Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phá hoại cáp viễn thông có bị xử lý hình sự?
Thứ ba: 09:51 ngày 05/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hành vi phạm tội của các đối tượng thể hiện sự liều lĩnh, thiếu hiểu biết. Một hành vi nhỏ nhưng có thể để lại hậu quả to lớn, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy). Tùy vào mức độ thiệt hại mà có thể xem xét phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết hơn 6.000 m dây điện, cáp kết nối camera tại nhiều cây cầu trên địa bàn thành phố vừa bị mất trộm gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

Có thể kể ra như hệ thống cáp đồng trần (loại dây được làm từ các sợi đồng bện lại với nhau) bị mất nhiều nhất, với gần 3.700 m. Ngoài ra, khoảng 1.600 m cáp nguồn DSTS, hơn 880 m cáp nguồn Duplex CV cũng bị mất. Đây là hệ thống dây truyền tải kết nối camera ở các dạ cầu để giám sát giao thông thuỷ.


Cầu Bình Triệu 1 nối thành phố Thủ Đức với quận Bình Thạnh - một trong những công trình bị mất trộm hệ thống dây điện, cáp kết nối camera (Ảnh: Gia Minh) 

Ngoài thiệt hại ngân sách, tình trạng mất trộm dây cáp còn gây khó khăn cho việc điều hành do không kiểm soát được tàu thuyền qua khu vực dạ cầu, hoặc xử lý nhanh sự cố va đụng vào trụ, thành cầu. Trong đó, nhiều công trình lớn bắc qua sông, rạch bị mất như Thủ Thiêm, Bình Lợi, Bình Triệu, Chợ Đệm...

Trước đó, tháng 8/2022, hàng loạt đồng hồ nước ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh trị giá khoảng trăm triệu đồng bị lấy trộm. Năm 2023, nhiều trụ đèn trên tuyến song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng bị cạy nắp, cắt trộm cáp điện. Cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng bị mất cắp nhiều thiết bị dù chưa hoàn thành.

Nhiều bạn đọc muốn biết quy định pháp luật hiện nay về xử lý các vi phạm nói trên như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Ninh Văn Quang (Công ty luật TNHH Trường Sơn, địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết nếu truy bắt thành công các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước, cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 42 Mục 4 Chương III Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03 tháng 02 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu làm hư hỏng đường dây cáp quang, ăng-ten hoặc trang thiết bị của hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch và các thiết bị viễn thông khác thuộc mạng viễn thông cố định mặt đất, mạng viễn thông di động mặt đất, mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh, mạng thông tin vô tuyến điện hàng hải công cộng, hệ thống máy chủ tên miền quốc gia.

Tùy vào hành vi và hậu quả gây ra, tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Điều 303 Mục 3 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:

Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

Thậm chí, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân: Có tổ chức; Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động; Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội; Tái phạm nguy hiểm…. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.

Các đối tượng phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Theo quy định tại Điều 364 Mục 4 Chương XV phần thứ ba Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015), lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý.

Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Thực tế trong văn bản của luật không “quy định cứng” một mức tiền bồi thường thiệt hại nào cả vì mỗi trường hợp thiệt hại sẽ khác nhau. Tại Điều 589 Mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

“Do vậy, nếu cá nhân/tổ chức nào do lỗi của mình một cách cố ý hay vô ý làm đứt cáp viễn thông, dây điện… thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu/đơn vị quản lý cáp viễn thông, dây điện đó. Các địa phương và đơn vị liên quan cũng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, đồng thời, lực lượng công an, dân phòng thường xuyên kiểm soát địa bàn để sớm phát hiện, xử lý”, luật gia Quang nhấn mạnh./.

Nguồn dangcongsan

Tin cùng chuyên mục