Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phải thu hẹp khoảng cách giáo dục miền núi với miền xuôi
Thứ sáu: 07:50 ngày 20/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thăm Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn và làm việc với lãnh đạo tỉnh, chiều 19/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: Làm sao để có ngày càng nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với miền xuôi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buồi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn hiện có 599 học sinh, 48 giáo viên, 23 nhân viên. Chất lượng giáo dục của nhà trường luôn duy trì tốp đầu trong tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên 80%...

Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng nhưng đến nay Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn mới chỉ tiếp nhận được 200 học sinh/năm. Đây cũng là thách thức đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú của Lạng Sơn. Hiện chỉ có 6% học sinh dân tộc thiểu số bậc THCS được học trong trường nội trú, còn ở bậc THPT là 3%.

Tìm cách tăng tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đến trường

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sứ mệnh của các trường dân tộc nội trú vô cùng quan trọng trong đào tạo nhân lực, nhân tài cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho đất nước. Trước đây, do còn khó khăn nên các trường dân tộc nội trú mới tiếp nhận được một tỷ lệ rất nhỏ con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thách thức hiện nay là làm sao tổ chức hệ thống trường lớp với nhiều mô hình để con em đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dần với môi trường giáo dục có chất lượng không kém các tỉnh miền xuôi.

“Với kinh phí hiện nay có cách nào để chúng ta đón được nhiều hơn học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng đầu ra tốt, có thể thi đỗ các trường đại học tốp đầu. Có như vậy mới là đào tạo nhân tài của đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Thủ tướng trăn trở.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng năng lực cho các trường dân tộc nội trú như sử dụng cơ sở vật chất của trường cao đẳng sư phạm để tiếp nhận học sinh dân tộc thiểu số; nâng cấp các trường dân tộc nội trú ở huyện thành trường liên cấp THCS -THPT, mở rộng mạng lưới trường bán trú, giảm điểm trường...

Phó Thủ tướng thăm một lớp học của Trường THPT nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Dạy học từ chương trình rồi kèm cặp các cháu, học cùng các cháu như tiếng dân tộc, sinh hoạt văn hóa … nên đội ngũ nòng cốt của các thầy cô ở trường dân tộc nội trú là những “hạt giống” rất đáng quý. Những kinh nghiệm tốt, những thầy cô giáo tốt ở trường dân tộc nội trú, cùng cách làm sáng tạo sẽ giúp ngày càng nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được đi học. Giáo dục khu vực miền núi phía Bắc đang là vùng trũng nên công tác này lại càng quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đang xây dựng một số mô bình nhằm tạo điều kiện để các em học sinh dân tộc thiểu số học chung tại các trường ở địa phương, đáng chú ý là phương án lập khu ký túc riêng cho học sinh dân tộc thiểu số nhưng các em sẽ đi học tại các trường học bình thường tại địa phương; hoặc tăng tỷ lệ học sinh bên ngoài vào học trong trường dân tộc nội trú.

Vấn đề chiến lược trong công tác dân tộc

Sau khi khảo sát trường dân tộc nội trú tỉnh, làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ba vấn đề lớn là: Sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm; giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Phó Thủ tướng cho biết, giáo dục phổ thông của Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp thứ 39 trên thế giới trong khi thu nhập GDP bình quân đầu người đứng thứ 130. Đây là công lao rất lớn của nhiều thế hệ thầy, cô giáo. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích này, các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo nếu không có những giải pháp đổi mới mạnh hơn thì khoảng cách giữa giáo dục miền xuôi với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ngày càng lớn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết trong 3 năm qua, tỉnh đã tiến hành sáp nhập nhiều điểm trường, chuyển đổi hơn 90 trường tiểu học, THCS sang mô hình bán trú, chuyển các trường dân tộc nội trú THCS sang trường nội trú liên cấp THCS - THPT. Đối với, trường cao đẳng sư phạm, tỉnh đã sáp nhập trường trung cấp kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật vào sư phạm, mở thêm các ngành ngoài sư phạm.

Phó Thủ tướng thăm bếp ăn của Trường THPT nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về khả năng đưa một số trường phổ thông công lập chất lượng cao được tự chủ, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân có khả năng chi trả mức học phí cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho rằng vướng nhất hiện nay là căn cứ pháp lý, cũng như thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh. “Nếu được Bộ GD&ĐT cho phép cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể của các bộ, ngành liên quan thì Lạng Sơn sẵn sàng xung phong thí điểm có lộ trình, tổng kết, rút kinh nghiệm”, ông Thưởng nói.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định quyết tâm tăng số lượng con em đồng bào dân tộc thiểu số học tại các trường bán trú, nội trú, trong đó mô hình có khu ký túc dành cho học sinh dân tộc thiểu số nhưng sẽ học chung tại các trường học bình thường cũng có thể thực hiện được.

Đối với công tác giáo viên, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, ngành giáo dục nắm vững tinh thần “đặt hàng” đào tạo giáo viên mới theo nhu cầu của từng trường, từng bộ môn kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên hiện nay.

“Giáo dục, đào tạo là vấn đề chiến lược trong công tác dân tộc. Trong thời gian tới chúng ta cần xây dựng chương trình riêng về giáo dục miền núi phía bắc”, Phó Thủ tướng nói./.

Nguồn chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục