Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ẵm hai đứa cháu bỏ lên ghế cao, nước đã ngang hông rồi, bà Hai không còn một ý nghĩ nào về chuyện chạy lụt nữa. Bà ngồi nhìn hai khuôn mặt ngây thơ mà không cầm được những giọt nước mắt.
Vợ chồng con gái Út của bà Hai đều làm thợ hồ. Chồng xây vợ phụ. Ban đầu hai vợ chồng nhận làm ở quê, thu xếp vừa làm vừa chăm con nhưng sau thấy không ổn. Công thợ ở quê không cao, lại thêm mùa mưa hơi dài, mưa lũ bão bùng không ai xây cất phải bóp họng bóp hầu cho trôi ngày. Chỉ còn một con đường là khăn gói vào phố. Mấy năm trước chỉ chồng đi, đến giỗ chạp ma chay hoặc tết nhứt thì về, làm xa nhà nhiều cái khổ nhưng cuộc sống khá hơn nên bằng lòng. Lây lất mấy năm, bây giờ thằng lớn học lớp một, cu nhỏ đi mẫu giáo nên vợ chồng yên tâm giao đứt cho bà Hai rồi dắt nhau đi làm.
Bà Hai thiếu một tuổi nữa đầy tám mươi, tướng chắc vầm, tay chân nhanh nhẹn. Bà một thời “nuôi đủ… chín con với một chồng” (theo đúng nghĩa đen), giờ già lo rửa đít cho cháu. Phụ nữ như bà thật khổ. Hết con tới cháu. Bà có năm đứa con gái nhưng trước giờ cũng chỉ nuôi đẻ, chăn dắt các cháu khi con cái mắc việc vắng nhà một hai hôm chứ không như lần này. Lần này con gái Út bàn giao hai nhóc, ai cũng khuyên đừng nhưng bà vui vẻ nhận “công tác”. Bà bảo con bé khổ, ở lớn tuổi mới lấy chồng sinh con. Vợ chồng tay trắng vay mượn cất nhà, mình không có tiền thì cho công để con trả nợ.
Nhà bà Hai ở bên này mương lớn, vùng đó gần sông nhưng cao ráo. Nói nhà nhưng con cái ra ở riêng hết, rồi sau nhiều lần bão lụt nghiêng ngửa, bà quyết định tháo dỡ hết, giao đất cho vợ chồng thằng lớn mở mang nhà cửa quán xá, chỉ giữ một gian phòng đủ cho hai vợ chồng già ở, bít trước bít sau, chật cứng cừng cưng như cái lô cốt.
Bà đem hai thằng cháu hiếu động về, tụi nó khóc la bai bải: “Nhà ngoại chật quá, hôi quá! ”. Thằng lớn rằn rực chút nhưng không sao chứ thằng nhỏ phản đối kịch liệt. Tối đến không chịu ngủ trên giường xếp. Ban ngày thà nín ỉa chứ nhất định không chui vào nhà vệ sinh nhỏ như chỗ cóc ngồi. Bà Hai đành bàn với chồng chuyện sẽ dẫn hai cháu về nhà chúng. Bà thủ thỉ: trẻ con quen nhà, với lại nhà tụi nó mới xây nên rộng rãi tiện nghi, ở bên đó cũng thuận bề đưa đón chúng đi học. Nhà trên này ông coi, cơm canh tui đã nhờ con dâu nấu giùm, tới bữa qua ăn rồi về coi ti vi, chịu khó ... Ông Hai không ý kiến chuyện sẽ ở nhà một mình mà lo lắng:
- Ở một mình cũng được nhưng tui không yên tâm.
- Về chuyện gì?
- Nhà tụi nó đẹp đẽ nhưng vùng ấy sát sông Lớn, đang mùa mưa, thuỷ điện xả nước liên tục, lỡ lũ về, bà lạ đất lạ cái biết đâu mà chạy!?
- Tui cũng lo nỗi ấy nhưng giờ nhà chật ém, các cháu không chịu ở mình đâu có cột chúng được. Mà ông yên tâm, ông bà nội chúng ở bên cạnh. Họ dân vùng sông nước, bơi lội như rái lo gì... - ngừng một chập rồi bà tiếp: Mà giả lũ về thiệt, người ta có bỏ thì bỏ mình chứ cháu họ không bỏ được đâu. Mà tui từng tuổi này sợ gì lũ lụt.
Ông Hai đàn ông nhưng hơi “yếu”, xưa nay lớn nhỏ trong nhà vợ tính hết nên chuyện này cũng đem bàn cho có chứ bà Hai đã quyết thì cứ y vậy mà làm.
Về nơi ở mới được hai tháng, trời nổi mưa xối xả. Tính ra năm nay lũ về muộn - bà nói với hai đứa cháu dù chúng chẳng biết gì ngoài chuyện trông có mưa để bì bõm lội nước. Làm nhà bên mé bồi của sông, mùa nắng tha hồ ăn dưa gặm bắp nhưng mùa mưa cứ phải thom thóp. Khổ, mưa lớn một chút là nước xăm xắp ngoài ngõ. Bữa đó ảnh hưởng áp thấp, mưa lớn hai ngày hai đêm, nước ồ ạt leo lên nấc cấp thứ hai.
Hai đêm mưa là hai đêm bà Hai không ngủ, không nằm yên được, cứ một lát ngồi dậy tháo cửa thăm nước. Bà sợ lỡ ngủ quên, nước tràn lên cuốn phăng mấy bà cháu. Mưa ngớt, bà thở phào. Ổn rồi, mưa nặng hạt hai ngày đêm nhưng nước vẫn còn ở ngoài sân chới với nhìn vào nhà. Mọi thứ có vẻ ổn hơn suy nghĩ. Ngớt mưa nhưng nước rút muộn. Khổ. Hai thằng cháu ham nước mừng rỡ, chực lén bà ngoại lội đi chơi. Bà Hai vừa nấu cơm vừa canh cháu, bà hét cả xóm nghe: “Coi chừng lộn cổ dưới nước!”, “Coi chừng nhiễm bệnh!”, “Bà ngoại nói không nghe hả, lì quá!”…
Ông Hai ở chỗ cao, thấy mưa dài nên gọi điện hỏi thăm, bà nói không sao, nhà làm nền cao nên nước mới lấp ló ngoài sân. Xung quanh nhiều người đã lo chạy lũ nhưng bà cháu vẫn khô rang, bà cười hi hi trong điện thoại.
Lạc quan sớm rồi. Khô sao được mà khô, trời miền Trung xưa nay mùa mưa đâu có hiền bao giờ. Bão bùng, lụt lội là… đặc sản của dải đất hẹp ven biển mà. Xong đợt mưa hai ngày thì tới đợt mưa bốn ngày, mưa chằng chịt, mưa tới tấp. Mưa lớn lắm, mưa mấy ngày liền không ngớt. Hai thằng nhỏ nghỉ học ở nhà chực thòng chân ra sân, bà Hai hiu hắt trong ruột, “có bao nhiêu nước ông tính đổ hết xuống trần hả ông Trời?”. Bỏ qua lời than của bà, trời vẫn tơi bời mưa. Nước lên nhanh quá. Nước mưa hoà với nước xả lũ. Phía thượng nguồn con sông gần nhà có tới… hai thuỷ điện mà. Nước lênh láng, nước tràn đường, nước vô sân, nước lên cấp thứ nhất, bò qua nấc thứ hai rồi lấp ló chuẩn bị nhảy vô nhà.
Tối hôm đó, khoảng một giờ, trong lúc hai anh em lăn ra ngủ thì bà Hai lay cháu dậy bằng giọng hốt hoảng: “Dậy, dậy mau, nước vô nhà rồi! ”. Gọi hai cháu dậy cũng có nghĩa từ chiều bà đã một mình thu dọn tất cả đồ đạc bỏ lên trần nhà, lúa trong bịch cũng được bà hốt vô bao, cột thành từng cục chất hết trên bàn, trên giường. Giờ thì yên tâm bỏ nhà chạy lũ.
Không kịp chạy rồi. Nước lên nhanh quá. Ban đầu ở dưới mắt cá, rồi nửa ống chân, bò tới gối, leo ngập hông. Phải chạy thôi, mau mau!! Nhưng chạy đi đâu bây giờ? Bà Hai quật đèn pin, nước mênh mông lênh láng, những ngôi nhà xung quanh nước dập dềnh ngang hông. Bà không có hướng để chạy. Bị cắt rồi. Xung quanh ngập sớm nên người ta tìm đường chạy hết, mấy bà cháu yên tâm nước còn lấp ló ngoài hiên nên chủ quan, giờ chỉ biết ôm nhau ngồi chờ chết chứ biết chạy đi đâu bây giờ.
Bà ngồi ôm hai đứa cháu, những giọt nước mắt sợ hãi từ từ bò xuống má. Một đời bà, sống ở miền Trung, cái rốn của lũ nên không lạ với những lần ôm con chạy lũ. Cơn lũ năm 1993, thế kỷ trước, một mình bà vẫn che được đàn con qua bão lũ nên lần này chủ quan. Tuổi già lẩm cẩm mất rồi, cứ yên chí đường đi nước bước như những lần chạy lũ trước: vai trái mang cái giỏ kẹp bỏ một ít thực phẩm khô, con lớn đu bên vai phải, con Út ngồi trên cổ và hai tay dắt chị Hai, anh Ba, anh Bốn. Lò dò bước từng bước một đến vùng an toàn, dặn con bước chậm theo mẹ, coi chừng sụp xuống mương. Nghĩ đến những mùa lụt cũ, nghĩ đến tình cảnh mắc kẹt trong nước, bà Hai rối bời, tan nát.
Ẵm hai đứa cháu bỏ lên ghế cao, nước đã ngang hông rồi, bà Hai không còn một ý nghĩ nào về chuyện chạy lụt nữa. Bà ngồi nhìn hai khuôn mặt ngây thơ mà không cầm được những giọt nước mắt. Ðang tuyệt vọng thì nghe tiếng hớt hải trước cửa:
- Bà ngoại ơi, ẵm cháu ra đây!
Nghe tiếng gọi, bà Hai mừng rỡ ló đầu ra nhìn, được cứu rồi, được sống rồi - bà cuống quýt reo to, hồn nhiên như một đứa nhỏ được cho kẹo. Là chiếc thuyền của anh thanh niên xóm trên. Sau khi giúp bà cháu ngồi yên trên thuyền thì anh kể: cháu cũng mới đưa ông bà nội hai thằng nhóc này lên đường lộ rồi. Ổng bả hối đi chở bà ngoại với hai cháu nè. Mới về ở được mấy ngày lại gặp lũ to, chắc ngoại lo lắm hả? Ừ, lo mình ít, lo hai ông tướng này mới nhiều, sợ có chuyện gì ba mẹ nó về cạo khô. - Thuyền dừng lại cho bà cháu bước lên đường lớn, bà nói xong thì thở phào cười hi hi.
Trước khi quay đi, anh thanh niên đưa bà Hai túi bánh và mấy gói mì tôm, dặn vào nhà ai đó xin nước nóng ăn đỡ chờ nước rút. Nhìn cái cách cậu thanh niên ân cần nở nụ cười trong mưa lũ, dù mình mẩy ướt mưa lạnh buốt nhưng bà thấy ấm áp lạ thường.
N.T.B.N