Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ông Trump sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia khi nhậm chức
Thứ ba: 08:30 ngày 21/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia ngay khi nhậm chức vào ngày 20/1, nhiều tháng sau khi hứa với cử tri rằng ông sẽ cắt giảm một nửa giá điện và xăng trong năm đầu tiên nhậm chức.


Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có kế hoạch thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia do Thống đốc bang North Dakota Doug Burgum đứng đầu. Ảnh: AFP

Sẽ thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia

"Để đạt được mức giảm nhanh chóng này về chi phí năng lượng, tôi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cho phép chúng ta tăng đáng kể sản lượng, sản xuất và cung cấp năng lượng", ông Trump nói với những người ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở Potterville, bang Michigan vào tháng 8 năm ngoái.

"Bắt đầu từ ngày đầu tiên, tôi sẽ phê duyệt các hoạt động khoan khai thác mới, đường ống mới, nhà máy lọc dầu mới, nhà máy điện mới, lò phản ứng mới và chúng ta sẽ cắt giảm thủ tục hành chính", ông Trump từng nhấn mạnh.

Mới đây nhất vào ngày 22/12/2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhắc lại ý định "ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia" vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Ông tuyên bố sẽ ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp để đảo ngược các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden về xuất khẩu khí đốt tự nhiên, khoan dầu và tiêu chuẩn khí thải.

Ông Trump cũng có kế hoạch thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia do Thống đốc bang North Dakota Doug Burgum đứng đầu, người được ông chọn để lãnh đạo Bộ Nội vụ. Ông Burgum cho biết trong phiên điều trần của Thượng viện về đề cử của mình vào tuần này rằng ông hy vọng hội đồng sẽ được thành lập thông qua một sắc lệnh hành pháp.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia của ông Trump sẽ chủ yếu mang tính biểu tượng hay sẽ viện dẫn các quyền hạn rộng hơn vượt ra ngoài các sắc lệnh hành pháp về năng lượng mà ông Trump dự kiến sẽ ban hành vào ngày 20/1. Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử đã không trả lời yêu cầu bình luận.

"Tôi dự đoán rằng đó sẽ là một tuyên bố hùng biện về tình trạng khẩn cấp về năng lượng", ông Mike Sommers, Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ - một nhóm vận động hành lang của ngành dầu mỏ Mỹ, cho biết. "Khi bạn tập hợp các sắc lệnh hành pháp lại với nhau, đó sẽ là câu trả lời cho câu hỏi phải làm gì đối với tình trạng khẩn cấp về năng lượng", ông Sommers nói thêm.

Theo ông Glenn Schwartz, giám đốc chính sách năng lượng tại công ty tư vấn Rapidan Energy, có một số luật về tình trạng khẩn cấp mà ông Trump có thể viện dẫn liên quan đến năng lượng. Ông Schwartz cho biết tình trạng khẩn cấp thường được định nghĩa một cách lỏng lẻo theo luật liên bang, trao cho Tổng thống quyền tự do rộng rãi để sử dụng chúng theo cách mà ông ấy thấy phù hợp.

Ông Trump có thể sẽ phải đối mặt với ít sự phản kháng từ tòa án vì họ không muốn thách thức các quyết định của Tổng thống liên quan đến an ninh quốc gia, theo nhận định của ông Schwartz.

"Kết quả là ngay cả khi ông Trump mở rộng quyền hạn khẩn cấp của mình theo những cách chưa từng có, thì cũng không rõ tòa án sẽ can thiệp để ngăn chặn bất kỳ hành động nào trong số những hành động này", nhà phân tích của Rapidan Energy cho biết.

Miễn trừ một số quy định về môi trường và ô nhiễm

Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố tuần trước, ông Schwartz lưu ý đến một tiền lệ rõ ràng cho việc ông Trump viện dẫn quyền hạn khẩn cấp để thúc đẩy sản xuất điện và mở rộng nguồn cung cấp nhiên liệu của quốc gia. Cơ quan chức năng Mỹ có thể sử dụng các quyền hạn này sẽ miễn trừ một số quy định về môi trường và ô nhiễm liên quan đến năng lượng.

Đại diện Rapidan Energy cho rằng ông Trump có thể ban hành các miễn trừ nhiên liệu theo Đạo luật Không khí sạch để cho phép xăng dầu được đưa vào thị trường nếu không sẽ vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng không khí của liên bang.

Các tổng thống Mỹ thường sử dụng các miễn trừ như vậy bất cứ khi nào họ cần kéo dài nguồn cung cấp xăng dầu của đất nước và kiểm soát giá cả.

Ông Schwartz cho biết ông Trump cũng có thể viện dẫn Đạo luật Điện lực liên bang để ra lệnh cho các nhà máy điện hoạt động ở công suất tối đa và không tuân thủ các giới hạn ô nhiễm.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ có thể viện dẫn đạo luật này trong thời chiến hoặc khi nhu cầu tăng đột ngột hoặc tình trạng thiếu điện dẫn đến tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, điều khoản này hiếm khi được áp dụng kể từ Thế chiến II và chủ yếu được dành cho các tình huống thời tiết khắc nghiệt làm quá tải các nhà máy điện, theo ông Schwartz.

Nhà điều hành lưới điện lớn nhất nước Mỹ - PJM Interconnection - đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện khi các nhà máy điện than ngừng hoạt động nhanh hơn tốc độ đưa công suất mới vào hoạt động. PJM Interconnection đang vận hành lưới điện tại toàn bộ hoặc một phần của 13 bang ở khu vực Trung Đại Tây Dương, Trung Tây và phía Nam.

Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi nhu cầu điện tăng đáng kể khi ngành công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều năng lượng để hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ở nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump khi đó đã cân nhắc viện dẫn đạo luật này vào năm 2018 để ra lệnh cho các cơ sở mua điện hai năm từ các nhà máy điện than và hạt nhân có nguy cơ đóng cửa. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống Trump sau đó đã từ bỏ ý tưởng này do phải đối mặt với sự phản đối từ các ngành công nghiệp.

Ông Schwartz cho biết ông Trump, ở nhiệm kỳ thứ hai, cũng có thể lựa chọn một đạo luật rộng hơn cho phép Tổng thống đình chỉ luật ô nhiễm đối với các cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy thép, nhà máy hóa chất và các cơ sở công nghiệp khác trong các tình huống khẩn cấp.

Nhà phân tích của Rapidan Energy cho biết luật liên bang Mỹ ít ủng hộ Tổng thống buộc phải tăng cường sản xuất mới. Ông Trump có thể chỉ đạo các cơ quan liên bang đẩy nhanh quá trình đánh giá tác động môi trường đối với các dự án năng lượng mà ông ủng hộ, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu/khí, nhưng không thể sử dụng các thẩm quyền khẩn cấp để lách các chính sách môi trường nền tảng như Đạo luật Chính sách môi trường quốc gia và Đạo luật về Các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Kích hoạt lại khu vực bị cấm khoan khai thác

Những người vận động hành lang trong ngành dầu mỏ tại Viện Dầu khí Mỹ đang dự đoán rằng ông Trump sẽ ban hành một loạt các sắc lệnh liên quan đến năng lượng sớm nhất là vào ngày nhậm chức 20/1.

Chính quyền của ông Trump dự kiến sẽ ban hành một sắc lệnh dỡ bỏ lệnh tạm dừng các cơ sở xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới của Tổng thống Biden, theo ông Sommers.

Tổng thống đắc cử Trump cũng có thể sẽ cố gắng đảo ngược quyết định gần đây của Tổng thống Biden về việc cấm khoan khai thác ở 625 triệu mẫu Anh vùng lãnh hải liên bang. Tuy nhiên, quyền hạn của ông Trump để ra quyết định trên đã từng bị tranh chấp và một sắc lệnh như vậy có khả năng sẽ phải ra tòa.

Ông Sommers cho biết: "Chúng tôi cho rằng ông ấy có khả năng đảo ngược điều đó và chúng tôi sẽ bảo vệ điều đó trước tòa". Ngành công nghiệp dầu mỏ đang mong đợi Tổng thống cũng sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ tăng doanh số bán hợp đồng cho thuê dầu khí ở Vịnh Mexico. Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden đã đạt được ít hợp đồng cho thuê dầu khí nhất trong lịch sử theo một chương trình sẽ kéo dài đến năm 2029.

Những quyết định này không được kỳ vọng sẽ có bất kỳ tác động tức thời nào đến sản xuất năng lượng nước Mỹ. Mỹ đã là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong 6 năm qua, vượt qua cả Saudi Arabia và Nga.

Các giám đốc điều hành của Exxon và Chevron đã nói rõ rằng các quyết định sản xuất dựa trên các điều kiện thị trường, không phải để phản ứng với việc ai đang nắm quyền Nhà Trắng.

Ông Schwartz cho biết: "Bạn có thể trao cho ai đó cơ hội, nhưng bạn không thể ép buộc họ nắm lấy cơ hội đó". "Ông ấy (ông Trump - BTV) có thể cung cấp cho chúng tất cả các nguồn lực cần thiết để có thể khoan khai thác, nhưng tôi chưa thấy bất cứ điều gì cho thấy ông ấy có thể buộc họ phải khai thác", ông Schwartz bình luận.

Ông Trump dự kiến sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Các sắc lệnh hành pháp nhắm vào tiêu chuẩn khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho ô tô cũng được kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Sommers cho biết chúng chỉ có thể thực hiện được rất ít thông qua lệnh hành pháp và các chỉ thị thường phải trải qua quá trình lập quy định và tốn nhiều thời gian. Theo đó, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy những thay đổi chính sách bền vững hơn trong quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.

"Không có nhiều thứ mà họ (chính quyền của ông Trump - BTV) có thể làm được vào ngày đầu tiên, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan liên bang thực hiện lời hứa thống trị năng lượng của họ", ông Sommers nhận định.

Nguồn baodautu

Tin cùng chuyên mục