Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Xe bền là tin vui với người sở hữu, nhưng không tốt hoàn toàn, bởi máy móc có thể vẫn hoạt động nhưng nhiều thứ khác đã muốn "nghỉ hưu".
Các vết bẩn, ố màu, các vết nứt vỡ, và cả hệ thống điện tử lỗi thời đều có thể phá hủy trải nghiệm lái tổng thể. Lúc này, bền dường như lại trở thành gánh nặng. Bởi ai đó có thể muốn thay xe, thậm chí bỏ đi, nhưng vì xe còn bền, động cơ vẫn tốt, hệ thống máy móc vẫn hoạt động, thân vỏ "ok" nên không nỡ, dù nội thất đã rất kinh khủng.
Vì thế các hãng sản xuất ôtô và các nhà cung ứng buộc phải nghĩ lại về cách mà họ tạo ra mọi thứ, từ bọc ghế tới sơn phủ cửa hay hệ thống thông tin giải trí. Tất cả đều phải được thiết kế để phục vụ thật lâu dài.
Một chiếc xe có thể hoạt động bền bỉ hàng chục năm, đặc biệt nhờ sự chăm sóc và giữ gìn của người sử dụng. Ảnh: Cars
Tuổi trung bình của ôtô con (và xe tải nhẹ) ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục: 11,8 năm trong năm 2018, theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit. Một phần nhờ việc nâng cấp, động cơ hoạt động lâu hơn với các thành phần đàn hồi tốt hơn. Tuy nhiên, một phần cũng nhờ thời hạn vay mua xe dài hơn.
"Mọi người đang giữ xe lâu hơn. Những chiếc ôtô đang ngày càng tốt hơn", Jake Fisher, giám đốc thử nghiệm xe hơi cho Consumer Reports nhận xét. "Không phải vô lý khi kỳ vọng một chiếc xe chạy hơn 240.000 km không gặp vấn đề gì".
Tính đến 2023, có khoảng 84 triệu xe tham gia giao thông với độ tuổi ít nhất là 16 năm, tăng 240% so với 35 triệu xe trong 2002, theo IHS. Nhưng điều này cũng tạo ra thách thức lớn.
Điều mà các hãng xe không mong muốn là tiếng xấu về việc nội thất nhanh hỏng. Nhựa mất màu hay nỉ bị ố có thể gây ấn tượng xấu với chủ xe và cả hành khách, rằng sản phẩm của hãng này hay hãng kia không thể song hành cùng thời gian, ngay cả khi động cơ vẫn mạnh mẽ.
Hãy nhìn nhận thực tế độ mòn trên những chiếc xe cũ qua các ứng dụng gọi xe, nơi số lượng hành khách thường cao hơn nhiều so với xe chỉ sử dụng gia đình. Nội thất bị hao mòn nhanh hơn rất nhiều.
"Khách hàng muốn những vật liệu mềm mại", Brent Gruber, giám đốc cao cấp ở J.D. Power cho biết. "Họ muốn những thứ trông thật đẹp, nhưng cũng phải bền".
Vật liệu nội thất và bọc ghế
Tại hãng cung ứng PPG, chuyên về sơn và vật liệu bề mặt, các kỹ sư đang hiệu chỉnh sản phẩm để giúp các hãng xe phát triển nội thất bền suốt 15 năm thay vì 10 năm. Ví dụ, họ cần chú ý hơn tới lớp bọc cho bệ tì tay và ghế.
Nhưng tăng độ bền cho đồ nội thất lên 50% đồng thời đòi hỏi sự đầu tư vào thiết kế và thành phần vật liệu, Rebecca Liebert, phó chủ tịch cấp cao của PPG cho biết. Vật liệu phủ và bọc "chất lượng phải ngày càng cao" để tồn tại suốt 15 đến 20 năm, Liebert nói.
Ở khía cạnh tiện dụng, sẽ cần sử dụng da tổng hợp nhiều hơn để bọc ghế thay vì loại nỉ truyền thống, và quá trình mài mòn sẽ nhanh hơn. PPG nỗ lực tạo ra loại da tổng hợp trông thật hơn và tăng độ bền so với trước đây.
"Một cơ hội lớn để các hãng xe tìm ra những vật liệu mới không chỉ mềm mại, mà còn rất bền", Fisher nhận xét. Như sự sáng tạo ra vật liệu dẻo tiên tiến bắt chước gỗ vân lớn. Mục tiêu của các hãng ôtô là liên kết độ bền bỉ với chất dẻo cứng "tồn tại mãi".
Hai trong số những vấn đề thường bị nêu nhiều nhất ở nội thất xe là vật liệu bị trầy xước và mòn, bọc ghế bị ố bẩn, theo J.D. Power liệt kê trong danh sách 233 rắc rối hay xảy ra trên ôtô.
Một trong những khu vực lớn nhất để nâng cấp là thứ mà Gruber gọi là "chuyển sang màu xanh" - hiện tượng thường xảy ra khi vải jeans cọ xát làm trầy xước bọc ghế vì sử dụng quá nhiều. Điều này khiến nhiều khách hàng thấy phiền.
Da tổng hợp là một giải pháp nhờ không bị xước, mòn và bạc nhanh như nỉ. Thậm chí nhiều khách hàng không biết rằng đó không phải là da thật, theo Gruber.
Một chiếc xe nhiều năm tuổi có thể vẫn chạy tốt nhờ động cơ bền bỉ, nhưng nội thất có thể đã rất cũ, vật liệu bề mặt hoen ố, và hệ thống điện tử lỗi thời. Ảnh: Motorious
Hệ thống thông tin giải trí
Một khu vực đang được các hãng xe đầu tư nhiều hơn để tăng độ bền là hệ thống thông tin giải trí - một trong những hệ thống trên xe hay gặp lỗi nhất, theo nghiên cứu về các mẫu xe mới của Consumer Reports và J.D. Power.
Tesla là một trong số những hãng nâng cấp công nghệ nhanh hàng đầu, còn các hãng xe truyền thống "lẹt đẹt" theo sau, một phần vì chi phí cao. Nhưng phần quan trọng là không phải nhà sản xuất ôtô nào cũng muốn đầu tư vào thứ có thể nhanh chóng trở thành "đồ cổ" chỉ sau ít năm. Điều đơn giản là công nghệ rất nhanh lỗi thời.
Nhiều mẫu xe mới hiện nay có thể kết nối với điện thoại thông minh, tương thích Apple CarPlay hay Google Android Auto. Nhưng theo năm tháng, hệ thống sẽ nhanh chóng mất khả năng nâng cấp.
Trong một nghiên cứu vào năm 2018, AAA thấy rằng Apple CarPlay và Android Auto nhanh hơn 24% so với các hệ thống có sẵn trên xe khi muốn gọi điện và nhanh hơn 31% khi muốn nhập điểm đến. Các chuyên gia ước tính trong 4 năm tới, sẽ có thêm nhiều khách hàng chuyển sang các mẫu xe kết nối hoàn toàn, thứ cho phép họ cập nhật phần mềm không dây cho chiếc xe.
Nhưng điều đó đòi hỏi các hãng phải đầu tư hệ thống máy tính và kết nối trên xe, với những thiết bị có dung lượng lưu trữ rất lớn. Ngoài ra, cần nhiều yếu tố khác đi kèm, kéo theo những khoản chi phí không nhỏ.
Tuy nhiên, ai cũng muốn hướng tới những thứ tốt hơn, và việc nâng cấp giống như quy luật tất yếu của cuộc sống. Ôtô có thể sẽ ngày càng bền hơn, và những thứ gắn liền được kỳ vọng cũng tồn tại tương xứng.
Nguồn VNE (theo New York Time)