Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phải tạo được sự đột phá trong phát triển du lịch
Thứ sáu: 05:55 ngày 14/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện về việc triển khai thực hiện quy hoạch thời gian qua, xác định rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế yếu kém của ngành du lịch địa phương, “định vị” đúng vai trò của ngành du lịch trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tây Ninh khoá IX, sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ông Lê Anh Tuấn- Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về vấn đề phát triển du lịch tỉnh nhà. Qua đó, nêu rõ thực trạng của ngành du lịch, cũng như phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục, tạo động lực phát triển mạnh mẽ ngành du lịch địa phương trong thời gian tới.

Cáp treo núi Bà Đen. Ảnh: L.V.H

NỖ LỰC phát triển NGÀNH DU LỊCH

Từ năm 2013, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và ban hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai định hướng phát triển ngành du lịch địa phương. Quan điểm của tỉnh là phát triển du lịch “theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh”; phát triển đồng thời cả thị trường nội địa và quốc tế; xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có để thu hút khách và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Tây Ninh; phát triển du lịch theo hướng bền vững; huy động nguồn lực xã hội để đầu tư.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là “phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi một cách căn bản cơ cấu kinh tế của tỉnh; hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc...”.

Kết quả giám sát cho thấy, đầu tư cho phát triển du lịch ngày càng được quan tâm, bao gồm cả nguồn lực đầu tư từ ngân sách và huy động xã hội hoá. Ngành du lịch đã có đóng góp rõ nét vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, thúc đẩy các ngành dịch vụ và các ngành nghề khác cùng phát triển, tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, làm thay đổi bộ mặt xã hội và đời sống một bộ phận dân cư địa phương.

Từ năm 2013 đến nay, trên cơ sở quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết, việc đầu tư phát triển du lịch được huy động từ nhiều nguồn lực (ngân sách Nhà nước, vốn vay ưu đãi, xã hội hoá...) đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch (khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi, giải trí...). Nguồn ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho hạ tầng du lịch từ năm 2013 đến năm 2016 (chủ yếu là các tuyến đường đến khu du lịch và hạ tầng cho Khu du lịch núi Bà Đen, các di tích lịch sử quốc gia) với tổng vốn hơn 870 tỷ đồng, so với quy hoạch tăng 3,65 lần. Tuy nhiên, vốn hạ tầng chủ yếu tập trung vào các tỉnh lộ và quốc lộ dẫn đến khu du lịch, chưa đầu tư trực tiếp cho các khu du lịch theo quy hoạch. Giai đoạn này, ngành du lịch thu hút 10 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 2.046 tỷ đồng, luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 20 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. So với quy hoạch tăng 51,53%.

Giai đoạn 2013-2016, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã triển khai đầu tư một số dự án phát triển hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm (núi Bà Đen, di tích Trung ương Cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát...). Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch tiểu vùng sông Mê Kông; tiếp cận nguồn vốn ODA thực hiện dự án cải thiện môi trường du lịch núi Bà Đen với tổng vốn đầu tư dự kiến là 5,6 triệu USD, gồm nhiều hạng mục. Thế nhưng đến nay, nguồn vốn này được phân bổ chậm, đến năm 2016 mới chỉ được phân bổ 32 tỷ đồng và đang đầu tư vào hai hạng mục mở rộng mặt bằng chùa Bà, đào tạo nguồn nhân lực.

 Ngoài ra, từ nguồn xã hội hoá, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch đã có sự phát triển bước đầu. Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các dự án như: phát triển Khu du lịch núi Bà Đen; cáp treo giai đoạn II; trung tâm thương mại - giải trí Cà Na; khách sạn Sunrise; khu phức hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại - dịch vụ của Tập đoàn VinGroup và một số khách sạn, điểm vui chơi, giải trí tư nhân có quy mô nhỏ…

Nhưng CÒN CHẬM

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác triển khai quy hoạch du lịch còn chậm và chưa đồng bộ. Từ tháng 8.2013, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 29/2013/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng gần 3 năm sau UBND tỉnh mới ban hành kế hoạch triển khai. Kế hoạch này cũng chưa cụ thể hoá được công việc cần làm, thời gian và lộ trình thực hiện cho từng nội dung công việc; chưa ban hành kế hoạch để cụ thể hoá công việc hằng năm nên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai và đạt được một số kết quả nhất định bước đầu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc triển khai thực hiện quy hoạch du lịch thời gian qua chủ yếu được thực hiện ở cấp tỉnh, hầu hết các huyện, thành phố chỉ dừng ở việc triển khai văn bản, chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương. Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh hoạt động chưa thường xuyên, chưa phát huy tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp, điều phối các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Do chưa có các dự án lớn mang tầm quốc tế, nên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch (khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, trạm dừng chân...) còn nhiều hạn chế. Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng thấp, chưa có cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, còn lại chủ yếu là nhà nghỉ, nhà trọ chiếm đa số (93,5%); hạ tầng cung ứng các dịch vụ vui chơi, giải trí tại hầu hết các khu, điểm du lịch trọng điểm còn nghèo nàn, thu hút và phục vụ chủ yếu đối tượng khách là người địa phương, thời gian tập trung chủ yếu vào ngày nghỉ lễ và cuối tuần; các nhà hàng, cơ sở ăn uống chuyên phục vụ du lịch chưa phát triển; việc vận chuyển khách du lịch chủ yếu là đường bộ, sử dụng chủ yếu các phương tiện công cộng (như xe ô tô, xe buýt, taxi) chưa có hệ thống vận tải chất lượng cao, chuyên phục vụ du lịch. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen mặc dù được xác định là trọng tâm ưu tiên phát triển nhưng chưa có sự đầu tư đúng mức, chưa có nhà đầu tư chiến lược tham gia nên chưa có sự đột phá, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của ngành du lịch cả tỉnh nói chung.

Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển du lịch đều tăng trưởng qua các năm nhưng so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều chưa đạt kế hoạch. Đồng thời, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế- về số lượng lẫn chất lượng. 

SẢN PHẨM DU LỊCH ĐƠN ĐIỆU

Hiện nay, du lịch lễ hội, tín ngưỡng và tâm linh vẫn là sản phẩm chủ lực để thu hút khách du lịch đến với Tây Ninh. Các dịch vụ vui chơi, giải trí tại hầu hết các khu, điểm du lịch trọng điểm còn rất nghèo nàn. Một số điểm du lịch chưa phát triển được các dịch vụ phục vụ cần thiết nên khó giữ chân du khách. Chất lượng dịch vụ du lịch (yếu tố quan trọng cấu thành sản phẩm du lịch) còn nhiều mặt hạn chế.

Trong khi quy hoạch tổng thể phát triển du lịch định hướng phát triển 7 nhóm sản phẩm du lịch (tín ngưỡng, về nguồn, sinh thái, làng nghề, thương mại - công vụ, nghỉ dưỡng - chữa bệnh, ẩm thực) nhưng hiện chủ yếu vẫn là những sản phẩm truyền thống gắn với khai thác tài nguyên (tâm linh - tín ngưỡng, du lịch về nguồn). Do vậy, hầu hết các sản phẩm du lịch của địa phương hiện nay còn ở dạng sơ khai, chưa khai thác hết và chưa tạo ra đươc những giá trị gia tăng mới cho các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương.

Hầu như các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh chưa được hình thành và khai thác một cách chuyên nghiệp. Mặc dù, các đơn vị kinh doanh du lịch đã thực hiện khảo sát nhiều tuyến du lịch trong địa phương để xây dựng tuyến du lịch gắn kết các khu, điểm du lịch trong tỉnh, nhưng việc triển khai vào thực tế còn rất hạn chế. Khách du lịch đến Tây Ninh chủ yếu mang tính tự phát, lượng khách do các công ty lữ hành đưa đến Tây Ninh rất ít.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đạt hiệu quả cao, còn rời rạc, chắp vá, chưa có chiến lược cụ thể. Nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội, thiếu tính chuyên nghiệp.

Ngành du lịch (cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp) chưa khai thác được các chương trình hợp tác của tỉnh với các địa phương khác để nâng cao năng lực quảng bá, mở rộng thị trường, thu hút khách, thu hút đầu tư và kiến thức, kinh nghiệm làm du lịch. Tại địa phương, sự liên kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau cũng chưa chặt chẽ, tạo ra những khó khăn, cản trở, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Lưu Quang- Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu trước nội dung chất vấn Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

CẦN “ĐỊNH VỊ” ĐÚNG VAI TRÒ CỦA NGÀNH DU LỊCH

HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế trong phát triển du lịch tỉnh nhà, như: việc triển khai quán triệt, phổ biến quy hoạch còn chung chung, chưa sâu rộng. Việc chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt. Năng lực tham mưu của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành thiếu chặt chẽ dù du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Thường trực HĐND và các ban của HĐND đã thực hiện giám sát, khảo sát và kiến nghị về triển khai quy hoạch đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được quan tâm đầy đủ.

Nguồn lực, năng lực đầu tư trong lĩnh vực du lịch của địa phương còn hạn chế. Địa phương hiện chưa có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch; chưa phát huy, khai thác có hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển với một số tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phục vụ ngành du lịch địa phương.

Từ thực trạng trên, HĐND tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh để thực hiện nhằm tạo sự đột phá trong phát triển du lịch. Trong đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện về việc triển khai thực hiện quy hoạch thời gian qua, xác định rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế yếu kém của ngành du lịch địa phương, “định vị” đúng vai trò của ngành du lịch trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở đó, cụ thể hoá nội dung và xác định yếu tố trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình thực hiện cụ thể.

ĐÌNH CHUNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh