Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
NGƯỜI VIỆT Ở HAI BỜ THÁI BÌNH DƯƠNG:
Ở đâu cũng nên vì đất nước
Thứ sáu: 08:33 ngày 24/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trớ trêu là, trong khi nhiều người từng bên kia chiến tuyến, nay đã gác lại quá khứ, thay đổi thái độ vì đại cuộc, vì đất nước thì không ít người trong nước lại “nhân danh” đủ mọi điều để cản trở sự phát triển.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay gần 4 triệu người Việt hoặc gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Trong đó, có nhiều người, thậm chí hàng triệu người, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp từng ở bên kia chiến tuyến.

Một thời gian dài, không ít người trong số họ luôn mang định kiến với quê cha đất tổ, với chế độ hiện nay. Không chỉ để trong lòng, nhiều người trong số đó còn hành động không khác gì những kẻ khủng bố nhưng nay đã dần thay đổi thái độ.

Họ gác lại quá khứ, góp phần xây dựng quê hương, đóng góp cho nơi chôn nhau cắt rốn theo cách của riêng mình. Nhưng mặt khác, có người sinh sống ở trong nước, từng “quyền cao chức trọng”, có trình độ, được đào tạo bài bản… lại có những lời nói, việc làm thiếu thiện chí dưới chiêu bài nhân quyền, phản biện. Họ là ai?

NGƯỜI VIỆT BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG

Nếu quan tâm đến thời cuộc, không khó khăn gì để ta nhận thấy những người từng ở bên kia chiến tuyến (gián tiếp hoặc trực tiếp) nay đang tham gia xây dựng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong số những người như vậy, có một luật sư (xin được viết tắt) tên là H.D.H, hiện sống ở nước Mỹ.

Trong quá khứ, ông H.D.H từng có một thời gian điên cuồng chống lại chế độ hiện nay. Không chỉ bằng hô hào suông, chính ông này đã xâm nhập vào Việt Nam và có âm mưu đặt chất nổ nhằm phá hoại nhiều mục tiêu có tính biểu tượng của cả nước. Ông bị bắt, bị tù và sau đó được thả.

Sau những biến cố đó, như chính lời ông tâm sự trên kênh YouTube của mình, đại ý ông nói, nếu tiếp tục đi theo con đường này (chống phá, đối đầu), cá nhân ông sẽ lâm vào bế tắc, trong khi đất nước đang hàn gắn vết thương chiến tranh, mình cần suy nghĩ lại. Nói là làm.

Được trả tự do, trở về Mỹ, một thời gian, trong vai trò nghị viên của một thành phố nhỏ thuộc nước Mỹ, ông đã có nhiều hành động cụ thể. Đã có lần, trong vai trò của một nghị viên, ông cùng lãnh đạo thành phố thuộc nước Mỹ sang “thăm và làm việc” với thành phố Đà Nẵng, nhịp cầu hữu nghị đã được hình thành.

Công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, ông H.D.H lập một kênh YouTube để kêu gọi người Việt ở nước ngoài hãy dũng cảm bỏ qua định kiến, gác lại quá khứ, chung tay xây dựng đất nước. Không chỉ dừng lại ở hô hào có tính khẩu hiệu, ông đã nhiều lần về thăm quê cha đất tổ.

Là người có trình độ, thành thạo tiếng Anh, am tường lịch sử, tiếng nói của ông, xét một cách thận trọng, cơ bản có tính thuyết phục cao. Làm được điều đó, không phải ông sử dụng tài hùng biện của một luật sư để mê hoặc người khác, đơn giản là ông nhìn thẳng vào sự thật và cất lên tiếng nói bởi sự thôi thúc của lương tâm. Kênh YouTube của ông hiện có hàng trăm ngàn người theo dõi. Mỗi chương trình, mỗi chủ đề, góc nhìn của ông phát trên YouTube có hàng ngàn bình luận.

Không chỉ mỗi mình ông, ngày càng có nhiều người Việt từng bên kia chiến tuyến hoặc con em của họ nay đã thay đổi thái độ, xoá bỏ định kiến, gác lại quá khứ vì tương lai của đất nước. Cùng với vị luật sư vừa kể, trên YouTube còn có một người đàn ông có cha người Mỹ, mẹ người Việt, người này từng tham gia quân đội Mỹ.

Sinh ra ở Mỹ nhưng người này nói tiếng Việt khá chuẩn. Không ngần ngại, người đàn ông này, thông qua kênh YouTube của mình đã đấu tranh trực diện với những người suốt ngày chửi bới quê nhà. Một điểm khác biệt của anh này với vị luật sư, là trên trang cá nhân của mình, anh chỉ trích mạnh mẽ những Việt kiều về nước để trốn dịch Covid -19 , tức trốn “thần chết” nhưng lại đòi yêu sách này nọ.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể thêm một người, trên mạng, anh này có biệt danh H “trọc”, bởi cái đầu bóng nhẵn, không một sợi tóc. Theo tự thuật, gia đình, họ hàng của anh có nhiều người từng giữ chức vụ nhất định trong chế độ cũ. Là công dân Mỹ “chính hiệu”, tiếng Anh “sành điệu”, kinh doanh thành đạt, lẽ thường, anh chẳng việc gì phải bận tâm tới chuyện trong nước.

Nhưng, như chính anh trò chuyện trên YouTube, bản thân anh không chấp nhận những người gốc Việt hoặc mới từ Việt Nam qua Mỹ suốt ngày chửi bới, cản trở sự phát triển của đất nước. Xuất phát từ sự thôi thúc đó, bằng cách nói chuyện thẳng thắn, thậm chí nhiều khi cực kỳ thô tục, đã không ngần ngại lật tẩy những người luôn có định kiến với quê hương.

Bằng góc nhìn có phần gai góc, không ngại đụng chạm của mình, người này nói thẳng: “Tôi không tuyên truyền cho ai cả, tôi chỉ nói lên sự thật. “Thị trường” chống cộng ở Mỹ ngày càng bị thu hẹp, vì người Việt ở Mỹ đã nhận ra bộ mặt giả nhân giả nghĩa của đám chống cộng cực đoan”.

Nhìn rộng ra, không chỉ những người bình thường, ngay cả các quan chức cao cấp của chế độ cũ cũng lên tiếng ủng hộ chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Khi còn sống, ông Nguyễn Cao Kỷ, một phó tổng thống, một thiếu tướng không quân của quân đội VNCH đã phát biểu công khai trên VTV1 rằng, nhóm người Việt tự xưng dân chủ, nhân quyền thực ra là một lũ côn đồ mạt hạng, chuyên lừa đồng bào để kiếm sống.

NHỮNG NHÀ “PHẢN BIỆN” TRONG NƯỚC

Trớ trêu là, trong khi nhiều người từng bên kia chiến tuyến, nay đã gác lại quá khứ, thay đổi thái độ vì đại cuộc, vì đất nước thì không ít người trong nước lại “nhân danh” đủ mọi điều để cản trở sự phát triển.

Theo dõi kỹ sẽ thấy, không phải những người này không nhận ra đâu là chính, đâu là tà. Bởi vì ngoại trừ một thiểu số ít học, còn lại phần lớn những người lớn tiếng đòi “dân chủ, nhân quyền” tích cực “phản biện” đều được đào tạo bài bản.

Phải thừa nhận rằng, nhiều người trong số này rất giỏi và trước khi “trở cờ” họ là những người ít nhiều có uy tín, có tiếng nói trong xã hội, có người đã từng giữ cương vị khá cao. Khi đương chức, họ im lặng để hưởng bổng lộc.

Nhưng khi nghỉ hưu hoặc vì lý do nào đó nghỉ việc, họ quay sang bóp méo, bôi đen xã hội để chứng tỏ là người cấp tiến, là tiếng nói của dân chủ, nhân quyền. Điều đáng suy ngẫm là, trong số đó có một số văn nghệ sĩ. Những tác phẩm thơ ca nhạc hoạ của họ đã từng được in, xuất bản trong nước.

Cao quý hơn, nhiều tác phẩm của họ còn xuất hiện trong chương trình, sách giáo khoa của Nhà nước rồi còn xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. Bao thế hệ học sinh sinh viên, hàng triệu nhà giáo từng ngưỡng mộ tài năng của họ, từng say mê, nghiền ngẫm tác phẩm của họ, tức gửi gắm lòng tin nơi họ. Thế nhưng, bỏ lại tất cả sự trọng vọng của xã hội, sự đối đãi của chế độ, họ đã trở mũi giáo.

Con người, theo một nghĩa nào đó, là một sản phẩm của lịch sử. Do đó, ở từng giai đoạn, từng thời kỳ, nếu có những hành động, việc làm khác với lúc còn trẻ là điều không gây ngạc nhiên, vì “nhận thức là một quá trình”.

Tuy nhiên, nhìn nhận thời cuộc, đánh giá chính sách, đánh giá thể chế phải bằng tinh thần khoa học và cái nhìn công bằng. Điều này hoàn toàn khác với hành vi nhân danh “phản biện” để chống phá, chửi bới đến mức vô văn hoá.

Suốt ngày chửi bới, lộn ngược giá trị, lộn ngược lịch sử, đó đích thị là những kẻ “dân chửi” chứ không phải dân chủ đúng nghĩa. Chửi rủa, công kích, tranh cãi, “ném đá” giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với tập thể và cao hơn, với đất nước, hoàn toàn không phải là phản biện như nhiều người ngộ nhận.

V.Đ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh