Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ðiều tra, rà soát hộ nghèo:
Phải khách quan, đúng đối tượng
Thứ sáu: 08:39 ngày 05/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như tin đã đưa, ngày 27.9, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp để nghe Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) giải trình về công tác rà soát hộ nghèo và chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Một trong những vấn đề nổi lên là công tác điều tra, rà soát hộ nghèo vẫn còn tình trạng chưa chính xác, trong đó, tỷ lệ hộ không có khả năng thoát nghèo cao một cách bất thường.


Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh trong một lần đi giám sát về công tác giảm nghèo.

TÁC ÐỘNG TÍCH CỰC CỦA CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Báo cáo tại phiên giải trình, bà Võ Thanh Thuỷ, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo năm 2017. Trên cơ sở đó, Sở thành lập tổ giám sát về việc điều tra, rà soát hộ nghèo.

Quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo được thực hiện đúng quy định của Trung ương với 8 bước, gồm: xác định, lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; rà soát hộ gia đình; tổng hợp, phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; báo cáo xin ý kiến của UBND huyện, thành phố; công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và cuối cùng là báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo.

Tháng 11 hằng năm, Sở báo cáo UBND tỉnh kết quả sơ bộ điều tra, rà soát hộ nghèo, sau đó, UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ LÐ-TB&XH để cộng nhận kết quả chính thức. Năm 2017, toàn tỉnh còn 3.339 hộ nghèo, trong đó, số hộ không có khả năng thoát nghèo (nghèo vĩnh viễn) là 2.142 hộ; có 5.950 hộ cận nghèo, giảm gần 300 hộ so với năm 2016.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo. Theo lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH, Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo ở một số địa phương chưa tập trung, chưa quan tâm chỉ đạo thường xuyên đối với lực lượng điều tra viên, điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ rà soát của toàn tỉnh.

Báo báo kết quả rà soát và tổng hợp biểu mẫu của các địa phương còn sai sót nhiều, số liệu chưa chặt chẽ, không thống nhất giữa các biểu mẫu với nhau nên phải chỉnh sửa nhiều lần. Phần lớn các ấp, khu phố chưa thực hiện tốt công tác tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát. Biên bản các cuộc họp dân còn sơ sài, chưa ghi đủ các ý kiến đóng góp, ý kiến phát biểu của người dự họp.

Việc xác định số hộ không có khả năng thoát nghèo được nhìn nhận là chưa phản ánh đúng thực tế. Trong hai tháng 4 và 5.2018, Sở LÐ-TB&XH phúc tra rà soát hộ không có khả năng thoát nghèo ở một số huyện. Kết quả cho thấy, số hộ không có khả năng thoát nghèo giảm 560 hộ so với kết quả được công bố năm 2017.

Ðối với chính sách giảm nghèo, các chính sách của Trung ương và địa phương đã có tác động tích cực đến mức sống của người dân thuộc hộ nghèo. Nhiều hộ nghèo đã được tạo điều kiện, hỗ trợ mua sắm công cụ sản xuất, cây con giống để làm kinh tế gia đình. Chính sách về bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo đã kịp thời hỗ trợ chi phí cho người bệnh, gia tăng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế cần thiết cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính sách tín dụng ưu đãi đã tác động quan trọng đến công cuộc giảm nghèo. Nhiều hộ được vay vốn tín dụng cho biết, nguồn vốn này đã góp phần cải thiện cuộc sống của họ.

Tuy vậy, chính sách giảm nghèo không phải đã hết những hạn chế, bất cập. Trong đó, các chương trình kinh tế - xã hội lồng ghép với chính sách giảm nghèo chưa được thực hiện thường xuyên. Nguồn vốn ngân sách của Trung ương giao cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2018 đối với các xã ngoài Chương trình 135 còn hạn chế. Nguồn vốn thực hiện các dự án sản xuất còn ở mức thấp, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo ít tái đầu tư để phát triển sản xuất. Hộ nghèo cũng ít khi tham gia học các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

NHẬN BÒ VỀ RỒI… ÐEM TRẢ

Sau khi nghe báo cáo, đại biểu tham dự phiên giải trình nêu nhiều vấn đề xung quanh công tác giảm nghèo. Ông Lê Quang Tuấn, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh cho rằng, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo còn những vấn đề cần xem lại. Lý do, nhiều hộ vẫn có cơ hội thoát nghèo nhưng bị đưa vào diện hộ nghèo vĩnh viễn.

Vẫn theo ông Tuấn, chính sách giảm nghèo tuy nhiều nhưng lại thiếu tập trung, dàn trải. Ông Võ Văn Sớm, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh đề cập đến hoạt động của Ban Chỉ đạo về công tác giảm nghèo? Việc điều tra, rà soát cần bảo đảm tính chính xác, vì có trường hợp Bí thư Ðảng uỷ xã nằm trong danh sách hộ nghèo hai năm liền. Các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh và kết quả cho thấy phản ánh của người dân là đúng. Ông Sớm cũng đề nghị lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH nên chủ động đề ra giải pháp để công tác giảm nghèo có hiệu quả hơn. 

Ông Phạm Hùng Thái, Trưởng Ban Pháp chế HÐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH làm rõ việc bình xét hộ nghèo không đúng đối tượng, thông tin rõ chuyện này xảy ra ở địa phương nào để xem xét trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh, mặc dù cùng thuộc diện hộ nghèo nhưng mức sống, điều kiện kinh tế của từng hộ, từng địa phương có sự chênh lệch khá rõ, tức hộ nghèo của địa phương này có thể khấm khá hơn hộ nghèo địa phương khác. Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh đặt vấn đề: Các chính sách giảm nghèo hiện nay liệu có thể giúp cho các hộ nghèo thoát nghèo được không? Việc xác định hộ nghèo địa phương đã có tiêu chí nào chưa hay chỉ áp dụng tiêu chí hộ nghèo của Trung ương? Bà Hạnh cũng đề cập đến vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác giảm nghèo.

Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh đề nghị Sở LÐ-TB&XH tổng kết, rà soát lại các chính sách và tác động của từng chính sách đối với công tác giảm nghèo. Ví dụ, vì sao có không ít hộ nghèo không mặn mà với đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn? “Tôi thấy chỗ nào cũng nói về nuôi bò, ngân hàng bò, vậy mô hình này có thật hiệu quả hay không”- ông Phương nói. 

Bà Phan Thị Ðiệp, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh dẫn lời một lãnh đạo địa phương bình luận, đào tạo nghề cho lao động nông thôn “khoảng 70% là không có hiệu quả”. Theo đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, việc bình xét hộ nghèo hoặc hỗ trợ về nhà ở không chính xác, cá biệt có trường hợp một hộ có đất mặt tiền khá rộng, khoảng 30 mét nhưng vẫn “gặp khó khăn về nhà ở”.

Khi được hỏi, sao không bán một phần để xây nhà thì chủ hộ trả lời “đất mặt tiền để dành cho con cháu”. Việc bình chọn, xét đối tượng để hỗ trợ nhà ở còn tình trạng không đúng đối tượng. Có những hộ được hỗ trợ bò giống nhưng lại không muốn nuôi, đem trả UBND xã.

Giải trình một số vấn đề, bà Võ Thanh Thuỷ, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH cho biết, việc điều tra, rà soát hộ nghèo sẽ được xem xét lại để bảo đảm tính xác thực, đúng đối tượng. Ðối với hoạt động của Ban Chỉ đạo, hằng năm, Ban này đi kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo nhưng cũng có thành viên Ban chưa thực sự quan tâm đến công việc được giao, vì kiêm nhiệm nhiều việc. 

Ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH giải trình: việc phân công lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo giảm nghèo còn bất cập. Thành viên Ban Chỉ đạo ở Trung ương chưa từng về Tây Ninh làm việc với tỉnh về công tác giảm nghèo, tương tự, lãnh đạo tỉnh cũng được cơ cấu, bố trí vào Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh nhưng cũng ít khi về kiểm tra công tác này ở địa phương. Ngoài ra, kinh phí dành cho điều tra viên quá thấp, chỉ 11 ngàn đồng mỗi hộ được duy trì từ năm 2013 đến nay, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điều tra, rà soát hộ nghèo không đúng thực chất. 

“Chúng tôi đã đề nghị nâng mức kinh phí cho mỗi điều tra viên lên 20.000 đồng nhưng đến nay vẫn chưa được. Qua kiểm tra, rà soát ở một số địa phương trong tỉnh, số hộ nghèo được xác định nghèo vĩnh viễn chiếm đến 62%, điều này rất vô lý và sai thực tế”- ông Quá nhận định. 

Trước ý kiến đề nghị không nên đưa chủ hộ là thanh niên vào diện hộ nghèo, ông Quá cho rằng không thể được, vì có trường hợp chồng bệnh nan y, vợ ốm yếu, con đông, không thể không đưa vào diện hộ nghèo. Theo đại diện Sở NN&PTNT, hiện nay mô hình, phương thức giảm nghèo dành cho hộ nghèo phần lớn là các dự án chăn nuôi.

Lý do, đã là hộ nghèo thì ít khi có đất sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản lại càng không. Tuy nhiên, các dự án chăn nuôi không thể giúp hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo được, vì phải 3 năm kể từ khi nuôi, một con bò cái mới có thể sinh sản.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch HÐND tỉnh phát biểu, so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của Tây Ninh thuộc diện thấp. Thời gian qua, các cấp, ngành liên quan, cơ quan thường trực về giảm nghèo đã thực thi đầy đủ chính sách của Trung ương, góp phần làm tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.

Tuy vậy, công tác giảm nghèo cũng còn những vấn đề cần điều chỉnh, trong đó có việc xác định hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo vĩnh viễn của tỉnh cũng cao hơn mức bình quân chung cả nước. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ còn có tính cào bằng dẫn đến hiệu quả thấp. Về giải pháp, ông Nguyễn Thành Tâm đề nghị Sở LÐ-TB&XH tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên giải trình để công tác giảm nghèo hiệu quả hơn. Cần nâng cao chất lượng điều tra và tăng cường phúc tra vấn đề này nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan.

VIỆT ÐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục