Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ông Đoàn Minh Xương: 'Phòng ngự và chờ đột biến sau phút 60'
Thứ ba: 13:25 ngày 11/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo chuyên gia bóng đá TP HCM, trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 sẽ là cuộc thử thách khắc nghiệt với cầu thủ Việt Nam.

HLV Park và các học trò sẽ lại có một cuộc đấu trí căng thẳng với Malaysia. Ảnh: Đức Đồng.

- Việt Nam đã thành công khi chơi pressing và có bàn thắng sớm trên sân Philippines ở bán kết. Theo ông, điều này có lặp lại ở chung kết lượt đi với Malaysia hôm nay?

- Trước khi nói về trận đấu, tôi phải khẳng định Việt Nam và Malaysia vào chung kết là xứng đáng. Việt Nam, với hệ thống phòng ngự được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, và những đường phản công sắc bén, chớp nhoáng, đã có năm trận thắng và một trận hòa. Trong khi đó, Malaysia càng đá càng hay. Họ rất mạnh về thể lực cũng như tinh thần.

Thêm vào đó, Malaysia đang có sự hưng phấn khi vừa loại nhà vô địch Thái Lan ở bán kết. Như chính HLV Tan Cheng Hoe nói ở họp báo trước trận, đội bóng này sẽ chơi tấn công. Cộng thêm bất lợi phải chơi sân khách, Việt Nam sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu chơi pressing tầm cao như trận gặp Philippines.

HLV Park Hang-seo chọn đánh phủ đầu Philippines, theo tôi, phần nhiều dựa vào hoàn cảnh trận đấu. Philippines là một đội không được tổ chức tốt. Họ cũng không có sự cổ vũ lớn từ khán giả nhà như Malaysia. Ghi bàn sớm vào lưới đối thủ nào cũng quý như nhau nhưng rủi ro phải nhận lại khác hẳn nhau. Malaysia có tốc độ, chơi gắn kết, phản công đương nhiên sẽ hiệu quả hơn Philippines, vốn chỉ lên bóng dựa trên nỗ lực cá nhân.

- Trước Malaysia luôn chơi tưng bừng tại sân Bukit Jalil, đâu là điều khiến ông Park lo ngại nhất?

- Sức ép từ hơn 80.000 CĐV là rất lớn. Sự cuồng nhiệt ấy sẽ càng bùng nổ nếu Malaysia tấn công, như cách họ đã làm trước Thái Lan. Dựa vào phát biểu của HLV Tan Cheng Hoe cộng thêm đà tâm lý hiện có của Malaysia, tôi chưa nghĩ ra lý do nào đủ thuyết phục để họ từ bỏ cách chơi này khi gặp Việt Nam. Trước một đối thủ khó lường như vậy, thận trọng là điều dễ hiểu với Việt Nam.

Tôi cũng muốn nhắc lại rằng đây là chung kết AFF Cup đầu tiên của Việt Nam sau 10 năm. Con số này với Malaysia chỉ là 4 năm. Rõ ràng, Việt Nam đã phải chờ quá lâu để dự trận này. Các cầu thủ trong tay HLV Park Hang-seo cũng rất trẻ. Thông qua nhiều con đường, họ sẽ cảm nhận được áp lực và kỳ vọng từ người hâm mộ. Chúng ta có thể chơi hay, bản lĩnh và lạnh lùng trong suốt hành trình ở AFF Cup, kể cả vòng bán kết, nhưng chung kết luôn mang tới một cảm xúc khác biệt.

Đó là trận đấu mà mỗi đội tham dự đều mang chung cảm giác là sắp đoạt Cup. Họ sẽ hồi hộp xen một chút lo lắng. Lúc đó, đội nào có kinh nghiệm xử lý những cảm xúc ấy tốt hơn, cụ thể là thường đá chung kết hơn, sẽ đỡ bị cóng khi nhập cuộc. Đó có thể là điều ông Park thấy lo lắng.

Những cầu thủ gây đột biến cao như Quang Hải là niềm hy vọng lớn với Việt Nam trận này. Ảnh: Đức Đồng.

- Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra trước giải là lọt vào chung kết AFF Cup. Liệu đây có thể là điểm tựa tinh thần, giúp thầy trò ông Park giảm sức ép?

- Như tôi nói ở trên, việc vào chung kết AFF Cup sau 10 năm chờ đợi, bản thân điều ấy đã tạo ra những áp lực lên cầu thủ. Thứ hai, Việt Nam đá sân khách. Điều cuối cùng, và là quan trọng nhất, số đông người hâm mộ đều tin và hy vọng vào chức vô địch AFF Cup 2018. Tôi có đọc báo và thấy nhiều người hâm mộ đã bộc lộ sự vui sướng ngay khi biết tin Thái Lan thua Malaysia ở bán kết. Cái đích của Việt Nam trong mọi giải đấu của khu vực, bất kể cấp độ nào, đều là ngôi số một. Những vấn đề khác, khi đặt cạnh mục tiêu này, tôi tin đều là thứ yếu.

- Từng cầm quân và có kinh nghiệm trong nghề lâu năm, ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho các tuyển thủ Việt Nam lúc này? 

- Những gì cần nói và phải nói, có lẽ Park Hang-seo đã nói cả với cầu thủ rồi. Ở góc độ của người ngoài cuộc, tôi chỉ biết chúc các cầu thủ tuân thủ triệt để đấu pháp ban huấn luyện đề ra. Một trận đấu kéo dài 90 phút, nhưng với mỗi người, cảm giác dài, ngắn rất khác nhau. Nếu kiểm soát được thế trận, cầu thủ sẽ thấy nhàn nhã và có cảm giác tận hưởng trận đấu.

Ngược lại, nếu bị cuốn theo lối chơi đối phương, cảm giác chẳng khác gì tra tấn. Do đó, cầu thủ bước vào sân cần bỏ ngoài tai những tiếng hò reo, cổ vũ từ hơn 80.000 CĐV Malaysia. Họ cần tập trung toàn bộ tinh thần vào trận đấu và nhớ kỹ nhiệm vụ của mình. Ví dụ, 45 phút đầu, cần liên tục nói thầm trong đầu rằng: "Phòng thủ, phòng thủ và phòng thủ". 

Ban huấn luyện có lẽ cũng nên làm tâm lý kỹ cho cầu thủ lúc này. Mỗi cầu thủ cần ý thức được rằng Việt Nam phòng ngự không phải vì yếu hơn Malaysia, mà đó là cách để chúng ta vượt qua sức ép, để giảm bớt sự thua thiệt khi đối thủ có "cầu thủ thứ 12". Vượt qua rồi, Việt Nam mới có thể đá quả bóng sức ép về phía đối thủ, bởi nói gì thì nói, Malaysia vẫn khát chiến thắng hơn Việt Nam tối 11/12. 

Dưới góc độ HLV làm nghề, tôi nghĩ ban huấn luyện Việt Nam cần có thêm đấu pháp tâm lý cho cầu thủ ở trận này. Ông Park Hang-seo cùng cộng sự phải nói cho học trò rằng thế hệ hiện tại sẽ thay đổi bộ mặt của bóng đá Việt Nam. Thứ hai, họ cần chia nhỏ trận đấu, chẳng hạn 15 phút đầu chơi như thế nào, 15 phút tiếp theo đá ra sao, và liên tục ra sát biên để hò hét, nhắc nhở cầu thủ. Đây là thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam, và tất cả thành viên trong đội đều phải nhìn thẳng vào sự thật ấy.

Malaysia đã chơi rắn trong cuộc đọ sức với Việt Nam tại Mỹ Đình hôm 16/11 khiến nhiều cầu thủ Việt Nam nằm sân. Ảnh: Lâm Đồng.

- Hàng thủ từng là tử huyệt của Việt Nam ở ba kỳ AFF Cup gần nhất là 2012, 2014 và 2016. Trước Malaysia hừng hực khí thế, Việt Nam phải chú trọng điều gì?

- Quan trọng nhất, các cầu thủ cần nhớ là luôn phải phòng ngự số đông, đặc biệt là 45 phút đầu tiên. Ngay cả khi có bóng thoáng và đủ không gian lên tham gia tấn công, tự mỗi người trong hệ thống phòng ngự cần quan sát xem, dâng lên như thế nào thì hợp lý, mà không để hở khoảng trống sau lưng. Malaysia có hai cầu thủ chạy cánh có tốc độ như VĐV điền kinh. Nếu để họ trả đòn, vào thời điểm chúng ta đang chuyển trạng thái từ thủ sang công, sẽ vô cùng nguy hiểm.

Một điểm cần chú ý nữa khi đấu Malaysia là hàng thủ không được phép lùi quá sâu. Tôi nghĩ khoảng cách đẹp là cách khung thành Văn Lâm chừng 25 met, lùi tới đó là phải quây cầu thủ Malaysia lại để tranh bóng. Chẳng hạn vị trí của Văn Hậu bên cánh trái. Nếu Mohamadou Sumareh đột phá, Văn Hậu cần lao ra kèm. Nếu Văn Hậu bị vựot qua, Ngọc Hải cần bọc lót ngay, thậm chí Văn Đức (nếu chơi cánh này) cũng cần lùi về hỗ trợ. Việt Nam cần tổ chức phòng ngự ở hai cánh theo từng nhóm đứng gần nhau, để đối chọi lại với các đợt chồng biên do hai, ba cầu thủ Malaysia tạo ra.

Sở dĩ tôi nói vậy vì hai tiền đạo Zaquan Adha và Norshahrul Talaha không thật nhanh và thể hình chỉ ở mức trung bình. Họ chỉ phát huy hết khả năng dứt điểm, nếu đồng đội xuống sát biên ngang rồi tạt vào trong, Khi ấy bộ đôi này mới có đủ thời gian chọn vị trí, cũng như thoát khỏi sự kèm cặp của hậu vệ. Chính vì vậy, nhiệm vụ của bộ đôi tiền vệ trung tâm Việt Nam sẽ rất quan trọng. Họ cần đánh chặn từ xa, thậm chí phạm lỗi chiến thuật để ngăn Malaysia tiến sát vòng 16m50. Nếu có thể buộc Malaysia tạt bóng sớm, hoặc chuyển sang ban bật ở trung lộ, tôi nghĩ, hệ thống phòng ngự của Việt Nam đã chơi thành công.

- Ông dự đoán thế nào về thế trận tối 11/12?

- Tôi nghĩ trong 45 phút đầu, Malaysia sẽ đẩy cao đội hình, tràn sang tấn công Việt Nam và tạo ra áp lực rất lớn. Các học trò của ông Park sẽ phải chơi chắc chắn để đảm bảo an toàn cho cấm địa, vừa là để tránh Malaysia ở thời điểm sung sức nhất, cả về thể lực lẫn tinh thần. Tôi để ý ở trận gặp Thái Lan, sức tấn công của Malaysia bắt đầu giảm từ phút 60, đó có lẽ là lúc Việt Nam thay người, làm mới hàng công để tìm bàn thắng.

Ngay cả khi một trong hai đội có bàn trong hiệp một, thậm chí là bàn thắng sớm, chuyện Malaysia tấn công và Việt Nam phòng ngự, tôi nghĩ cũng không thay đổi. Bởi nếu Malaysia có bàn, họ sẽ muốn ghi thêm bàn nữa để định đoạt chung kết ngay từ lượt đi. Ngược lại, nếu Việt Nam khai hoả sớm, khi ấy tinh thần của Malaysia vẫn còn hưng phấn và họ chưa thể chùn bước ngay.

Bước ngoặt của trận đấu có thể đến vào nửa cuối hiệp hai. HLV Park Hang-seo nhiều khả năng sẽ dặn dò kỹ những quân bài chiến thuật như Đức Chinh, Công Phượng để tạo ra đột biến. Đây cũng có thể là một bất ngờ mà ông Park dành cho đối thủ. Ở trận gặp Philippines, Việt Nam phủ đầu khiến đối phương mất tinh thần chơi bóng do không được tổ chức tốt. Malaysia lại khác, mọi thứ về lối chơi đều hơn Philippines.

Tinh thần chiến đấu của họ rất ngoan cường, dù bị Thái Lan dẫn bàn sớm. Nhưng nếu nghĩ theo hướng khác, nghĩa là dính đòn chí tử, vào lúc tinh thần và thể lực đang xuống vì tấn công nhiều không ghi được bàn, đội bóng này biết đâu sẽ vỡ và không thể gượng dậy.

Công Phượng (số 14) đã ghi 5 bàn trong 5 trận đấu gặp Malaysia ở các cấp độ khác nhau. Ảnh: Đức Đồng.

- Qua hành trình của Malaysia ở AFF Cup 2018, đâu là điểm yếu của đội bóng này?

- So với thời điểm vô địch lần đầu ở AFF Cup 2010, lối chơi của Malaysia bây giờ có nhiều nét khác biệt. Họ không còn sử dụng nhiều đường bóng dài và chơi cậy sức như thời Krishnasamy Rajagopal nữa. Dưới thời Tan Cheng Hoe, Malaysia chơi kiểm soát bóng, phối hợp trong phạm vi hẹp với tốc độ cao. Chính từ cách chơi này, điểm yếu của Malaysia lộ ra, đó là sự chênh lệch giữa đội hình chính và dự bị. Tôi không nói chất lượng các cầu thủ dự bị Malaysia kém, nhưng khả năng phối hợp của các cầu thủ này với đội hình chính khá chệch choạc. Bàn thua đầu tiên trong trận gặp Thái Lan là ví dụ. Hậu vệ Irfan Zakaria vừa vào sân được ba phút đã phản lưới nhà.

Một điểm nữa mà HLV Park Hang-seo có thể tận dụng chính là hai bên nách của Malaysia. Do hai hậu vệ biên của Malaysia rất tham tấn công, khả năng để lọt bóng xuống rất dễ xảy ra. Bàn mở tỷ số của Công Phượng vào lưới Malaysia ở vòng bảng đến từ một tình huống như thế này. Với tính chất của trận chung kết, HLV Tan Cheng Hoe có thể điều chỉnh để gia cố khả năng phòng ngự, nhưng nếu các chân sút Việt Nam biết chắt chiu, cơ hội không phải là không có.

- Cả hai bàn thua của Việt Nam đều đến từ những pha tạt bóng. Phải chăng, khả năng chống bóng bổng của Việt Nam có vấn đề?

- Malaysia không chơi tạt bổng. Hai tiền đạo của họ không chiến chỉ ở mức khá. Do vậy, Việt Nam không cần phải sợ những pha bóng bổng như khi gặp Philippines. Cái cần để tâm, theo tôi, là làm sao ghi được bàn trên sân Malaysia, hoặc rộng hơn là giành một kết quả có lợi. Thất bại của Thái Lan đã chỉ ra rằng hoà 0-0 trên sân Malaysia không hề chiếm chút ưu thế nào.

Bên cạnh đó, ban huấn luyện còn cần tính toán làm sao để cầu thủ đá được trọn vẹn hai trận đấu cách nhau bốn ngày. Ở vòng bán kết, Việt Nam có lợi thế quá lớn trước trận lượt về nên không cần tung nhiều sức. Ngược lại, cả hai trận đấu Thái Lan, Malaysia đều chơi với hơn 100% phong độ. Do đó, cái Việt Nam sợ sẽ là thể lực ở chung kết lượt về hôm 15/12 chứ không phải 90 phút tối 11/12.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục