Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong các định hướng phát triển đất nước, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu. Bởi vì hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có, nghèo cũng có hạnh phúc chứ không phải chờ đến khi giàu mới có hạnh phúc.
Ngày 4/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20 khóa 9 thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 10 và cho ý kiến về danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 10.
Phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu
Tại hội nghị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến mục tiêu năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao và lưu ý: Nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu mà rất lo. Bởi vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, nhược điểm mà Việt Nam cần tránh, đó là "giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước".
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Minh Đạt
Ông Nhân dẫn chứng, Nhật Bản là một quốc gia có thu nhập cao với dân số hơn 120 triệu người, dồn hết sức tăng vọt kinh tế nhưng cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để họ có gia đình và nuôi được 2 con.
"Đất nước họ giàu nhưng người dân không giàu. Thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố khủng hoảng lớn nhất của nước này là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ”, ông Nguyễn Thiện Nhân kể.
Ngoài ra, ông Nhân cũng dẫn câu chuyện của Hàn Quốc. Năm 1975, GDP đầu người của Hàn Quốc bằng 17% của Nhật Bản nhưng năm 2018 bằng 101% của Nhật Bản. Thành tích này của Hàn Quốc cũng để lại hậu quả nặng nề.
Cụ thể là từ năm 2018 GDP của Hàn Quốc nằm ngang, mức sinh năm vừa rồi còn 0,72. Năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc nói “không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.
Từ thực tiễn của 2 nước trên, ông Nhân cho rằng Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm, phải ứng phó ngay với thực trạng này, nhất là khi năm ngoái mức sinh của Việt Nam lần đầu tiên xuống dưới 2, chỉ ở mức 1,96.
“Chúng tôi nghiên cứu 42 nước có thu nhập cao trên toàn thế giới hiện nay đều không đẻ đủ, bình quân chỉ 1,54 và thực trạng này kéo dài 40 năm rồi”, ông Nhân phân tích.
Vì vậy, theo ông Nhân định hướng phát triển đất nước là người dân hạnh phúc; đất nước giàu mạnh; dân tộc trường tồn và dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong đó, phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu. Bởi vì hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có, nghèo cũng có hạnh phúc chứ không phải chờ đến khi giàu mới có hạnh phúc.
Theo ông Nhân, Việt Nam cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng không tái tạo được con người, tránh bài học để chậm 25 năm như Nhật Bản.
Phải nói được lòng dân như thế nào trước tham nhũng
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì quan tâm đến vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế, nhân dân chính là người phát hiện nhiều vụ tiêu cực, tham ô, lãng phí thời gian qua.
Ông dẫn lại vụ Trịnh Xuân Thanh được phanh phui từ việc nhân dân phản ánh về chiếc xe biển xanh, từ phát hiện đó, các cơ quan vào cuộc mới xác định được tham nhũng.
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, những vấn đề được MTTQ nêu ra trong báo cáo chính trị phải mang tính chất chủ động. Ví dụ như trong công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo phải nói được tiếng nói của lòng dân, nói được lòng dân như thế nào trước tham nhũng để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và thúc đẩy hành động.
“Chương trình hành động của MTTQ nhiệm kỳ tới phải nói lên được khát vọng của nhân dân. Bởi vì từ khát vọng của nhân dân mới trở thành ý của Đảng, từ ý nguyện của nhân dân mới trở thành đường lối của Đảng”, ông Kim nói.
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt
Theo ông Kim, báo cáo chính trị phải thể hiện được trách nhiệm của nhân dân đối với vận mệnh của quốc gia. Để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, tinh thần này phải trở thành khát vọng cháy bỏng để hòa quyện giữa lòng dân, ý Đảng.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Truyền nhận định, chưa bao giờ số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu bị xử lý với nhiều mức độ khác nhau như cho nghỉ, thôi việc, xử lý bằng pháp luật như trong nhiệm kỳ này.
"Điều này phản ánh kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng cũng phản ánh chất lượng đội ngũ cán bộ của chúng ta không ổn định", ông Truyền nói và lưu ý việc này cũng có vai trò của MTTQ Việt Nam.
Ông bày tỏ băn khoăn về việc Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục được hỏi ý kiến về việc cho người này, người khác nghỉ nhưng không được giải thích rõ lý do.
Theo ông Truyền, Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ xem xét chất lượng cán bộ và khi có vấn đề Đoàn Chủ tịch có thể chủ động đề xuất ý kiến chứ không phải chỉ chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỏi ý kiến mới trả lời.
Dự kiến Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 10 tổ chức trong 3 ngày 16-18/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Đại hội dự kiến đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo.
Nguồn vietnamnet