Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Học sinh trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên:
Phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở
Thứ tư: 06:03 ngày 29/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 01, cuối tháng 3.2023, Sở GD&ĐT Tây Ninh có văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên, áp dụng từ năm học 2023-2024.

Thư viện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Ngô Tuyết

Tháng 1.2023 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01 quy định quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Đây là quy định mới nhất về hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 01, cuối tháng 3.2023, Sở GD&ĐT Tây Ninh có văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên, áp dụng từ năm học 2023-2024.

Quy định tuyển sinh và hoạt động dạy học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên

Điều 12 Thông tư 01 quy định, hằng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch tuyển sinh căn cứ vào nhu cầu học tập của người dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy mô hoạt động và khả năng đáp ứng của Trung tâm.

Trung tâm thông báo công khai các thông tin về khoá học gồm chương trình, tài liệu dạy học, mục tiêu đầu ra, điều kiện học tập, giáo viên, phương thức kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả học tập, thời gian khai giảng, học phí, các thông tin cần thiết khác và thông báo công khai trước thời điểm khai giảng khoá học. Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm về thông tin tuyển sinh các khoá học, bảo đảm quyền lợi của người học.

Đối tượng tuyển sinh vào học chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp THCS là người đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học hoặc chương trình xoá mù chữ; đối tượng tuyển sinh vào học chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp THPT là người đã tốt nghiệp THCS.

Đối tượng tuyển sinh các chương trình khác: Trung tâm tuyển sinh theo nhu cầu người học và khả năng đáp ứng các điều kiện dạy và học của Trung tâm.

Học viên học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT được tổ chức theo lớp học. Sĩ số học viên mỗi lớp học ở các cấp THCS, THPT không quá 45 người. Hình thức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên tại Trung tâm bao gồm: vừa học vừa làm, học trực tuyến, tự học có hướng dẫn và các hình thức học khác theo nhu cầu của người học. Hình thức vừa học vừa làm, học trực tuyến, tự học có hướng dẫn được thực hiện theo quy định riêng của Bộ GD&ĐT.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Tây Ninh (cơ sở cũ của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha).

Bắt buộc có bằng tốt nghiệp THCS

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 01, ngày 20.3. Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai, trong đó lưu ý về công tác tuyển sinh. Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đối tượng tuyển sinh vào học chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp THPT là người đã tốt nghiệp THCS.

Người học có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, nếu có nguyện vọng vào học tại Trung tâm (không thực hiện kiểm tra, đánh giá lại) để tăng cường kiến thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT thì giám đốc Trung tâm căn cứ khả năng đáp ứng, sắp xếp lớp học cho học viên được ôn tập lại kiến thức.

Đối với việc tuyển sinh vào các lớp không phải lớp đầu cấp, nếu người học có học bạ thể hiện kết quả học tập đạt yêu cầu và được lên lớp thì Trung tâm sắp xếp cho học lớp tiếp theo (phải có bằng tốt nghiệp THCS).

Đầu tháng 4 hằng năm, Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nhu cầu học tập của người dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy mô hoạt động và khả năng đáp ứng của Trung tâm để xây dựng kế hoạch tuyển sinh THPT hệ GDTX trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt, đồng thời báo cáo kế hoạch tuyển sinh (đã được UBND địa phương phê duyệt) cho cơ quan quản lý (Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Cần nêu rõ cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch, các số liệu và nguồn lực về cơ sở, cán bộ, giáo viên, khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của học viên. Kế hoạch cần nêu rõ các thông tin về khoá học, gồm chương trình, tài liệu dạy học, mục tiêu đầu ra, điều kiện học tập, thời gian khai giảng (bảo đảm phù hợp khung kế hoạch, thời gian năm học theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh), học phí, các thông tin cần thiết khác liên quan đến công tác tuyển sinh (thông tin về việc kết hợp dạy văn hoá và liên kết đào tạo nghề…).

Sau khi được UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt kế hoạch, Trung tâm GDNN-GDTX cần thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại đơn vị để thông báo công khai các thông tin về khoá học trước thời điểm khai giảng.

Tây Ninh có 10 Trung tâm GDNN - GDTX (9 trung tâm cấp huyện, 1 trung tâm cấp tỉnh). Sau một thời kỳ dài hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp trong việc đào tạo, nâng cao dân trí, chuẩn hoá văn bằng, nhiều năm gần đây, mô hình giáo dục thường xuyên gặp khó khăn trong tuyển sinh. Ngoài các lớp dạy nghề phổ thông, đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp cho lao động nông thôn, hiện nay số lượng học sinh phổ thông theo học ở Trung tâm GDNN - GDTX rất ít.

Thông tư nêu rõ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học viên học hết chương trình, xoá mù chữ, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được công nhận hoàn thành chương trình xoá mù chữ.

Học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu Trung tâm cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh