiện thuộc ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công.

Đường qua ấp 3, Trà Vong.

Tới đây, xin lật giở lại các trang nghiên cứu của cuộc hội thảo “Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1945-1975)” (NXB Quân đội Nhân dân 2002). Trong đó có bài tham luận của ông Nguyễn Thanh Long- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ. Bài có tựa đề: “Tỉnh uỷ Tây Ninh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ căn cứ địa Trà Vong trong kháng chiến chống thực dân Pháp”. Ở đây tác giả gọi tên rõ ràng là Căn cứ địa Trà Vong (không chỉ là căn cứ Tỉnh uỷ).

Còn nhớ, vào năm 1999, ngành Văn hoá cũng đã đề nghị và được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận di tích “Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời” là di tích quốc gia. Cho đến năm 2020, Đảng bộ thị xã Trảng Bàng xuất bản cuốn sách “Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại”, mới thấy tầm vóc của một “Mật khu Bời Lời” hay “Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại”.

Sự kiện này cho thấy có thể người lập hồ sơ di tích đã rơi vào tình huống “thấy cây mà chẳng thấy rừng”. Do vậy mà đã không thấy di tích Căn cứ địa Bời Lời trong danh mục các di tích lịch sử văn hoá ở Tây Ninh. Nếu vậy thì trong tương lai, nếu đặt tên di tích là “Căn cứ Tỉnh uỷ tại rừng Trà Vong” thì có thể sẽ bỏ sót một di tích quan trọng hơn, là Căn cứ địa Trà Vong.

Đây cũng chính là điều mà trong một văn bản của Huyện uỷ Tân Biên gửi tới UBND huyện và Ban Tuyên giáo Huyện uỷ (ngày 4.11.2022) đã chỉ đạo rất đúng đắn. Đấy là: “xác định vị trí, địa điểm Căn cứ Trà Vong để có cơ sở lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử và xây dựng khu Di tích Căn cứ Trà Vong”.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục