Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ánh sáng không cần thiết và thiết kế thiếu hợp lý là một dạng ô nhiễm ánh sáng, kể đến đầu tiên là ánh sáng nhân tạo vì những tác hại đến sức khỏe và làm mất cân bằng của môi trường.
Toàn cảnh Sài Gòn về đêm - Ảnh: THUẬN THẮNG
Ô nhiễm ánh sáng được định nghĩa là việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cần thiết so với khả năng chịu đựng ánh sáng của con người và môi trường. Không kém gì ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn..., ô nhiễm ánh sáng thật sự đang ở mức báo động và là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại vì những nguy cơ tiềm ẩn, tác động âm thầm đến sức khỏe của chúng ta.
Ánh sáng nhân tạo: "sát thủ" thị lực
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., ánh sáng nhân tạo từ các trung tâm thương mại, khu chung cư, cửa hàng, đèn đường, biển hiệu quảng cáo... ngày càng tràn ngập.
Trong một thế giới ngày càng hiện đại, ô nhiễm ánh sáng đang tác động đến cuộc sống chúng ta một cách âm thầm, nó chính là một "sát thủ" thị lực đáng sợ nhất của con người và các loài sinh vật.
Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến mắt khi phụ thuộc nhiều yếu tố khác như cường độ, bước sóng, thời gian tác động. Đối với cường độ, các nguồn sáng có cường độ cao mang năng lượng được chiếu đến mắt và hấp thụ bởi sắc tố bên trong mắt, khi đó năng lượng ánh sáng được chuyển thành nhiệt năng, gây đông protein trong tế bào.
Ngoài ra, các nguồn sáng có cường độ cao sẽ ảnh hưởng đến mắt do tác động nhiệt, xảy ra khi nhiệt độ hấp thụ tăng cao hơn nhiệt độ phân tán (thường là 10 độ C). Nếu thời gian và cường độ tác động đến các tế bào trong võng mạc vượt qua ngưỡng phục hồi sẽ gây các tổn thương ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân.
Bảo vệ đôi mắt
Cần hạn chế thời gian tiếp xúc với các nguồn phát ánh sáng xanh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Nghiên cứu cho thấy nếu tiếp xúc với ánh sáng xanh sẽ làm giảm melatonin từ đó lùi thời gian ngủ sâu.
Ngoài ra, cần hỏi bác sĩ mắt, kỹ thuật viên khúc xạ tư vấn về biện pháp lọc ánh sáng xanh nhằm giảm thời gian tiếp xúc với nguồn sáng trong ngày.
Các tổn thương xảy ra khi nhìn vào ánh sáng mạnh có thể kể đến như bị xuất huyết bên trong mắt do bị tia laser chiếu vào gây rách thần kinh mắt bên trong, do người bệnh nhìn vào mặt trời quá lâu hoặc trong nhật thực.
Đối với bước sóng, bước sóng của ánh sáng xanh khá thấp (450 - 495 nm) nên mang năng lượng cao hơn các bước sóng khác. Nguồn phát ra ánh sáng xanh từ các nguồn ánh sáng nhân tạo như máy tính, điện thoại thông minh, tivi, đặc biệt là từ các đèn LED làm tăng nguy cơ dẫn đến thoái hóa hoàng điểm người lớn tuổi (đứng đầu nguyên nhân gây mù ở lứa tuổi trên 65).
Đối với thời gian tác động, ánh sáng xanh rất cần thiết cho chúng ta khi hoạt động vào ban ngày. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc nhiều với các nguồn ánh sáng xanh như thiết bị điện tử sẽ làm khó ngủ vào ban đêm và cũng là nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng theo độ tuổi. Vì vậy cần giảm cường độ ánh sáng xanh vào ban đêm, đặc biệt trước khi đi ngủ.
Gây bệnh tim mạch, ung thư
Một nghiên cứu của Đại học Haifa, Israel kết luận rằng: phụ nữ sống ở những vùng đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 73% so với phụ nữ ở những nơi tận dụng chiếu sáng tự nhiên.
Ánh sáng nhân tạo phát ra từ mọi nguồn sáng đều phá hoại giấc ngủ, làm suy nhược cơ thể và gây ra các bệnh về tim mạch... Nhưng kẻ phá hoại lớn nhất là ánh sáng xanh phát ra từ tivi, máy tính và điện thoại thông minh. Và trẻ em là đối tượng dễ chịu các tác động xấu của ánh sáng xanh đến mắt, đặc biệt trong thời đại công nghệ như hiện nay các bài tập, game, mạng xã hội đều cần đến máy tính và các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, WHO còn cảnh báo người sống trong môi trường bị ô nhiễm ánh sáng sẽ khiến nhịp sinh học của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến tăng khả năng ung thư - căn bệnh mà Việt Nam đang trong tốp đầu thế giới về số người mắc bệnh. Đặc biệt đối với phụ nữ, ô nhiễm ánh sáng cũng ảnh hưởng đến nhan sắc như mắt thâm quầng, da sần sùi...
Tại sao không nhìn thấy bầu trời đêm?
Theo tạp chí khoa học Science Advances thuộc Hội Liên hiệp khoa học tiến bộ Mỹ, ô nhiễm ánh sáng đã và đang là nguyên nhân hàng đầu khiến dân Mỹ và châu Âu dường như không thấy được bầu trời đêm. Có khoảng 1/3 nhân loại bao gồm 60% người dân châu Âu và gần 80% dân số Bắc Mỹ không thể quan sát thấy dải thiên hà khi về đêm.
Theo các nhà khoa học, năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm do nhu cầu sử dụng ánh sáng nhân tạo quá mức của con người đều làm tăng khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác, góp phần làm Trái đất chúng ta ấm dần lên.
Nguồn TTO