Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh Trường THPT Tây Ninh trong giờ chào cờ đầu tuần
Thừa, thiếu hoặc vừa thừa vừa thiếu giáo viên không phải câu chuyện mới. Vấn đề này đã xảy ra, tồn tại từ nhiều năm. Hầu hết các thông tư, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tỷ lệ giáo viên trên một lớp học (định biên) đã được tính toán kỹ về khoa học sư phạm, nhưng thực tế chứng minh rằng, mức định “lý tưởng” trong các quy định hầu như chưa thực hiện được. Chỉ tính khoảng 5 năm qua, cả nước giảm hàng chục ngàn giáo viên nhưng số học sinh lại tăng lên vài triệu em.
Học sinh tăng gần 3 triệu, giáo viên giảm gần 50.000 người
Theo giới chuyên gia, nhà quản lý trong ngành Giáo dục, thông tin do Tổng cục Thống kê công bố có tính “bất ngờ” nhưng không có gì gây ngạc nhiên. Bất ngờ bởi vì, lần đầu tiên, trong thời gian 6 năm, một con số thống kê chính xác đến hàng đơn vị của ngành Giáo dục được công bố không phải từ ngành Giáo dục.
Từ trước đến nay, trong báo cáo tổng kết năm học do Bộ GD&ĐT tổ chức, sự biến động (tăng, giảm) số lượng giáo viên được công bố chỉ trên cơ sở tổng hợp từ 63 tỉnh, thành trong cả nước. Còn nói không ngạc nhiên, bởi vì thực trạng thừa thiếu, hoặc vừa thừa vừa thiếu giáo viên đã được đề cập nhiều, có người còn cho rằng vấn đề này “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Theo chức năng, nhiệm vụ, Tổng cục Thống kê chỉ công bố số liệu, còn lý giải nguyên nhân, nguồn gốc của vấn đề không thuộc trách nhiệm của cơ quan này. Các nhà quản lý trong ngành Giáo dục từng chỉ ra, việc tăng gần 3 triệu học sinh trong thời gian chỉ 6 năm hoàn toàn có thể giải thích được: gia tăng dân số.
Chính sách kế hoạch hoá gia đình (mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con) từng phát huy hiệu quả trong hạn chế gia tăng dân số. Những người có điều kiện theo dõi thời sự của ngành Giáo dục hoặc gắn bó với ngành này không khó để nhận thấy điều đó. Khoảng 15 năm (2000-2015), số lượng học sinh trong mỗi lớp học, mỗi trường học có xu hướng giảm dần và có giai đoạn giảm mạnh.
Có trường phổ thông trong thời gian chỉ hơn 10 năm (2000-2010) đã giảm một nửa tổng số lớp học. Cũng trong giai đoạn này, giáo viên phổ thông, đặc biệt giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thừa rất nhiều. Trường cao đẳng sư phạm tại hầu hết các tỉnh, thành phố phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, là minh chứng cho hiện tượng vừa nêu.
Khi Việt Nam đứng trước nguy cơ già hoá dân số, chính sách kế hoạch hoá gia đình được điều chỉnh bằng chính sách dân số và phát triển. Theo phân tích, thời kỳ dân số vàng của một quốc gia thường kéo dài trong 40 năm.
Tuy nhiên, thời kỳ dân số vàng ở nước ta kết thúc sớm hơn nhiều so với chu kỳ thường thấy về sự biến động dân số. Chính điều này dẫn đến các nhà hoạch định chính sách phải điều chỉnh để tăng tỷ lệ sinh.
Số lượng học sinh tăng gần 3 triệu em trong 6 năm qua là minh chứng cho thấy sự điều chỉnh, chuyển hướng đó. Đó còn chưa kể sự gia tăng dân số cơ học, đặc biệt ở các thành phố lớn, khu-cụm công nghiệp (con em công nhân) khiến cho số lượng học sinh trong một lớp học không ngừng tăng.
Bỏ qua các tiêu chí khác, chỉ tính riêng tiêu chí học sinh trong mỗi lớp học, hiện nay rất ít trường duy trì đạt chuẩn quốc gia, vì số lượng học sinh trong lớp thuộc trường chuẩn quốc gia vượt quá quy định do Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành.
Trong khi chỉ một thời gian ngắn, học sinh phổ thông tăng hàng triệu em thì cũng chỉ trong khoảng thời gian ấy, số giáo viên giảm gần 50.000 người. Chỉ tính trong hai năm qua, gần 40.000 người thuộc khối dịch vụ công bỏ việc, phần lớn trong số này là giáo viên.
Tuyển dụng có dễ không?
Tại thời điểm này, việc tuyển dụng giáo viên hoàn toàn không đơn giản. Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV (đang diễn ra), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, nhu cầu giáo viên từ nay đến năm 2026 là 107.000 người, trong khi Bộ Chính trị đã phê duyệt từ nay đến đó, cả nước được tuyển bổ sung gần 66.000 giáo viên.
Thực chất của tình trạng thiếu hụt giáo viên hiện nay có một nguyên nhân (trực tiếp) rất lớn về mặt chính sách pháp luật. Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 khiến cho toàn bộ hệ thống trường cao đẳng sư phạm trong cả nước, trên thực tế, chỉ hoạt động cầm chừng, đào tạo giáo viên mầm non và số ngành ngoài sư phạm.
Trường cao đẳng sư phạm, theo luật, không còn tuyển sinh, đào tạo giáo viên phổ thông, cụ thể là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, trong khi đây lại là hai cấp học thiếu giáo viên trầm trọng.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đề xuất cho phép tuyển dụng giáo viên, sinh viên có bằng cao đẳng sư phạm, hy vọng bù đắp phần nào số giáo viên đang thiếu. Tuy nhiên, đề xuất này quá muộn. Số sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy, việc quay về quê để đi dạy chỉ là lựa chọn sau cùng.
Đây còn chưa đề cập đến, đối với những sinh viên chính quy tốt nghiệp đại học các ngành ngoại ngữ, tin học không dễ gì họ chấp nhận vào dạy trường công lập với mức lương khởi điểm còn thua cả khoản tiền hỗ trợ sinh viên sư phạm.
Trong khi đó, việc đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng theo quy định tại Nghị định 116, hiện cả nước chưa địa phương nào thực hiện được, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giải quyết những tồn tại nêu trên, phải điều chỉnh, thay đổi hàng loạt chính sách.
Bức tranh chung
Tây Ninh cũng nằm trong tình hình chung của cả nước về thiếu giáo viên các cấp học, bậc học. Trong lần làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT hồi đầu năm nay tại Tây Ninh, lãnh đạo Sở GD&ĐT báo cáo, toàn tỉnh có 1.801 giáo viên bậc học mầm non.
Trong khi theo tính toán, Tây Ninh cần ít nhất 2.064 giáo viên cho bậc học này. Như vậy, năm học này, bậc học mầm non ở Tây Ninh thiếu 263 giáo viên. Đó là con số theo tính toán.
Còn đối chiếu với quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì nhu cầu giáo viên cho bậc học mầm non là 2.230 giáo viên. Như vậy, chưa nói vị trí việc làm khác trong trường mầm non, chỉ riêng giáo viên, Tây Ninh đang thiếu 429 người.
Giáo dục phổ thông, cấp tiểu học, toàn tỉnh hiện có 4.432 giáo viên trong khi nhu cầu giáo viên theo định mức (Bộ GD&ĐT) Tây Ninh cần 4.705 giáo viên, thiếu 273 giáo viên. Cấp THCS, Tây Ninh hiện có 2.856 giáo viên, theo quy định, cấp học này cần 3.173 giáo viên, thiếu 317 giáo viên. Cấp THPT, Tây Ninh có 1.371 giáo viên trong khi theo quy định, cấp học này cần 1.617 giáo viên, thiếu 246 giáo viên. Cộng các con số lại, toàn tỉnh đang thiếu 1.265 giáo viên các cấp học, bậc học.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT giải thích, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển dụng (tiêu chuẩn viên chức mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, viên chức tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học trở lên). Do quy định mới như vừa nêu, công tác tuyển dụng giáo viên cho các cấp học, bậc học khó khăn hơn.
Năm 2020, bậc học mầm non có kế hoạch tuyển dụng 311 chỉ tiêu giáo viên nhưng chỉ tuyển được 105, chỉ đạt 34% so với kế hoạch. Cấp học tiểu học có kế hoạch tuyển dụng 197 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 107 giáo viên, chỉ đạt 54% so với kế hoạch. Cấp học THCS có kế hoạch tuyển dụng 156 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 89 giáo viên, chỉ đạt 57% so với kế hoạch.
Năm 2021, bậc học mầm non có kế hoạch tuyển dụng 249 chỉ tiêu giáo viên nhưng tuyển được 43 người, chỉ đạt 17% so với kế hoạch. Cấp học tiểu học có kế hoạch tuyển dụng 183 giáo viên tiểu học, tuyển được 34 người, đạt 19% so với kế hoạch. Cấp học THCS có kế hoạch tuyển dụng 189 giáo viên, tuyển được 38 giáo viên, chỉ đạt 20% so với kế hoạch.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Xin lưu ý, con số giáo viên thiếu chỉ mới tính ở mức thấp nhất theo tỷ lệ định biên, nếu “tính đúng tính đủ” theo quy định của Bộ GD&ĐT, số lượng giáo viên ở Tây Ninh thiếu còn nhiều hơn. Điều này dẫn đến việc, một số môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không triển khai được.
Tổng cục Thống kê vừa công bố một số số liệu về ngành Giáo dục, trong đó tập trung về số lượng giáo viên và học sinh trong cả nước từ năm 2016 đến nay. Theo công bố, 6 năm qua, cả nước giảm 48.100 giáo viên trực tiếp đứng lớp ở bậc phổ thông. Tại thời điểm đầu năm học 2021-2022, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 813.200 người. Trong khi đó, năm học 2015-2016, cả nước có 861.300 giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Trong 5 năm, mặc dù số lượng giáo viên phổ thông giảm gần 50.000 người nhưng số học sinh lại tăng hơn 2.500.000 em. Theo niên giám thống kê, năm 2021, cả nước có 17.921.100 học sinh, con số này 6 năm trước (2015) là 15.358.800 học sinh. Theo phân nhóm đối tượng từng cấp học, số học sinh tăng ở cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Việt Đông