Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
'Ổ dịch' Iran đe dọa Trung Đông
Thứ tư: 09:16 ngày 26/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Iran bị xem như mối đe dọa toàn cầu khi hàng loạt ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện ở các quốc gia láng giềng, thậm chí truyền tới Canada.

Hàng loạt ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận ở Iraq, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oamn, Lebanon, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và thậm chí ở Canada, đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Iran. Điều này khiến Iran nổi lên như tâm dịch Covid-19 thứ hai sau Trung Quốc, gieo rắc nỗi sợ hãi từ Kabul tới Beirut. 

Hai người dân đeo khẩu trang bên ngoài bệnh viện ở thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: NY Times.

Giới chuyên gia nhận định Trung Đông là địa điểm thuận lợi để phát sinh đại dịch với sự di chuyển liên tục giữa các quốc gia của người hành hương Hồi giáo và người lao động nhập cư có thể mang virus corona. Nền kinh tế của Iran bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt, người dân mất niềm tin vào chính phủ và các nhà lãnh đạo dường như cô lập với thế giới, khiến việc nắm bắt thông tin về mức độ dịch lây lan ở đây gặp nhiều hạn chế.

Nội chiến và nhiều năm bất ổn đã tàn phá hệ thống y tế của các nước láng giềng với Iran như Syria, Iraq, Afghanistan và Yemen. Hầu hết bộ máy quản lý của các quốc gia trong khu vực đều gặp vấn đề trong việc cung cấp sự minh bạch cũng như dịch vụ y tế cho người dân.

"Đây chính là công thức cho một đợt bùng phát dịch bệnh lớn", Peter Piot, giám đốc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, người từng điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, cho biết.

Hàng triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp khu vực hàng năm hành hương về thánh địa Shiite ở Iran và Iraq. Chỉ tính riêng tháng 1, khoảng 30.000 người Afghanistan đã tới Iran và hàng tuần, hàng trăm người khác tiếp tục hành hương tới Qom, địa điểm bùng phát dịch ở Iran.

Iraq đã đóng cửa biên giới với Iran từ hôm 22/2, nhưng có hàng triệu người qua lại giữa hai nước mỗi năm. Do đó, nhiều người nhiễm bệnh có thể đã mang virus tới Iraq. Cho tới trưa ngày 24/2, những chuyến bay đến và rời Iran tại sân bay ở Najaf, Iraq vẫn hoạt động bình thường.

Thống đốc nhiều tỉnh Iraq có đường biên giới với Iran nhận thấy nguy cơ lây nhiễm cao. Hai người trong số họ đã trực tiếp thị sát cửa khẩu biên giới để đảm bảo nó được kiểm soát và người Iran bị cấm vào địa phận nước này.

Qutaybah al-Jubouri, người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc hội Iraq, gọi nCoV là "dịch hạch" và cho biết ủy ban của ông đang kêu gọi đóng cửa tất cả biên giới "trên không và trên biển" với Iran cho tới khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt hành khách từ Iran tại sân bay ở Baghdad, Iraq. Ảnh: NY Times.

Bộ Y tế Iran gửi thư cho Thống đốc Qom vào thứ 5 (20/2) và yêu cầu lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite hạn chế người hành hương đến đền Fatima Masumeh cùng nhiều địa điểm tôn giáo khác trong thành phố. Nhưng cho tới sáng thứ 3 tuần sau, đám đông vẫn tụ tập xung quanh ngôi đền và thực hiện nghi lễ cầu nguyện chung.

Iran có thể được xem là trường hợp điển hình về nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Nước này phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Qom gần một tuần trước. Giới chức y tế hôm 24/2 thông báo 4 người chết vì nCoV trong ngày 23/2, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia này lên con số 12. Ít nhất 61 người khác bị nhiễm virus, trong đó các ca mới được ghi nhận ở Qom, Isfahan, Hamedan và nhiều thành phố khác.

Tin tức chậm chạp về sự lây lan của dịch càng khiến Tehran mất đi sự tin tưởng, khi chưa đầy hai tháng trước, giới chức nước này phải thừa nhận che giấu thông tin vụ bắn nhầm máy bay Ukraine. Nhiều người Iran hôm 24/2 bày tỏ sự hoài nghi về thông tin của chính phủ liên quan tới dịch Covid-19.

Ahmad Amiri Farahani, nghị sĩ Iran đại diện cho Qom ngày 24/2 tuyên bố có ít nhất 50 người chết vì Covid-19 ở quốc gia này, bao gồm 34 người được cách ly và trường hợp đầu tiên được báo cáo hơn hai tuần trước khi giới chức thừa nhận dịch xuất hiện. "10 người chết mỗi ngày ở Qom", Farahani khẳng định trong bài phát biểu trước quốc hội để yêu cầu phong tỏa thành phố.

Bộ Y tế Iran kịch liệt phủ nhận tuyên bố trên. "Tôi sẽ từ chức nếu số người tử vong bằng 1/2 hoặc 1/4 con số trong tuyên bố kia", Ahmad Harirchi, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Iran, cho hay.

Truyền thông Iran đưa tin tiến sĩ Mohamad Reza Ghadir, hiệu trưởng một trường đại học y ở Qom và quan chức cấp cao phụ trách kiểm soát dịch Covid-19, là một trong số những người phải cách ly. Điều này đã làm gia tăng thêm sự lo lắng của công chúng.

Tiến sĩ Ghadir hôm 24/2 nói trên truyền hình nhà nước Iran rằng Bộ Y tế yêu cầu giới chức thành phố "không công bố bất kỳ số liệu nào" liên quan tới dịch bùng phát ở Qom. Theo ông, tình hình hiện tại "rất nghiêm trọng và dịch bệnh đã lan khắp thành phố".

Thay vì nghe theo lời kêu gọi của giới chức địa phương rằng hãy tránh xa bệnh viện để tránh lây nhiễm, nhiều người Iran đổ xô tới các phòng khám để xét nghiệm virus. Bệnh viện Imam Khomeini ở Tehran đã phải dựng thêm lều bên ngoài vì quá tải.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Persian từ Tehran, tiến sĩ Barak Gharaye Moghadam kêu gọi công dân "làm ơn lắng nghe" lời khuyên của giới chức y tế và đừng nghe theo tư vấn trên mạng xã hội. 

Người phụ nữ đeo khẩu trang tại hiệu thuốc ở thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: AFP.

Giá khẩu trang y tế đã tăng vọt trên khắp khu vực, gồm Iran, Iraq, Lenanon và Afghanistan. Một số nơi đã bán với giá đắt gấp 30 lần bình thường. 

Chuyên gia lo ngại rằng rất ít quốc gia Trung Đông có thể sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mối đe dọa từ Covid-19. "Những quốc gia này đã chuẩn bị ứng phó ra sao? Nói thật, tôi chưa thấy bất kỳ sự chuẩn bị sẵn sàng nào như ở Trung Quốc và các nơi khác, thậm chí một số thiết bị bảo hộ cá nhân còn bị thiếu", tiến sĩ Montaser Billbisi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từng được đào tạo ở Mỹ, hiện làm việc ở Amman, Jordan, cho biết.

Ông thêm rằng chưa từng thấy một bộ đồ bảo hộ đầy đủ nào ở Jordan. "Do đó, nhân viên y tế sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao", ông nói.

Tại Afghanistan, giới chức cho biết ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận là một người đàn ông 35 tuổi ở tỉnh phía tây Herat và người này mới đây đã tới Qom. Giới chức y tế đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Herat. Chính phủ hôm 23/2 cấm mọi chuyến đi đến và rời Iran bằng đường bộ và đường không.

Nhưng đóng cửa biên giới là chuyện không dễ dàng, bởi hàng nghìn người hành hương, du lịch, công tác và học tập qua lại biên giới mỗi tuần. "Trong hai tuần qua, hơn 1.000 người từ Herat tới Qom, điều đó có nghĩa họ đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm virus", Bộ trưởng Y tế Afghanistan Ferozuddin Feroz nói trong cuộc họp báo ở Kabul hôm 24/2.

Dù giới chức trấn an rằng họ đã đặt hàng thêm khẩu trang y tế, người dân vẫn thấy lo sợ về các biện pháp phòng ngừa khác. 

Mohamad Iman, con trai một giáo sư đại học ở Herat, người trở về từ Iran 3 ngày trước, đã gọi cho phóng viên New York Times hôm 24/2 để hỏi về quy trình cách ly. "Bố tôi không có dấu hiệu nhiễm Covid-19 nhưng ông ấy và cả nhà tôi đều rất lo lắng. Bố tôi tự nhốt mình trong phòng sách và yêu cầu chúng tôi để ít thức ăn, nước uống ở cửa và phải tránh xa căn phòng", Iman nói.

7 năm trước, Arab Saudi từng là tâm dịch MERS (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông), căn bệnh truyền nhiễm từ lạc đà sang người. Nhưng cho tới giờ, Arab Saudi, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, vẫn vật lộn để đáp ứng các quy trình vệ sinh tiêu chuẩn nhằm hạn chế sự lây lan của virus trong bệnh viện. Đợt dịch MERS bùng phát cuối mùa xuân năm ngoái đã khiến ít nhất 61 người nhiễm bệnh và 8 người tử vong.

"Nhiều bệnh viện ở Arab Saudi đã được cải thiện nhưng một số vẫn cần làm tốt hơn trong công tác phòng ngừa", tiến sĩ David L.Heymann, cựu chủ tịch Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh, cho hay.

Tại Iraq, quốc gia có đường biên giới với Iran dài nhất, chỉ ghi nhận một ca nhiễm bệnh là Suhail Mohammad Ali, sinh viên 22 tuổi người Iran hiện học tập ở Najaf. Trong động thái đầu tiên để ngăn dịch lây lan, sở giáo dục thành phố Najaf hôm 24/2 thông báo hoãn kỳ thi mùa xuân và đền Imam Ali đã bị đóng cửa. Bộ Y tế khuyến nghị người dân tránh nơi đông người, không ôm hôn hoặc bắt tay.

Người đàn ông đeo khẩu trang tại khu chợ ở Herat, Afghanistan hôm 24/2. Ảnh: AFP.

Trong khi đó tại Beruit, Lebanon, người phụ nữ 41 tuổi trở về sau chuyến hành hương tới Qom vào tối 20/2 và được phát hiện nhiễm nCoV vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, phải tới thứ 24/2, chính phủ mới ban hành kế hoạch khẩn cấp, quy định hạn chế việc đi lại tới các khu vực bị ảnh hưởng và hành khách sẽ bị cách ly ở sân bay nếu có triệu chứng bệnh.

Nhưng không có quy định cụ thể nào được đưa ra và không phải tất cả hành khách tới Beirut trong những ngày gần đây đều phải kiểm tra sức khỏe. Hai chuyến bay từ Qom đã được phép hạ cánh ở Beirut hôm 24/2. Người phụ nữ Lebanon trên chuyến bay bị nhiễm virus từ Qom được yêu cầu tự cách ly ở nhà.

Bộ trưởng Y tế Lebanon Hamad Hasan hôm 24/2 kêu gọi người dân nước này bình tĩnh. Nhưng Rabih Shaer, người sáng lập chiến dịch chống tham nhũng ở Lebanon, chỉ trích phản ứng chậm chạp của chính phủ là "vô trách nhiệm".

"Người dân Lebanon không còn tin rằng giới lãnh đạo của họ có thể đương đầu với mọi vấn đề. Cho tới giờ, họ vẫn chưa đưa ra được giải pháp đúng đắn. Không có sự minh bạch và trách nhiệm", Shaer nói.

Tiến sĩ Nada Melhem, chuyên gia về virus tại Đại học Mỹ ở Beirut và là cố vấn của Bộ Y tế, thừa nhận "mức độ hoảng loạn ở Lebanon rất cao". "Nhưng bằng sự theo dõi có hệ thống, chúng tôi sẽ có thể kiểm soát nó. Hệ thống của chúng tôi có lỗ hổng không? Chắc chắn là có nhưng tôi hy vọng hạn chế được nhiều nhất có thể", bà Melhem cho biết. 

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục